Đội quân vĩ đại nhất thế giới

Tất cả nhân chứng đương thời đều tuyên bố rằng quân đội Ottoman là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới trong ít nhất hai thế kỷ.

Năm 1453 là năm đánh dấu sự kết thúc của Đế quốc La Mã. Bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên trước những thành công gần như liên tục của quân đội Ottoman, đội quân được hình thành chưa đầy hai thế kỷ, từ một nhóm nhỏ chiến binh đối đầu với quân gazi ở Đông Tiểu Á thành một lực lượng có sức mạnh vươn tới bờ biển Bosphorus và cung điện của những người kế vị của vua Justinian. Làm sao chúng ta có thể lý giải được bước tiến phi thường liên tục đó cho đến ngày một cuộc phản công trước Vienna đã vĩnh viễn ngăn chặn cuộc xâm lược châu Âu của Ottoman đây?

Trước hết, tình trạng vô chính phủ hoàn toàn đã nhấn chìm Đế quốc Byzantine, vùng Balkan và Tiểu Á. Nếu đế chế vẫn còn được Justinian, Basil II hay Alexis Comnenus cai trị, thì có lẽ lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc cùng triều đại Seljuk. Các đế chế Serbia hoặc Bulgar mạnh mẽ có lẽ cũng sẽ ngăn chặn được những kẻ xâm lược. Nhưng cả phía Bắc và phía Nam bán đảo Balkan đều không có đế chế nào như vậy.

 Tranh vẽ quân đội Ottoman chuẩn bị trước cuộc chiến. Ảnh: Daily Sabah.

Tranh vẽ quân đội Ottoman chuẩn bị trước cuộc chiến. Ảnh: Daily Sabah.

Byzantium, sau một thời gian hồi sinh dưới triều đại Comnenus, đã bị chiếm đóng bởi cuộc Thập tự chinh thứ tư. Mặc dù Constantinople đã được người Latinh giành lại vào năm 1261, nhưng giờ đây nó chỉ còn là một đống đổ nát. Khi họ lên nắm quyền, triều đại Palaeologus tự nhận thấy mình đang đứng đầu một đế chế suy tàn và kiệt quệ. Những xung đột tôn giáo và giai cấp cũng như các âm mưu bẩn thỉu đã làm nó lụi tàn. Byzantium về cơ bản đã tự mình gục ngã.

Những tranh chấp nội bộ tương tự và tâm thế không sẵn sàng hợp lực đã xuất hiện ở Đế quốc Serbia và Bulgar. Hễ cứ thức dậy là họ nhìn thấy một thành phố khác đã bị chiếm - Kossovo, Nicopolis, Varna - phần lớn là do lối sống phù phiếm của những người theo đạo Cơ đốc.

Các đế chế sụp đổ và được các lãnh chúa phong kiến địch thủ thâu tóm làm lãnh địa, nơi những người dân bị áp bức rất vui mừng khi được cai trị bởi bất kỳ ai có thể giảm nhẹ gánh nặng của họ dù chỉ một chút. “Những người nông nô chào đón quân đội Hồi giáo vì những lý do giống với lý do mà họ chào đón quân đội cách mạng Pháp sau này.”

Người Ottoman biết cai trị lãnh thổ một cách công bằng và chừng mực. Ngay cả khi người dân không thực lòng ủng hộ sự thống trị của người Thổ, thì tinh thần khoan dung tôn giáo của người Thổ cũng sớm khiến họ được chấp nhận. Chính điều này đã mở ra nền hòa bình Ottomanica như Toynbee đã mô tả.

Người Ottoman là những người duy nhất có lực lượng quân đội hùng mạnh, được trang bị và huấn luyện bài bản để chống lại những kỵ sĩ địa phương dũng cảm nhưng phóng túng, và cả những kẻ nịnh nọt vô kỷ luật của họ. Tất cả nhân chứng đương thời đều tuyên bố rằng quân đội Ottoman là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới trong ít nhất hai thế kỷ.

Chính quyền phát triển từ quân đội và cơ bản đã là một phần của quân đội trong một thời gian dài. Trong thời chiến, hầu hết mọi người đều là thành viên của quân đội cho đến cuối triều đại của Suleiman thì quân đội do chính quốc vương chỉ huy. Nhiều chức sắc hàng đầu của nhà nước đều là tướng lĩnh. “Quản lý chính phủ và tiến hành chiến tranh là hai mục tiêu chính - cả trong lẫn ngoài - của một thể chế duy nhất được kiểm soát bởi cùng một nhóm người.”

Kỷ luật của quân đội quốc vương khiến phương Tây phải khiếp sợ. Vào thời điểm quân đội châu Âu được huấn luyện và trang bị hời hợt, không mấy tuân theo mệnh lệnh nhất thời và đào ngũ ngay khi có cơ hội đầu tiên, thì quân đội Ottoman đã sở hữu tất cả những phẩm chất khiến họ trở nên bất khả chiến bại: lòng dũng cảm, kỷ luật và sự trung thành gần như cuồng tín. Đại sứ Ghiselin de Busbecq thường viết về điều này trong các Bức thư của mình:

“Cứ một đến hai lần một ngày trong chiến dịch, binh lính Ottoman đều uống nước pha với một ít bột mì, bơ, gia vị và ăn kèm một miếng bánh mì hoặc khẩu phần bánh quy. Một số người còn mang theo một túi nhỏ đựng bột thịt bò khô mà họ lấy làm bột mì. Đôi khi, họ cũng ăn thịt những con ngựa chết của mình... Tất cả những điều này cho thấy người Ottoman phải kiên nhẫn và tiết chế đến nhường nào khi đương đầu với những thời điểm khó khăn và chờ đợi những ngày tươi đẹp ở phía trước.

Còn quân ta thật khác biệt làm sao, họ chê bai những món ăn thường ngày, muốn thưởng thức những món ăn ngon (như chim hoét và chim sẻ đồng) và thượng hạng ngay cả trong chiến dịch! Nếu chúng ta không cho họ ăn như vậy, thì họ sẽ nổi loạn và tự chuốc lấy khổ đau; mà nếu có cho họ thức ăn như vậy, thì họ cũng tự chuốc lấy khổ đau mà thôi. Mỗi người là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình và không có đối thủ nào nguy hiểm hơn sự hung hãn của chính mình, thứ sẽ giết chết họ mà chẳng cần kẻ thù nào ra tay... Tôi sợ phải nghĩ đến tương lai của chúng ta khi so sánh chế độ của người Ottoman với chế độ của chúng ta”.

Lúc mô tả trại của một đội quân đang tác chiến mà ông được lưu trú ở đó ba tháng, Busbecq nhận thấy bầu không khí ở đó chìm trong sự im lặng, không có những cuộc cãi vã và bạo lực, và tất cả đều sạch sẽ biết bao. Không ai say men vì quân lính chỉ có nước lọc để uống; thức ăn của họ là cháo củ cải và dưa chuột trộn với tỏi, muối và giấm. Ông hài hước kể rằng sự thèm ăn đến nao lòng chính là thứ nước sốt duy nhất của họ.

André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/doi-quan-vi-dai-nhat-the-gioi-post1531216.html
Zalo