Đòi nợ sai cách, nhiều chủ nợ có thể vướng lao lý

Không phải trường hợp nào người vay cũng tuân thủ những quy định về nghĩa vụ trả nợ. Từ đó dẫn đến không ít bức xúc từ phía bên cho vay và có rất nhiều cách đòi nợ, đôi khi là những cách hành xử liên quan đến lĩnh vực này không đúng quy định pháp luật.

Thời gian gần đây, có không ít vụ việc liên quan đòi nợ sai cách khiến chủ nợ vướng vòng lao lý với các tội danh phổ biến như: Cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, hủy hoại tài sản...và con nợ lại “bỗng dưng” trở thành bị hại trong các vụ án này khiến cho việc đòi nợ của các chủ nợ ngày càng trở nên bế tắc...

Một vụ việc điển hình mới đây khiến nhiều người bất ngờ, cụ thể, ngày 13/2, một nam thanh niên sinh năm 2004, trú thôn Nội Xá, xã Thái Hòa đã đến đòi nợ tại một hộ dân ở thôn Đinh Xuyên, xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Quá trình đòi nợ, nam thanh niên này xảy ra xích mích, to tiếng với gia đình "con nợ". Sau đó hai bên dẫn tới xô xát, nam thanh niên sinh năm 2004 bị đâm tử vong tại hiện trường.

Hiện trường vụ việc xảy ra tại xã Thái Hòa.

Hiện trường vụ việc xảy ra tại xã Thái Hòa.

Hay như trước đó, ngày 3/2, Công an thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 7 bị can để điều tra về hành vi “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài".

Trước đó, vào sáng 24/1, các bị can trên đi xe ô tô biển số 60A – 406.09 từ tỉnh Đồng Nai đến phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long.

Sau đó, nhóm người này bắt cóc chị L.N.H (SN 2006, trú TP. Thủ Đức, TPHCM; đang tạm trú tại TP. Vĩnh Long) rồi chở đi. Qua điều tra, nguyên nhân do trước đó chị H. có nợ tiền của nhóm bị can trên, nên các bị can bắt cóc chị H. nhằm mục đích đòi tiền chuộc và chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, quan hệ vay tài sản là giao dịch dân sự rất phổ biến trong đời sống xã hội. Đồng thời, từ quan hệ này cũng phát sinh không ít các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên, đặc biệt là việc bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, không trả nợ, hoặc trả nợ không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo thỏa thuận.

Tại Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; 2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.”

Do đó, việc bên vay không trả nợ đầy đủ và đúng hạn theo thỏa thuận là các hành vi trái pháp luật. Và trong trường hợp này, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng sự thỏa thuận giữa các bên (Điều 11 và Điều 12 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định: “1. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật; 2. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.” Vì vậy, bên cho vay cũng chỉ có thể thực hiện quyền đòi nợ của mình trong khuôn khổ quy định của pháp luật, không phải muốn thực hiện thế nào cũng được. Đặc biệt là các hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, sức khỏe, tính mạng của bên vay đều là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu các chế tài pháp lý theo quy định.

“Việc vay nợ là quan hệ dân sự (hợp đồng), được xác lập trên cơ sở sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp nói chung, và việc bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nói riêng thì biện pháp giải quyết đầu tiên sẽ là các bên có quyền tự thương lượng, hòa giải, thỏa thuận với nhau. Nếu không tự thương lượng, thỏa thuận được thì các bên đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật. Đây là hai biện pháp giải quyết cơ bản và phổ biến nhất đối với các tranh chấp liên quan đến giao dịch cho vay tài sản” – luật sư Hùng nói

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên

Ngoài ra, theo luật sư Hùng, nếu bên vay có các hành vi gian dối (cung cấp thông tin, tài liệu.v.v. sai sự thật, giả mạo) để được vay tiền, rồi chiếm đoạt số tiền này, thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc, việc thỏa thuận, xác lập giao dịch vay tài sản là trung thực, ngay thẳng, không có sự gian dối nhưng sau khi nhận được tài sản vay, thì bên vay đã dùng các thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản vay đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản đã vay, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đã vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, thì đó là các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong các trường hợp này, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của bên vay mà bên cho vay có quyền làm đơn tố cáo tới cơ quan Công an đề nghị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 và Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mặc dù, bên vay cũng có lỗi, có nhiều trường hợp chây ì, cố tình không trả nợ, hoặc có những hành vi, lời nói gây bức xúc cho bên cho vay. Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít chủ nợ đã đòi nợ sai cách, hay đòi nợ bằng các biện pháp bất hợp pháp, dẫn đến những vụ việc vi phạm pháp luật như: Chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm con nợ, gây rối, đập phá tài sản, bắt giữ con nợ, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, thậm chí tính mạng của con nợ.v.v..

Đây đều là các hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu các chế tài pháp lý, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các ‘Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” “Tội cưỡng đoạt tài sản” hoặc “Tội cướp tài sản”...

Trong vụ việc này, luật sư Hùng cũng chia sẻ thêm, bản thân luật sư đã từng tham gia những vụ án mà chủ nợ đã có các hành vi đe dọa và đánh gây thương tích cho con nợ để đòi nợ, dẫn đến việc chủ nợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cướp tài sản”, hoặc chủ nợ đã khống chế và bắt giữ con nợ để yêu cầu trả nợ và đã bị khởi tố về “Tội bắt người trái pháp luật”.

Bên cạnh đó, thực tế cũng có nhiều con nợ đã có các hành vi trái pháp luật, không chỉ chửi bới, thách thức mà còn xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của chủ nợ. Điểm hình như vụ án đối tượng Lê Văn Dũng đã dùng dao đâm trọng thương chủ nợ xảy ra ngày 18/11/2024 tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; hoặc vụ việc chủ nợ đã bị đâm tử vong tại huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội vào ngày 13/02/2025.

Để phòng tránh được các vụ việc đáng tiếc như vậy, theo luật sư Hùng trước hết, các bên (cả người cho vay và người vay nợ) cần luôn phải giữ được thái độ bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau, không nên có các hành động, lời nói thiếu kiềm chế, kích động, xúc phạm lẫn nhau. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận, thống nhất được với nhau thì nên yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho mình theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ nợ không thể vì nôn nóng, muốn nhanh chóng thu hồi nợ, hoặc vì bức xúc với con nợ mà lựa chọn những cách giải quyết trái pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí vướng vào vòng lao lý, từ người đúng trở thành đối tượng vi phạm pháp luật.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/doi-no-sai-cach-nhieu-chu-no-co-the-vuong-lao-ly-post1155156.vov
Zalo