Đổi mới sáng tạo ngành y dược: Việt Nam cần phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành dược Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ.
Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 80% thuốc điều trị, nhưng có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu để làm thuốc. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong ngành sản xuất thuốc hiện nay đã rất sẵn sàng. Theo các quy định sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo đổi mới sáng tạo-liều thuốc phát triển ngành y dược, do Báo Đầu tư phối hợp tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, với sự hiện diện của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành dược Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngành dược Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo ông Tuyên, để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành Dược, Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét.
Luật Dược sửa đổi với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
Ông Lê Minh Sang - Chuyên gia y tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng để đổi mới ngành y dược, Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung như tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các loại luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế; cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng…
Hiện nay, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 7,2 tỷ USD vào năm 2023, sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, tăng 66.3 USD so với năm 2002, tăng 50.75 USD so với năm 2010, năm 2022 là 70 USD và năm 2023 là 72 USD.
Mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất thuốc nội địa cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm của khu vực.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư chia sẻ, hội thảo thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia y dược, đại diện các tổ chức quốc tế... Hội thảo tạo diễn đàn mở để các chuyên gia trao đổi về những giải pháp, những động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành y tế, và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân./.