Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật: Khung pháp lý tinh gọn và linh hoạt

Sáng 1/11, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới”.

TS Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Tư pháp chủ trì tọa đàm. Đồng chủ trì có TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp...

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những thông điệp, tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn.

Thứ trưởng cho biết, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, đơn vị pháp luật, pháp chế phải nghiên cứu cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Về cách làm, trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: Phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; nhưng cũng phải linh hoạt để kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Như vậy, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đổi mới để vừa đáp ứng yêu cầu "chặt chẽ, khoa học, dân chủ" nhưng vừa phải "linh hoạt".

Thứ trưởng Tư pháp khẳng định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một vấn đề lớn, phức tạp, vừa mang tính chính trị, pháp lý, vừa mang tính chuyên môn phức tạp và là phương thức để thực hiện thành công đột phá chiến lược về thể chế để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đổi mới hoạt động lập pháp phải bảo đảm quyền của nhân dân

Tại tọa đàm, các ý kiến đại biểu chia sẻ đã góp phần nhận diện những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt vai trò của đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

GS, TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

GS, TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Nhấn mạnh vai trò của đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong quá trình hoàn thiện thể chế, các chuyên gia cho rằng, đổi mới hoạt động lập pháp không chỉ cần bảo đảm quyền của người dân mà còn phải đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

GS, TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm quyền của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật là yếu tố then chốt của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo GS, TS Trần Ngọc Đường, Quốc hội phải là cơ quan thực thi quyền lập pháp, song cần có sự ủy quyền linh hoạt cho Chính phủ trong một số trường hợp nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đổi mới lập pháp cũng cần đề cao vai trò và ý chí của người dân. Theo GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hoạt động lập pháp phải thể hiện đầy đủ quyền và nguyện vọng của nhân dân.

Các quy định pháp luật không chỉ cần rõ ràng mà còn cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, tránh quy định pháp luật quá chi tiết, dài dòng mà không thiết thực.

GS, TS Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ phạm vi và thẩm quyền lập pháp trong điều kiện mới, bảo đảm tính đồng bộ và liên kết trong hệ thống pháp luật.

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, thể chế pháp luật là chìa khóa cho sự phát triển của quốc gia. Để xây dựng một hệ thống pháp luật vững chắc, cần kết hợp hài hòa giữa pháp trị và đức trị, bảo đảm pháp luật vừa dựa trên nguyên tắc khoa học, vừa phù hợp với truyền thống xã hội và các quy chuẩn quốc tế.

TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

"Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt. Vì sự phát triển đất nước vươn tới hùng cường, cần lựa chọn và nắm lấy khâu đột phá nhằm phát triển, đó chính là thể chế", TS Nhị Lê khẳng định.

TS Nhị Lê cũng nhấn mạnh rằng, đổi mới thể chế pháp luật không chỉ là yêu cầu của thực tiễn mà còn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy toàn diện tiềm năng của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, Đảng cần nắm chắc và lãnh đạo công tác đổi mới thể chế bằng cách sử dụng hệ thống pháp luật như một công cụ hữu hiệu, dựa trên nền tảng đạo đức xã hội.

Bên cạnh góp phần làm rõ vai trò của pháp luật trong việc đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm quyền của nhân dân, các đại biểu cũng nhất trí rằng, công tác lập pháp cần bám sát thực tế, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong mọi hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Bên cạnh đó, cần có sự linh hoạt và kịp thời trong phản ứng chính sách để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc-post842532.html
Zalo