Đổi mới tư duy trong kỷ nguyên vươn mình

Trong không khí những ngày đầu Xuân mới, trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, chúng ta đặt vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là khác với trước đây - công cuộc đổi mới lần thứ nhất. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy và cách tiếp cận vấn đề để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số. Ảnh: ST

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số. Ảnh: ST

Thưa ông, ngày đầu Xuân mới, nói về khát vọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông muốn chia sẻ điều gì?

Nói về kỷ nguyên vươn mình, chúng ta phải quay trở lại cách đặt vấn đề của Đảng lần này khác với lần trước. Lần trước, chúng ta đặt ra mục tiêu rồi tổ chức thực hiện nhưng sau đó không đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng lần này, chúng ta đặt vấn đề hoàn toàn khác. Tôi cho rằng đây là công cuộc đổi mới lần thứ hai, bởi lẽ, ở công cuộc đổi mới lần thứ nhất, chúng ta xóa bỏ tư duy bao cấp để chuyển sang vận hành cả kinh tế và xã hội theo nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Lần này, chúng ta đổi mới tư duy, tức là với mục tiêu đặt ra như thế, chúng ta phải làm gì để đạt mục tiêu này. Như vậy, cả về thể chế, vốn đầu tư, cả về con người, chúng ta phải thay đổi để đạt được mục tiêu.

Nhìn lại công cuộc đổi mới lần thứ nhất, chúng ta thấy cái gì cũng thiếu, gạo thiếu, quần áo thiếu, cả xã hội bước vào tiền khủng hoảng, lạm phát lên tới gần 800% một năm. Trong bối cảnh không có nguồn ngoại lực mà chúng ta đổi mới được như vậy, đó là thành công.

TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên

Ở đây, chúng ta cũng thấy rằng thời điểm 1986 là thời kỳ rất khó khăn. Thế nhưng, Việt Nam lại là một trong số ít các nước chuyển đổi thành công nền kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình kinh tế mà chúng ta chuyển đổi sang cũng chưa có tiền lệ trên thế giới. Thế giới là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, nhưng chúng ta lại là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế cho nên, việc chuyển đổi này cũng không có tiền lệ nhưng chúng ta đã thành công, thì ở đây, chúng ta đang đi theo con đường thành công đó.

Công cuộc đổi mới lần thứ hai đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu và đặc biệt là đổi mới cách tiếp cận vấn đề. Nếu không tiếp cận các vấn đề về kinh tế - xã hội theo phương thức mới mà Tổng Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra thì đến năm 2030 hoặc 2035, có lẽ, chúng ta không vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình.

Qua chia sẻ của ông có thể thấy kỷ nguyên vươn mình sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?

Con đường phía trước rất rộng mở. Vấn đề bây giờ, chúng ta có đủ sức để bước đi và tăng tốc trên con đường đó. Mục tiêu đặt ra là rất rõ, nguồn lực có, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu. Chúng ta thiếu cái gì? Chúng ta thiếu cách thức để huy động thêm nguồn lực. Đơn cử, chúng ta có động cơ nhưng bây giờ phải thiết kế vỏ tàu làm sao để giảm lực cản của nước nhiều nhất, để cũng với lực đẩy đó thì con tàu chạy với tốc độ nhanh hơn. Với thiết kế cũ, con tàu chạy tốc độ chỉ 20-25 hải lý, nhưng nếu áp dụng khoa học công nghệ vào thì vẫn động cơ, tiêu hao nhiên liệu và người thợ máy đó, con tàu có thể chạy đến 32 hải lý một giờ.

Cơ cấu nền kinh tế của chúng ta cũng thế. Chúng ta đã có nguồn lực và đội ngũ quản lý đang vận hành, nếu áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới thể chế hay còn gọi là đổi mới pháp luật quản lý kinh tế - xã hội cho phù hợp với tình hình mới thì chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Chúng ta không bao giờ kỳ vọng sẽ có ai hỗ trợ để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, hoàn toàn phải từ nội lực để phát triển lên. Bởi vậy, đầu tiên, cơ quan hoạch định phải đưa ra chính sách đúng, gợi mở, thu hút được các nguồn lực. Thứ hai, các cơ quan nội chính và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải bảo vệ được những người thực hiện công cuộc đổi mới lần thứ hai này.

Như ông vừa nhắc tới mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số. Theo ông, đâu là động lực để chúng ta đạt được mục tiêu này?

Chúng ta thấy rằng, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 6-6,5%, cố gắng đạt tiệm cận 7%. Nhưng mục tiêu của Thủ tướng và Chính phủ đặt ra là phải phấn đấu đến 8% thì mới tạo đà để đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm rất lớn, nguồn lực tài chính rất lớn và phải chọn được điểm đột phá có tính lan tỏa cao để có nguồn lực đầu tư, tránh lãng phí.

Hiện nay, điểm đột phá đã có, nguồn tài chính đã có, vấn đề là chúng ta có tổ chức thực hiện tốt được không. Điều quan trọng nhất, chúng ta có thu hút được đầu tư tư trên nguồn lực đầu tư công rất lớn như thế. Chúng ta phải phân chia rất rõ ràng, đâu là lĩnh vực đầu tư công Nhà nước phải đầu tư 100% và đâu là lĩnh vực Nhà nước phải “buông tay” để các thành phần kinh tế khác tham gia. Khi Nhà nước để các thành phần kinh tế khác tham gia, Nhà nước phải tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, tức là doanh nghiệp đầu tư thì phải có lợi nhuận. Nhà nước là trọng tài để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, xã hội và người sử dụng phương tiện.

Lợi ích của xã hội là chúng ta có cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ tốt. Lợi ích của doanh nghiệp là lợi nhuận thu được phải cao hơn lãi suất tiền gửi và họ tạo ra được việc làm cho số đông người lao động. Lợi ích của Nhà nước là không phải bỏ tiền từ ngân sách nhà nước đang hạn hẹp mà Nhà nước có một công trình để phục vụ dân giàu, nước mạnh. Chúng ta phải hài hòa 3 lợi ích này. Còn nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm trước đây, lấy chuẩn mực của đầu tư công soi vào đầu tư tư thì điều này là cản trở rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế số.

Về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025, tôi cho rằng vẫn dựa vào đầu tư công, vì nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2025-2045 là rất lớn. Mỗi năm, chỉ riêng đường sắt, chúng ta đã dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Để thực hiện được việc này, chúng ta phải đầu tư điện mỗi năm khoảng 7 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng hai phần cơ sở hạ tầng thiết yếu, chúng ta đã đầu tư rất lớn. Đây là một khoản đầu tư rất lớn, là một động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Nếu triển khai tốt, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta sẽ tăng trưởng 2 con số.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-tu-duy-trong-ky-nguyen-vuon-minh-38152.html
Zalo