Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - yêu cầu bức thiết hiện nay

Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động', và 'Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17.11.2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới khẳng định đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng: “Lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; xây dựng và chỉnh đốn tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân”. Ngoài ra, trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, về phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đều có những đánh giá và yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong thăm, tặng quà đối tượng chính sách. Ảnh: Hữu Bảo

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong thăm, tặng quà đối tượng chính sách. Ảnh: Hữu Bảo

Đánh giá kết quả thực hiện chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá trung thực, khách quan những kết quả và hạn chế trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung và MTTQ nói riêng.

Những kết quả, đó là: “Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới cách học tập, quán triệt nghị quyết, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng”.

Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ vẫn được xác định là còn nhiều hạn chế cần khắc phục và đổi mới. Về những mặt hạn chế này, Báo cáo chính trị đã chỉ rõ: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”.

Đó chỉ là những nhận định chung đối với hệ thống chính trị, nhưng trên bình diện chung có thể thấy, đó cũng là những hạn chế chung nhất mà các cấp ủy các cấp hiện đang gặp phải trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cấp ủy hiện nay. Như vậy, có thể thấy, thực tiễn đang đặt ra một cách cấp thiết phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiện nay.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với MTTQ các cấp hiện nay, cần chú trọng và thực hiện tốt các nội dung, đó là:

Một là, xác định đúng đắn vị trí, vai trò của Đảng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mối quan hệ của Đảng với MTTQ. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền được hiến định trong Hiến pháp. Đảng lãnh đạo toàn bộ các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ Việt Nam.

Thế nhưng, MTTQ Việt Nam được xác định là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các giai cấp, tầng lớp, vì vậy, Đảng cũng là một thành viên của MTTQ. Đảng lãnh đạo MTTQ nhưng Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác cán bộ và bằng kiểm tra, giám sát. Bởi vậy, xác định đúng đắn nội dung này để Đảng xác định đúng nội dung lãnh đạo của mình, không làm thay, không can thiệp quá sâu vào công việc của MTTQ và cần tạo điều kiện để MTTQ các cấp phát huy dân chủ.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”, và “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Hai là, đổi mới việc ban hành nghị quyết lãnh đạo đối với MTTQ. Để có được những thông tin đúng đắn từ thực tiễn phục vụ lãnh đạo, các cấp ủy phải xây dựng mạng lưới tổ chức thu thập và xử lý thông tin hai chiều khách quan: một chiều từ phía các tầng lớp nhân dân phản ánh lên qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhân dân; và chiều ngược lại từ phía các tổ chức của Đảng, Nhà nước thông qua tổ chức, bộ máy thu thập và xử lý thông tin khoa học.

Trên cơ sở có được những thông tin, tư liệu khách quan, khoa học, phản ánh đúng đắn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, các cấp bộ đảng mới có thể có quyết sách lãnh đạo đúng đắn. MTTQ có vai trò quan trọng tập hợp, đoàn kết nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì vậy đây sẽ là kênh thông tin quan trọng để các cấp ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết phù hợp thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Ba là, đổi mới phương thức đối với việc lựa chọn cán bộ của MTTQ. Trước nay, cứ nghe nói đến cán bộ Mặt trận là người ta nghĩ ngay đến những người già cả, đó là một suy nghĩ sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm đó vẫn chưa lớn bằng sai lầm khi có một cán bộ nào đó bị sai phạm lại được điều về công tác ở Mặt trận. Để MTTQ thật sự phát huy vai trò quan trọng của mình, nhất là trong giám sát, phản biện xã hội hiện nay theo Quyết định 218-QĐ/TW nhất thiết phải lựa chọn những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín làm công tác Mặt trận. Khắc phục ngay tình trạng những người sai phạm lại đưa về Mặt trận.

Bốn là, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của Đảng, kết hợp với giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Theo quan điểm của Đảng ta hiện nay, phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Nhân dân tham gia xây dựng Đảng có nhiều biện pháp, trong đó Đảng ta nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một biện pháp quan trọng.

Trong điều kiện hiện nay, việc đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đảng viên và tổ chức đảng hoạt động trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải chú trọng kết hợp với vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và đoàn thể nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Giám sát và phản biện cả trong quá trình xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo; cả trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết cũng như trong quá trình kiểm tra, giám sát kết quả cuối cùng.

Năm là, đổi mới việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành các văn bản pháp luật để chỉ đạo, quản lý hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Quá trình thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, một mặt, phải đúng trình tự ban hành các văn bản pháp luật đã quy định; mặt khác, phải bổ sung vào quy trình ban hành các văn bản pháp luật đó vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để các quy định này có tính pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của MTTQ các cấp.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt, là cơ sở của chính quyền nhân dân, là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các giai cấp, tầng lớp. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để Mặt trận Tổ quốc thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với MTTQ là rất quan trọng. Vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với MTTQ là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

Hồng Phúc

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-cac-cap-uy-doi-voi-mat-tran-to-quoc-viet-nam-yeu-cau-buc-thiet-hi-a181573.html
Zalo