Đối ngoại Việt Nam luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Sau 50 năm, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đối ngoại Việt Nam trải qua nhiều thay đổi và đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ về đường lối đối ngoại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, có những chia sẻ về thành tựu ngoại giao của đất nước.

- Thưa ông, đối ngoại Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong chiến thắng lịch sử năm 1975. Vậy theo ông, đóng góp lớn nhất của đường lối đối ngoại thời kỳ này là gì?

Đường lối đối ngoại của Việt Nam có đóng góp rất to lớn đối với Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, vì Đảng ta luôn luôn xác định ngoại giao là một mặt trận. Với trọng trách to lớn được Bộ Chính trị đề ra, đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải hoàn thành ba nhiệm vụ, bao gồm làm suy yếu hậu phương quốc tế của địch, tăng cường hậu phương quốc tế của ta và giải quyết vấn đề "ta thắng, địch thua".

Trong đó, giải quyết vấn đề "ta thắng, địch thua" chính là giải quyết bằng con đường đàm phán. Từ tháng 5/1968 đến ngày 27/1/1973, chúng ta thực hiện cuộc đàm phán tại Paris (Pháp) và chính thức ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nội dung Hiệp định Paris đáp ứng đầy đủ 4 yêu cầu lớn do Bộ Chính trị đặt ra. Thứ nhất, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thứ hai, Mỹ phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Thứ ba, Mỹ phải đóng góp vào quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh. Cuối cùng, quân ta ở lại và quân Mỹ rút.

Cùng với đó, Hiệp định Paris giúp chúng ta so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam và nắm bắt thời cơ tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tóm lại, đường lối đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 khi vận dụng tất cả cơ quan đại diện, nguồn tin để xác định Mỹ không can thiệp trở lại, giúp Bộ Chính trị ra quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- So với đường lối ngoại năm 50 năm trước, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua đã có những thay đổi thế nào để góp phần khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế?

Trong 50 năm qua, đường lối đối ngoại của Việt Nam thay đổi rất nhiều. Trong phân kỳ lịch sử đối ngoại Việt Nam, chúng tôi chia thành đường lối đối ngoại thời chiến và đường lối đối ngoại thời bình để thấy rõ sự khác nhau về mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp, tập hợp lực lượng cùng cách thức xác định mục tiêu quốc gia, dân tộc.

Nếu mục tiêu đặt ra cho hoạt động đối ngoại thời chiến là đánh thắng đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia thì mục tiêu đối ngoại thời bình lại tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đưa khái niệm rất hay, đó là đối tác, đối tượng. Bởi ở thời bình, chúng ta không thể vạch mặt, chỉ tên đối tượng rõ ràng và chỉ có thể xác định đối tác, bao gồm những nước ủng hộ độc lập, chủ quyền của Việt Nam. Còn những ai chống lại, chúng ta sẽ xếp vào danh sách kẻ thù.

Cùng với đó, công tác tập hợp lực lượng trong thời chiến chủ yếu là tập hợp lực lượng cách mạng để hình thành mặt trận nhân dân. Tuy nhiên, trong thời bình, đặc biệt là thời kỳ đổi mới thì hoạt động tập hợp lực lượng rất đa dạng. Chúng ta chủ động hội nhập quốc tế, bạn bè với tất cả các nước trên thế giới.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ đường lối đối ngoại thời chiến luôn hướng đến việc đánh thắng đế quốc, giành độc lập và chủ quyền. Trong khi ở thời bình lại nặng ý thức hệ, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Tương tự, phương thức đối ngoại giữa thời chiến và thời bình rất khác nhau. Trong thời chiến, chúng ta tiến hành kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao. Ngược lại, phương thức đối ngoại thời bình tiến hành phối hợp ba mặt trận: Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Cuối cùng, nhiệm vụ đối ngoại thời chiến là tập trung sức để giành thắng lợi, nhưng đối ngoại thời bình lại mở rộng và đa dạng hóa quan hệ trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến khoa học, công nghệ.

Như vậy, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường lối đối ngoại thời bình so với thời chiến có rất nhiều thay đổi.

