Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân trong giai đoạn mới, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảm bảo an sinh xã hội

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, công tác giải quyết việc làm được triển khai tốt, mỗi năm đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 người. Các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) được triển khai đảm bảo. Đến nay, toàn tỉnh đã có 199.609 người tham gia BHXH, 175.723 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, người lao động 2 lần/năm; qua đó đã kịp thời lắng nghe, giải đáp và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động. Nhờ đó, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tranh chấp lao động, đình công, lãn công. Bên cạnh đó, các chính sách trong giáo dục nghề nghiệp được triển khai đồng bộ đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 18.581 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,6%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,95%.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, công tác giải quyết hồ sơ người có công được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đến nay không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 55.312 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 5.999 người đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền hơn 12,9 tỷ đồng/tháng. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện lan tỏa rộng khắp. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được hơn 13,3 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, đã hỗ trợ xây mới 48 căn nhà, sửa chữa 145 căn nhà cho người có công; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người có công vào dịp lễ, Tết, bị ốm đau đột xuất, hoàn cảnh khó khăn.

Các chính sách dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội cũng được các cấp, ngành, địa phương triển khai đảm bảo. Hiện nay, toàn tỉnh có 51.561 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 45.000 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác xã hội cũng được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống những người yếu thế. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã dành hơn 127 tỷ đồng để chăm lo, phục vụ đối tượng xã hội vào dịp lễ, Tết. Đặc biệt, chính sách giảm nghèo bền vững được toàn tỉnh triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 684 hộ nghèo và 446 hộ cận nghèo. Huyện Khánh Sơn có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4,3% và huyện Khánh Vĩnh đạt 2,86%; cả 2 địa phương đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo. Công tác trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả…

Nâng cao chất lượng chính sách trong giai đoạn mới

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh đảm bảo 100% người có công và gia đình được chăm lo toàn diện cả về vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú; đưa tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5%. Đồng thời, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn 40%; lực lượng lao động tham gia BHXH trên 60% và lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH trên 45%. Cùng với đó, 100% gia đình chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; đảm bảo mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và trợ giúp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

Đào tạo nghề cơ khí cho người lao động tại thị xã Ninh Hòa.

Đào tạo nghề cơ khí cho người lao động tại thị xã Ninh Hòa.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng được 48.749 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với đó, 100% hộ gia đình ở thành thị, nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; 100% gia đình, trường học, trạm y tế có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi tiểu học đạt 99,5%, THCS đạt 97,5%, THPT và tương đương tối thiểu đạt 90%...

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân; đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội… Với những giải pháp cụ thể nêu trên, trong những năm tới, chính sách xã hội của tỉnh sẽ đạt được những kết quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu sớm đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-b796181/
Zalo