Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Cần thiết nhưng cần lộ trình rõ ràng

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT về hướng dẫn đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS và THPT. Theo đó, từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, ma trận đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm khách quan và tự luận. Đáng chú ý, phần trắc nghiệm khách quan ngoài câu hỏi lựa chọn nhiều đáp án còn có câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn.

Giảm trắc nghiệm, tăng tự luận

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, từ học kỳ 2 năm học này, ma trận đối với đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm khách quan (chiếm 7 trên thang 10 điểm) và tự luận (chiếm 3 trên thang 10 điểm). Trong đó, phần trắc nghiệm khách quan (7 điểm), học sinh phải giải quyết các dạng câu hỏi gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn (3 điểm); trắc nghiệm chọn đáp án đúng/sai (2 điểm) và trả lời ngắn (2 điểm).

Riêng với dạng câu hỏi chọn đáp án đúng/sai, mỗi câu hỏi gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý yêu cầu học sinh chọn đáp án “Đúng” hoặc “Sai”. Với câu hỏi dạng trả lời ngắn, nếu môn học không sử dụng dạng câu hỏi này thì chuyển toàn bộ số điểm cho câu hỏi chọn đáp án đúng/sai. Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT căn cứ nội dung đã tập huấn cho giáo viên cốt cán của các địa phương vào tháng 11-2024 để tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn quản lý.

Ngay sau khi được ban hành, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT của Bộ GD-ĐT nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên và học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), nội dung hướng dẫn đã được Bộ GD-ĐT tập huấn cho giáo viên cốt cán của các địa phương, trên cơ sở đó các Sở GD-ĐT tập huấn rộng rãi cho tất cả giáo viên trên địa bàn.

 Học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) trong giờ học của học kỳ 1 năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) trong giờ học của học kỳ 1 năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

“Hướng dẫn khá chi tiết và cụ thể, giúp giáo viên tổ chức ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh một cách chuẩn xác hơn ở các môn thi trắc nghiệm. Cấu trúc đề thi theo định hướng đổi mới đã tiệm cận với định dạng đề thi và đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT công bố”, cô Nguyễn Thị Hương cho hay.

Nhiều giáo viên cho biết, hướng dẫn nói trên không gây khó khăn cho việc học và ôn tập kiến thức của học sinh vì lâu nay đề thi kiểm tra định kỳ ở một số môn học đã có phần tự luận, riêng học sinh lớp 12 được “tập dượt” đề thi 100% theo hình thức trắc nghiệm để làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, từ năm 2025, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực học sinh có cả 3 dạng câu hỏi là trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm lựa chọn đáp án đúng/sai và câu hỏi trả lời ngắn.

Một giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) lưu ý, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là đối với đề kiểm tra định kỳ, còn đề thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố.

Theo em Trần Văn Lâm, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội), dạng câu hỏi trả lời ngắn buộc học sinh phải phân tích, suy luận, tính toán để đưa ra đáp án đúng, tính chất gần giống với câu hỏi tự luận, không thể áp dụng phương pháp loại trừ đáp án hoặc “khoanh bừa” như trước. Do đó, với định dạng đề thi này, bài thi định kỳ sẽ giảm tỷ lệ điểm ở phần trắc nghiệm, thay vào đó tăng điểm ở phần tự luận.

Đánh giá toàn diện học sinh

Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), nhận định, việc đưa nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm vào đề thi giúp cấu trúc đề thi đa dạng hơn, đánh giá toàn diện năng lực của học sinh, bởi ngoài kiểm tra kiến thức còn đánh giá khả năng vận dụng và tư duy, các kỹ năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp thông tin của người học.

 Học sinh lớp 12, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM) trong giờ học của học kỳ 1 năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Học sinh lớp 12, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM) trong giờ học của học kỳ 1 năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Trong đó, phần trắc nghiệm chiếm tỷ lệ phần trăm cao trong đề thi giúp giảm tình trạng cảm tính trong chấm thi, đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch, phù hợp với xu hướng đánh giá hiện đại, giúp học sinh làm quen với các hình thức đánh giá quốc tế, chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, việc thay đổi định dạng đề thi buộc dạy học chuyển đổi hoàn toàn từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.

Để đáp ứng mục tiêu nói trên, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học, tập trung vào việc giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin hơn là cung cấp thông tin đơn thuần. Cùng với đó, giáo viên phải nâng cao kỹ năng ra đề, thiết kế câu hỏi sao cho vừa kiểm tra được kiến thức vừa kích thích khả năng tư duy của học sinh.

Với dạng đề thi nói trên, học sinh phải thay đổi cách học từ thuộc lòng kiến thức sang hiểu sâu, có kỹ năng phân tích, so sánh, liên hệ các sự kiện lịch sử, thấy được sự liên hệ giữa kiến thức với thực tế cuộc sống. Nhờ đó, học sinh có động lực học tập cao hơn, đồng thời tăng tính hấp dẫn của môn học. Như vậy, việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ giúp các môn học nói chung, môn Lịch sử nói riêng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm, đầu tư của người học.

Điều khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo ngại là đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh lại diễn ra vào thời điểm giữa năm học, đáng lẽ cần công bố từ đầu năm học để học sinh ổn định phương pháp học tập, tránh bị động. Cùng với đó, yêu cầu đổi mới hiện nay chưa triển khai đồng bộ giữa các bậc học, còn sự chênh lệch trong thực hiện giữa các địa phương, đơn vị trường học.

Dù đổi mới kiểm tra, đánh giá là “cú hích” cần thiết nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp dạy học, phù hợp mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhưng cần có lộ trình triển khai đầy đủ, rõ ràng, không tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh.

PHAN THẢO - THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-can-thiet-nhung-can-lo-trinh-ro-rang-post774161.html
Zalo