Screenshot 2025-04-23 at 11.05.41.png

Đối ngoại Việt Nam sẽ kế thừa cũng như đóng góp phần quan trọng và hoàn thành mọi mục tiêu

Đại sứ Vũ Dương Huân

- Xin ông chia sẻ thêm về sự kế thừa và những nét mới của đường lối đối ngoại trong kỷ nguyên mới - "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"?

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm có những góc nhìn rất hay về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, khi bước vào kỷ nguyên mới - "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" sẽ có nhiều thứ thay đổi. Chúng ta phải biết kế thừa đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, đa phương hóa - đa dạng hóa và kiên trì với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Kế thừa ở đây không chỉ có chủ trương, đường lối, chiến lược hay sách lược mà kế thừa cả phương pháp, đặc biệt là phương pháp ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cùng với đó, khi bước vào kỷ nguyên mới - "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", chúng ta cần phấn đấu thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra. Đó là đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Để hoàn thành những mục tiêu đó, các cấp cần phải tập hợp đầy đủ mọi nguồn lực, bao gồm lĩnh vực đối ngoại. Với tâm thế sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tôi tin đối ngoại Việt Nam sẽ kế thừa cũng như đóng góp phần quan trọng và hoàn thành mọi mục tiêu. Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết 18, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị.

Đối ngoại là quá trình diễn ra liên tục. Trong suốt 80 năm qua, đối ngoại luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và tôn trọng ý chí, lợi ích chính đáng của dân tộc khác.

Cùng với đó, đường lối đối ngoại của chúng ta kết hợp rất tốt giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là bài học rất lớn đối với đường lối đối ngoại Việt Nam, mang lại thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế cũng là điều tôi muốn nói đến khi nhắc về đường lối đối ngoại Việt Nam. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta chỉ nói là đoàn kết quốc tế, không nói là hội nhập quốc tế. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, đối ngoại cần phải kết hợp cả đoàn kết quốc tế và hội nhập toàn diện. Việt Nam luôn xem trọng và xử lý khéo léo mối quan hệ với những nước lớn, tránh xảy ra bất đồng.

Đồng thời, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao thành một mặt trận. Vận dụng bài học này, đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới tiến hành kết hợp ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân,…

Tóm lại, muốn làm đối ngoại tốt thì phải xây dựng nội bộ, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngoại giao tốt. Có như vậy mới phát huy được những bài học về đối ngoại trong quá khứ vào bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý sự cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ gây không ít khó khăn đối với đường lối đối ngoại Việt Nam. Nếu không biết kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại sẽ rất nguy hiểm. Trong thời chiến, kẻ thù rất dễ xác định, nhưng trong thời bình để giải quyết mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc,… không phải là điều dễ dàng.

Việt Nam mở rộng mối quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam mở rộng mối quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới.

- Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại gặp những khó khăn, thách thức và những thuận lợi gì, thưa ông?

Đối ngoại Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nhận biết cũng như dự đoán đúng bối cảnh khu vực và quốc tế. Như tôi đã nói ở trên, bối cảnh quốc tế và khu vực chính là nhân tố quan trọng nhất trong việc định hình chính sách đối ngoại. Bởi đây là vấn đề thời cuộc nếu không đi đúng sẽ rất nguy hiểm.

Cùng với đó, hoạt động cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra cực kỳ khốc liệt. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI từng nhận định việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở thành đặc trưng trong quan hệ quốc tế ở cả thời điểm hiện tại và tương lai.

Ở thời điểm này, các nước đều xem lợi ích quốc gia là trên hết, việc mình xử lý như thế nào để hài hòa giữa lợi ích dân tộc, quốc gia với tình hình chung của thế giới là vấn đề cần đặt ra. Nói về mặt lý thuyết thì rất dễ, nhưng thực hiện thế nào lại là chuyện không đơn giản.

Không phải mọi bài học đều mang đến sự thành công và chúng ta cần tránh những cái chưa thành công. Ví dụ, bài học về độc lập tự chủ trong Hội nghị Geneve năm 1954.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta chỉ cần xác định quan hệ đối ngoại là đánh thắng kẻ thù thì ở thời điểm hiện tại lại mở rộng trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, khoa học - công nghệ cho đến môi trường, y tế,…

Ngoài ra, đường lối đối ngoại của nước ta còn gặp phải 4 thách thức. Đặc biệt, vấn đề tụt hậu so với quốc tế là thách thức vô cùng lớn.

