Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng và hoạt động thường xuyên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đã được quy định cụ thể trong các văn bản của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan. Bài viết đưa ra một số giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đổi mới phương thức hoạt động trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc phải dựa trên các phương thức hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng tới những phương pháp, hình thức mới tiến bộ, khoa học và thực tiễn để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Các phương thức cơ bản của những nội dung công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

1. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước.

3. Các phương thức góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng các phương pháp góp ý định kỳ; góp ý thường xuyên và góp ý đột xuất, theo Quyết định của Bộ Chính trị (số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013, sau đây gọi là Quyết định 218).

4. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Quyết định của Bộ Chính trị (số 217 - QĐ/TW ngày 12/12/2013, sau đây gọi là Quyết định 217).

Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, theo Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng (số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018, sau đây gọi là Quy định 124).

5. Các phương thức chủ yếu Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Nhà nước.

Phương thức tổ chức hiệp thương dân chủ để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tham gia xây dựng pháp luật bằng các phương pháp: góp ý, phản biện các văn bản dự thảo về chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết liên tịch 403/2017/ NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, sau đây gọi là Nghị quyết liên tịch 403).

6. Tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với Tỉnh ủy Hậu Giang, tháng 12/2022.
ẢNH: QUỐC TRUNG

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đã được đề ra trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra chủ trương về phương hướng cơ bản xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn đân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất dân tộc.

Đảng cũng chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”.

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm tới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, đồng thuận xã hội.

Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư.

Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong hệ thống chính trị, đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước…

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chậm đổi mới, có lúc, có nơi chưa thiết thực, hiệu quả. Chính vì vậy, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hết sức cần thiết.

Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã đề ra nhiều giải pháp cơ bản của Chương trình hành động thứ ba, trong đó có giải pháp “Đổi mới nội dung phương thức tổ chức góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218. Tiếp tục cụ thể nội dung hình thức giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217; hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện thuận lợi tham gia giám sát ngay từ mỗi cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của người dân và Ban Công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên trên địa bàn dân cư.

Kịp thời đề xuất sự chỉ đạo thống nhất từ cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương; huy động các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân và các cơ quan báo chí tuyên truyền tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội.

Triển khai thực hiện Quy định 124 của Ban Bí thư về giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

Về đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đổi mới phương thức hoạt động trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động. Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận trên lĩnh vực này bảo đảm thực chất để đạt được kết quả, hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội, xứng đáng với vị thế vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận Nhân dân và xã hội.

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc phải đo lường được bằng những kết quả ngày càng tiến bộ và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng và hoạt động thường xuyên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đến Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và đến chủ thể là Nhân dân cùng tham gia.

Quá trình tổ chức thực hiện nội dung, phương thức hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đều liên quan đến sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; sự phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương; sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên. Do đó, phải quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể và phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực chất của các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc các cấp đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay

Về tư tưởng và nhận thức

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, trong xã hội và Nhân dân về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ trương và yêu cầu của Đảng.

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước lại càng cần nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị.

Do vậy, trước hết các cấp ủy Đảng cần quan tâm lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp thể chế hóa thành pháp luật và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải chú trọng tổng kết qua thực tiễn hoạt động để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tiến bộ, khoa học và phù hợp với thực tiễn trong việc thực hiện các nội dung công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, nhất là đối với các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217; hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước theo Quyết định 218 và hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên theo Quy định 124.

Về thể chế

Từ những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các đạo luật, trong đó cần quy định đầy đủ cơ chế về các phương thức để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thực tế, đó là:

+ Sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, trong đó quy định các phương thức để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

+ Xây dựng Luật về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân để thể chế hóa Quyết định 218 của Bộ Chính trị.

+ Xây dựng và ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội, trong đó quy định quy trình giám sát, quy trình phản biện xã hội, để thực hiện các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Thể chế hóa Quy định 124 về cơ chế thực hiện phương thức giám sát cán bộ, đảng viên, giám sát đại biểu dân cử.

+ Xây dựng Luật Giám sát của Nhân dân, trong đó bổ sung đầy đủ cơ chế để thực hiện phương thức Nhân dân trực tiếp giám sát và thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

+ Sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại về phát huy dân chủ, thực chất vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử.

+ Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ cơ chế thực hiện phương thức góp ý dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Về vai trò của các chủ thể

Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức rà soát các nội dung công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, qua đó tổng kết thực tiễn các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước để ban hành các quy chế, quy trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; quy chế, quy trình thực hiện các hình thức góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy chế, quy trình thực hiện các hình thức giám sát và phản biện xã hội; phương thức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương… để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương.

Đối với cấp ủy, tổ chức Đảng

Đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện luật pháp quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218; thể chế hóa Quy định 124 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên;

Xây dựng Luật Giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Giám sát của Nhân dân; Sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và những đạo luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Kiến nghị Bộ Chính trị định hướng nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kiến nghị cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp ở địa phương quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, thực chất hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Đối với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương

Phối hợp với cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương là một trong những phương thức hoạt động chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền, thì cơ quan nhà nước, chính quyền ở mỗi cấp phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc thông qua việc xây dựng Quy chế phối hợp trên các lĩnh vực công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền.

Sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương là sự tất yếu của mối quan hệ công tác trong hệ thống chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong việc kết hợp các biện pháp quản lý của Nhà nước với các phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương.

Sự phối hợp đó trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tham gia góp ý xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, góp ý và phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, các chương trình, dự án, đề án kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần rất quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng chính quyền, thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý dự thảo văn bản pháp luật…, cơ quan nhà nước có liên quan, chính quyền địa phương phải phối hợp, tạo điều kiện cung cấp đầy đủ thông tin và các văn bản cần thiết, tạo điều kiện cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc; phúc đáp bằng văn bản trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để bảo đảm cho hoạt động tham gia xây dựng Nhà nước, chính quyền địa phương đạt kết quả, hiệu quả thực chất.

Điều kiện bảo đảm

Thứ nhất, phải có đầy đủ thể chế pháp lý cụ thể về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là bộ phận của hệ thống chính trị, thực hiện đầy đủ vai trò của mình đã được Đảng xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và định hướng phát triển đất nước đến năm 2030:

“Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc phải xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn ngang tầm đòi hỏi của các lĩnh vực công tác, trong đó có công tác trọng tâm về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; có năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề; có năng lực tổ chức, thực hiện và kỹ năng thực hành tốt công tác chuyên môn; có khả năng đề xuất đổi mới các phương thức thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ ba, kiến nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đổi mới cấp ngân sách cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vị trí là bộ phận của hệ thống chính trị đã được Đảng xác định rõ về tính chất, vai trò trong xã hội; được Nhà nước quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định rõ tổ chức, bộ máy hoạt động. Do đó, ngân sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là do Quốc hội quyết định hàng năm, 5 năm theo dự toán của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp.

Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch,

nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/doi-moi-phuong-thuc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-tham-gia-xay-dung-dang-xay-dung-nha-nuoc-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-cac-cap-54324.html
Zalo