Đổi mới tư duy, nỗ lực trong từng hành động để quan hệ Việt Nam - Lào bước vào giai đoạn phát triển mới
Chuyến công tác đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với tư duy mới, cách tiếp cận mới, kỳ vọng mở ra bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Lào.
Là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2025 và là vị khách cấp cao nước ngoài đầu tiên tới thăm Lào trong năm 2025, ngay từ khi tới sân bay bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã được đón tiếp hết sức nồng hậu với những nghi thức và đặc thù riêng vừa thân tình, vừa trọng thị.
Chỉ trong khoảng 48 giờ công tác tại đất nước Lào anh em, Thủ tướng Chính phủ đã có gần 20 hoạt động, với các nội dung hết sức đa dạng, phong phú. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội Lào; thăm, gặp gỡ các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào.
Trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Lào, hai bên vui mừng khi quan hệ song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, tập trung có trọng tâm, trọng điểm; hợp tác chính trị ngày càng tin cậy, gắn bó, đặc biệt là việc duy trì thường xuyên các trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển mạnh.
Đặc biệt trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào đã chủ trì hai sự kiện quan trọng là Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào và Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào; đồng thời hai Thủ tướng cùng dự Lễ khởi công Dự án Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam tại Thủ đô Vientiane-món quà mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước, Nhân dân Lào.
Cho rằng hai nước có điều kiện thuận lợi về nhiều mặt cả quan hệ chính trị, ngoại giao, điều kiện địa lý, văn hóa, sự chia sẻ, yêu thương nhau, song kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Lào còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của hai nước và quan hệ hai nước, Thủ tướng băn khoăn, phải chăng những hạn chế trên là do thể chế, cơ chế chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng kết nối cứng, kết nối mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa Việt Nam-Lào còn khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan hai nước phải chung tay, xử lý dứt điểm các vướng mắc để “có đầu ra” cho các dự án, với tinh thần “phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm;” quan hệ Việt Nam-Lào là quan hệ đặc biệt nên cần có cách ứng xử, những cơ chế đặc biệt; “vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó; khó khăn ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ.”
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone cho biết, thời gian qua, Chính phủ hai nước đã rất nỗ lực, tập trung cùng nhau đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối hai nền kinh tế và với khu vực, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, đầu tư.
Hai bên cũng quyết tâm khai thông những vướng mắc và giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng trong quan hệ hai nước thời gian qua, tạo đà để hai bên bước vào một giai đoạn phát triển mới, thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là các dự án giao thông kết nối; đồng thời, thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, bền vững ở mỗi bên…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, hai bên đã giải quyết được rất nhiều vướng mắc, điểm nghẽn mà lâu nay chưa giải quyết được, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng như là các dự án mà Lào có đầu tư ở Việt Nam như cảng Vũng Áng 1, 2, 3; các dự án muối mỏ, kali; các dự án hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Lào sử dụng nguồn vốn viện trợ của của Việt Nam như dự án nhà Quốc hội, dự án bệnh viện tại Lào...
Cùng với tăng cường hợp tác chính trị đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng, tăng cường giao lưu nhân dân, các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục đào tạo…, hai bên quyết tâm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 5 tỷ USD từ chỉ hơn 2,2 tỷ USD như hiện nay.
Trong chuyến công tác, hai nước ký 4 văn kiện hợp tác, trong đó có thỏa thuận về việc mua bán điện và than; trao 7 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp cũng ký kết, trao 6 thỏa thuận hợp tác đầu tư, với tổng số vốn hàng tỷ USD trong các lĩnh vực hàng không, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực…
Cùng với đó, hai bên công bố khuôn khổ thanh toán bản tệ và kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam-Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch của doanh nghiệp, người dân hai bên trong các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định, với tình cảm xuất phát từ trái tim, với quyết tâm, ý chí và với những nỗ lực trong từng hành động, chuyến thăm Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới.
Chuyến thăm trong những ngày đầu Năm mới của người đứng đầu Chính phủ đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng như các thỏa thuận cấp cao Việt Nam-Lào, nhất là tại cuộc họp hai Bộ Chính trị vào tháng 9/2024; hướng tới năm 2025 và thời kỳ tới quan hệ Việt Nam-Lào phát triển mạnh mẽ hơn nữa.