Theo tôi, thuận lợi lớn nhất của chính sách đối ngoại Việt Nam là có Đảng lãnh đạo. Quan hệ quốc tế của chúng ta ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ bạn bè với nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ chính thức với 194 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước và có qua lại với 70 tổ chức quốc tế,… Nền kinh tế nước ta cũng đang đứng ở vị trí 34 và xếp thứ 20 về thương mại trên thế giới.

Cho nên, đối ngoại Việt Nam có thuận lợi, nhưng khó khăn vẫn tồn tại rất nhiều khi bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, khó nhận biết.

- Việt Nam cần làm gì để tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của đất nước trong duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thưa ông?

Đại hội giữa nhiệm kỳ năm 1994, Đảng ta đã nêu ra 4 thách thức đối với chính sách đối ngoại, bao gồm đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng, tụt hậu về kinh tế,…

Đến thời kỳ Tổng Bí thư Tô Lâm, ông nhấn mạnh vào sự tụt hậu đối với nền kinh tế. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận rất khoa học và đúng đắn, vì Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định vấn đề trọng tâm của chúng ta là xây dựng Đảng trở thành vấn đề then chốt. Đảng ta đề ra tầm nhìn phấn đấu đến năm 2030 và tiếp đến 2024 đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển hai con số.

Đây là sự nghiệp rất lớn, vì phát triển hai con số không đơn giản trong bối cảnh hiện nay. Nhưng chúng ta vẫn cần phải quyết tâm thực hiện, bởi kinh tế chính là gốc rễ, không phát triển được kinh tế sẽ kéo những lĩnh vực khác tụt hậu theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Từ tầm nhìn đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra loạt giải pháp chiến lược. Tổng Bí thư Tô Lâm xem lực lượng sản xuất, đổi mới khoa học - công nghệ là giải pháp quan trọng để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển lên hai con số. Cùng với đó, chúng ta phải tiến hành cải cách hành chính, bao gồm tinh giản bộ máy nhà nước, sáp nhập tỉnh, bỏ khâu trung gian.

Đặc biệt, từ năm học 2025 - 2026 trở về sau, học sinh phổ thông công lập sẽ được miễn toàn bộ học phí, tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tiếp tục chống tham nhũng và chống lãng phí, tạo nguồn lực đưa đất nước đi lên. Hiện nay, nền kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP của đất nước nên việc khơi dậy nguồn lực tư nhân cũng rất quan trọng.

Ngoài tham gia hoạt động chung, lĩnh vực đối ngoại còn phải tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài và đi tiên phong tạo ra môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta cần thiết kế đường lối đối ngoại phù hợp với bối cảnh mới, dựa trên cơ sở kế thừa đường lối đối ngoại trong thời chiến.

Tôi cho rằng đường lối đối ngoại mới trong "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" phải bổ sung mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung vào năm 2030. Tất cả dự đoán trên thế giới đều cho rằng từ năm 2030 - 2045, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia tầm trung.

Một số quốc gia như Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út, Canada, Indonesia,… đang là quốc gia tầm trung, họ có nhiều đóng góp lớn cho thế giới. Cho nên, mình phải phấn đầu trở thành quốc gia tầm trung.

Và để trở thành quốc gia tầm trung, nhiệm vụ của đối ngoại là thực hiện nghị quyết lớn của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 89 về hội nhập quốc tế sâu rộng; thực hiện vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Từ nay đến năm 2045, tôi tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao và trở thành quốc gia tầm trung, có vị thế to lớn trên thế giới. Vì tất cả dự báo đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Thái Lan và lọt vào top 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đảng ta cũng nhận định, từ nay đến năm 2030 là thời cơ chiến lược để xây dựng, phát triển đất nước. Còn câu chuyện vị thế quốc gia từ 2045 đến 2075 rất khó dự đoán, vì thời gian đang còn quá dài. 50 năm là quãng thời gian tương đối xa, nhưng tôi vẫn hi vọng vị thế nước ta đạt được vào năm 2045 sẽ tiếp tục giữ vững trong vòng 30 năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doi-ngoai-viet-nam-luon-dat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-len-tren-het-ar937416.html
Zalo