Đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hà Nội

Để thành phố Hà Nội đạt những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và MTTQ các cấp, còn có sự đóng góp tích cực của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc các tôn giáo.

Đó là sự ghi nhận của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong buổi gặp mặt đại biểu nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 5/10 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Thị Kim Dung ôn lại truyền thống cách mạng của Thủ đô Hà Nội trong suốt 70 năm qua, đồng thời khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh, để thành phố Hà Nội đạt những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và MTTQ các cấp, còn có sự đóng góp tích cực của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc các tôn giáo. Với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ chức sắc các tôn giáo Thủ đô đã cống hiến công sức, trí tuệ, hiến kế để thành phố hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Quang cảnh buổi gặp mặt

Quang cảnh buổi gặp mặt

Trong những năm qua, các tôn giáo đã thực hiện đúng Hiến chương của Giáo hội, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, luôn đoàn kết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ, đóng góp rất tích cực trong công tác mở rộng, tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức tôn giáo đã đồng hành trong công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, hoạt động từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình dự án trọng điểm của thành phố. Thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, các tổ chức tôn giáo đã vận động di chuyển trên 11.000 ngôi mộ, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công…

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam các cấp, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", các tổ chức tôn giáo đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân các tỉnh bị thiệt hại phía Bắc và nhân dân trên địa bàn thành phố với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng và hàng hóa, nhu yếu phẩm.

Đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong phát triển văn hóa còn có sự đóng góp rất lớn của trên 3.000 hội viên văn nghệ sĩ Thủ đô cùng nhiều trí thức. Họ đã đóng góp tích cực trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố NSND Trần Quốc Chiêm chia sẻ: Những năm qua, hội viên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố đã sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ nhân dân Thủ đô và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội đã mở cuộc vận động sáng tác về văn học nghệ thuật; tham gia nhiều chương trình kỷ niệm...

Vinh dự đảm nhiệm nhiều chương trình nghệ thuật trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội NSND Trung Hiếu bày tỏ: Tập thể cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát sẽ cố gắng hết sức mang đến cho khán giả Thủ đô các chương trình nghệ thuật, các vở diễn đặc sắc, tái hiện được không khí hào hùng của những ngày thu lịch sử 70 năm trước...

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, buổi gặp mặt các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động vô cùng ý nghĩa. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã phát động phong trào thi đua với 3 giai đoạn, với gần 50 nội dung, trong đó, có cả các hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác. Gần 50 hoạt động được tổ chức từ cấp địa phương đến thành phố.

Nổi bật, có nhiều hoạt động hướng về người dân như xây dựng, sửa chữa 724 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc 15 huyện, thị xã với tổng kinh phí 61,98 tỷ đồng. Mặt trận đã tham mưu với thành phố dùng ngân sách sửa chữa, xây mới nhà cho những hộ dân bị ngập úng lâu ngày, cố gắng hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công trình hạ tầng giao thông trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Vừa qua, thành phố đã khánh thành công trình Cung thiếu nhi, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, hiện đại và được đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo

Lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, sự kiện ngày 10/10/1954 là một dấu mốc lịch sử, một sự kiện mở ra một thời kỳ mới của Thủ đô, thời đại Hồ Chí Minh. Trong 70 năm qua, về cơ bản chúng ta được sống trong hòa bình, nhưng Hà Nội cũng trải qua nhiều giai đoạn thử thách, cam go mà thành phố đã bản lĩnh, tự tin vượt qua. Có được điều đó là nhờ có quyết tâm, đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân, trong đó có vai trò quan trọng của các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, đã góp phần vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, chính quyền.

Qua đó, Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ mong muốn, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiếp tục tư vấn, phản biện, đóng góp cho thành phố để sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, người dân hạnh phúc, thành phố kết nối toàn cầu./.

Nguyễn Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doi-ngu-nhan-si-tri-thuc-van-nghe-si-chuc-sac-ton-giao-dong-gop-tich-cuc-vao-su-phat-trien-cua-ha-noi-20241005221322343.htm
Zalo