Đổi mới hoạt động, tăng cường chuyển đổi số trong ngành xuất bản năm 2024

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024.

Tại hội nghị, báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023, Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương và 09 nhà xuất bản thuộc địa phương.

Tính đến hết năm 2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%) với 460.929.167 bản (giảm 14,6%); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%) với ước tính khoảng 36.000.000 bản (tăng 11%). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.279 xuất bản phẩm (tăng 12%) với 39.249.964 bản (tăng 48%).

Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Tuy nhiên, dù số lượng xuất bản phẩm giảm nhưng doanh thu toàn ngành lại tăng. Tổng doanh thu đạt hơn 4.105 tỷ đồng (tăng 4,98%), lợi nhuận (sau thuế) đạt hơn 450 tỷ đồng (tăng 8,4%).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên, phát hành xuất bản phẩm điện tử được đánh giá là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Tính đến hết năm 2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy xác nhận (dự kiến tăng 27-28 đơn vị năm 2024).

Doanh thu sách nói cũng có sự tăng trưởng cao. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong thời gian năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến hết năm 2023, đã có 24 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị

Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngành xuất bản cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học - công nghệ.

Tình trạng thiếu hụt chức danh lãnh đạo tại một số nhà xuất bản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, đến sự ổn định hoạt động chung của nhà xuất bản, đặc biệt là công tác quản lý nội dung xuất bản phẩm. Điều này cần được khắc phục triệt để trong năm 2024.

Đối với vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, tuy đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mặc dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét. Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số nhà xuất bản khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu.

Không gian hội nghị

Không gian hội nghị

Qua đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2023, Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, năm 2024, ngành Xuất bản cần phải đổi mới hoạt động quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng, khai thác hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để hướng tới chuyển đổi số; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và xuất bản để hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản.

Đồng thời, cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển nhà xuất bản số, triển khai giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong điều hành, giám sát hoạt động, xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là quản lý nội dung xuất bản phẩm, hạn chế thấp nhất việc để xảy ra vi phạm về chính trị, tư tưởng; tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, phòng, chống in lậu.

Về phía các nhà xuất bản cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Xuất bản, quy định của Đảng, văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng kế hoạch và có sự đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật nhằm phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử; đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc áp dụng biện pháp công nghệ; nghiên cứu những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năm 2024, ngành Xuất bản cần phải đổi mới hoạt động quản lý nhà nước theo hướng hiện đại

Năm 2024, ngành Xuất bản cần phải đổi mới hoạt động quản lý nhà nước theo hướng hiện đại

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới.

"Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi. Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững" – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh../.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doi-moi-hoat-dong-tang-cuong-chuyen-doi-so-trong-nganh-xuat-ban-nam-2024-20240322165341411.htm
Zalo