Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Sáng 16.6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ 'Đổi mới tư duy lập pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay' phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học 'Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay'.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa; Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Trương Hồ Hải đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng; đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,…
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, lập Hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.
Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều; pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam; là phương tiện thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, để Nhà nước quản lý xã hội và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội.
Nhấn mạnh trong thời gian vừa qua công tác lập pháp đã đạt được những thành tựu nhất định, các đại biểu chỉ rõ, hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, ngày càng tiệm cận hơn các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi; hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế như: pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định; còn một số nội dung chưa có luật điều chỉnh hoặc chưa quy định cụ thể; vẫn còn những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi, mâu thuẫn, chồng chéo… Do đó, đòi hỏi công tác lập pháp phải luôn được đổi mới về nhận thức và hình thức, phương thức thực hiện.
Đề xuất giải pháp góp phần đổi mới tư duy lập pháp ở Việt Nam thời gian tới, các đại biểu cho rằng, hoạt động lập pháp phải tiếp tục kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, đổi mới tư duy lập pháp theo hướng tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; các đạo luật cần ngắn gọn, tác động điều chỉnh các quan hệ xã hội theo phạm vi hẹp, chuyên sâu bảo đảm cho hoạt động thẩm tra, thẩm định dễ dàng trong thực tế, khắc phục tình trạng trùng lặp, mâu thuẫn chồng chéo giữa các điều trong văn bản luật và giữa các luật với nhau.
Một số ý kiến cũng đề nghị, cần tăng cường tính chuyên nghiệp, tìm kiếm sự đồng thuận trong đề xuất và xây dựng luật; chú trọng đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.