Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, tạo bước chuyển biến mới, mang lại giá trị kinh tế cao trong thực tiễn.

HTX Nông lâm Tất Thắng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn phát triển mô hình trồng nho, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

HTX Nông lâm Tất Thắng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn phát triển mô hình trồng nho, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX), trang trại gắn với triển khai thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, quy mô và trình độ sản xuất có sự chuyển biến tích cực.

Toàn tỉnh hiện có 433 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 219 HTX dịch vụ tổng hợp, 139 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 17 HTX thủy sản, 5 HTX lâm nghiệp; doanh thu bình quân năm 2024 đạt trên 1,6 tỷ đồng/HTX, tăng 6,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX đã chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ thành viên; tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và giữ gìn nghề truyền thống của địa phương.

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Mỳ gạo Hùng Lô ngày càng phát triển và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, là niềm tự hào của người Hùng Lô trong quá trình gìn giữ, phát triển làng nghề. HTX đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. HTX còn là điểm tham quan du lịch trải nghiệm của đông đảo du khách. Từ đó, thu nhập của các thành viên được nâng lên, HTX đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Toàn tỉnh hiện có 365 trang trại hoạt động theo tiêu chí quy định, gồm 160 trang trại tổng hợp, 157 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 16 trang trại trồng trọt, diện tích đất bình quân sử dụng 4,5 ha/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại năm 2024 ước đạt 1.204,5 tỷ đồng. Đặc biệt, có 90 trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Để phát triển kinh tế nông thôn, các ngành, địa phương đều chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi để thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, giữ vai trò nòng cốt, đầu tầu thiết lập và phát triển các chuỗi liên kết bền vững với các hộ nông dân, trang trại, HTX. Toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển 123 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn (chè, rau, bưởi, thịt lợn, thịt gà, nấm...).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 163 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; một số dự án đã đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng của ngành như chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng thương phẩm, sản xuất trứng gà sạch của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát với quy mô 1,2 triệu gà đẻ; chăn nuôi quy mô 6.000 lợn nái của Công ty TNHH lợn giống DABACO...

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xây dựng, phát triển 6 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn gồm: Chuỗi cung cấp sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh hữu cơ, chuỗi cung cấp sản phẩm chế biến từ thịt an toàn, chuỗi cung cấp chè an toàn, chuỗi cung cấp rau an toàn, chuỗi cung cấp bưởi an toàn và chuỗi cung cấp sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đẩy mạnh. Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 308 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đến nay đã có 203 tổ chức kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, làng nghề tham gia vào Chương trình.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thanh, huyện Phù Ninh hình thành liên kết sản xuất hồng không hạt, thực hiện quy trình canh tác theo hướng VietGAP, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thanh, huyện Phù Ninh hình thành liên kết sản xuất hồng không hạt, thực hiện quy trình canh tác theo hướng VietGAP, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường giải pháp

Việc đổi mới, phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, nhất là có sự hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành lực lượng lao động mới, có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến rõ nét, từ năm 2020 đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân trên 3%/năm. Thu nhập, mức sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng lên. Trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí 13 - hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một tiêu chí quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm nền tảng hoàn thành các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo.

Tuy nhiên, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn có những khó khăn, bất cập, cần tập trung tháo gỡ. Điển hình như việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó; sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường cộng với năng suất lao động thấp so với công nghiệp, dịch vụ nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư. Lĩnh vực kinh tế HTX đã có sự phát triển nhưng tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác sản xuất, chưa thực sự là đầu mối để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Tại các huyện, bước đầu đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhưng chưa nhiều và chưa được nhân rộng. Diện tích sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận diện rõ, khắc phục những khó khăn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện khâu đột phá về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, HTX trở thành đầu mối liên kết với kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2023. Tiếp tục tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, đồng thời tập trung hỗ trợ phát triển một số mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, điển hình để khuyến khích phát triển, nhân rộng. Chú trọng chỉ đạo, đánh giá hoạt động, hướng dẫn củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề, hình thành sản phẩm có thương hiệu.

Ngành Nông nghiệp tích cực tham mưu thúc đẩy dồn đổi, tích tụ đất đai; khuyến khích liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tăng cường công tác quản lý và sự chủ động trong hoạt động dịch vụ nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/doi-moi-manh-me-hinh-thuc-to-chuc-san-xuat-223817.htm
Zalo