Đổi mới hình thức và nội dung chất vấn

Chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt, thông qua đó, những nội dung lớn, quan trọng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo sự đồng thuận và lòng tin của nhân dân. Thời gian qua, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp được HĐND tỉnh và HĐND các huyện quan tâm, chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung; thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân trong tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, tăng hiệu lực, hiệu quả giám sát.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Hiếu, Tổ đại biểu thị xã Quế Võ chất vấn tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bắc Ninh Khóa XIX

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiếu, Tổ đại biểu thị xã Quế Võ chất vấn tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bắc Ninh Khóa XIX

Đi thẳng vào vấn đề quan trọng

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 4 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ đối với 12 các sở, ngành. Trong đó, có 3 cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, gồm: Công an tỉnh, TAND tỉnh, Cục THADS tỉnh. Nội dung chất vấn liên quan đến việc chấp hành, áp dụng pháp luật và kiểm sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp; phiên chất vấn được tổ chức truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát.

Nhìn chung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Ban Pháp chế, HĐND tỉnh tham mưu, chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm đúng quy định pháp luật; phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi, đánh giá cao của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện khá tốt hoạt động chất vấn; số lượng đại biểu tham gia chất vấn, tranh luận ngày càng nhiều, thể hiện vai trò, trách nhiệm trước cử tri.

Thủ trưởng các cơ quan tư pháp với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của đại biểu và cử tri đã nghiêm túc trả lời đầy đủ; giải trình làm rõ vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp tháo gỡ, khắc phục, bảo đảm hoạt động của ngành; việc triển khai, thi hành pháp luật của cơ quan đơn vị cũng như trên địa bàn tỉnh có sự nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân.

Với HĐND huyện Lương Tài, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, đã tổ chức chất vấn 21 lượt; đối với thủ trưởng các ngành, có hơn 25 lượt đại biểu chất vấn với hơn 30 ý kiến. Nội dung chất vấn tại kỳ họp được Thường trực HĐND huyện chọn lọc từ nhiều kênh thông tin, như ý kiến đề xuất của đại biểu, qua hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND huyện; ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri; qua thực tế theo dõi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và từ dư luận xã hội…

"Trên cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ cho đại biểu và thông tin do đại biểu thu thập từ các kênh khác nhau trong quá trình hoạt động, đại biểu có bước chuẩn bị kỹ các nội dung chất vấn; vì vậy, chất lượng các câu hỏi chất vấn ngày càng được nâng lên" - đại diện Thường trực HĐND huyện Lương Tài chia sẻ.

Nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc

Đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh chỉ rõ, bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động chất vấn các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp tại kỳ họp vẫn còn những hạn chế. Đó là chức năng, nhiệm vụ hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã được pháp luật hiện hành quy định, song, quá trình triển khai, tổ chức giám sát của HĐND nói chung, chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp nói riêng dù đã thực hiện khá tốt nhưng chưa được thường xuyên.

Công tác tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh, huyện chuẩn bị và thực hiện hoạt động chất vấn chủ yếu do các đại biểu chuyên trách hoặc thành viên Ban Pháp chế thực hiện. Mặt khác, đại biểu HĐND hầu hết làm việc kiêm nhiệm, ít thông tin, tiếp cận không nhiều với hoạt động của các cơ quan tư pháp, do đó, chất vấn tại kỳ họp đối với các cơ quan tư pháp chưa nhiều, không sâu.

Chưa kể, một số ý kiến chất vấn chưa đi sâu vào các vấn đề cụ thể, một phần do khó tiếp cận thông tin về hoạt động của các cơ quan tư pháp, nên khó đưa ra luận cứ thuyết phục, thiếu thông tin về nội dung cần chất vấn và truy đến cùng trách nhiệm của các cơ quan tư pháp; vẫn còn trường hợp chất vấn theo hướng đặt câu hỏi mang tính yêu cầu cung cấp thông tin, làm giảm tác dụng của hoạt động chất vấn.

Cùng với đó, một số nội dung chất vấn và tranh luận còn nể nang, ngại va chạm; trả lời chất vấn, giải trình một số trường hợp còn vòng vo, né tránh, chưa tập trung vào trọng tâm của vấn đề; giải trình thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan hoặc trả lời chung chung viện dẫn văn bản, chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số nội dung sau chất vấn ít được theo dõi, giám sát việc thực hiện đến cùng, nên hiệu quả chưa cao; thời gian dành cho chất vấn tại kỳ họp còn ít, tính gợi mở chất vấn còn hạn chế.

Đổi mới theo hướng thực chất hơn

Đa số ý kiến kiến nghị, để nâng cao kỹ năng, nhận thức cho đại biểu HĐND, cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng chất vấn, tranh luận. Mỗi đại biểu HĐND phải tự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề chất vấn; chuẩn bị kỹ vấn đề cần chất vấn và sẵn sàng tranh luận đến cùng nếu cần, tránh tâm lý nể nang, ngại va chạm...

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp, bảo đảm bao quát chung, linh hoạt, uyển chuyển, gợi ý sâu sắc các vấn đề, khuyến khích đại biểu tích cực tham gia chất vấn, tranh luận, nhằm làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục xử lý, giúp đại biểu và cử tri theo dõi, giám sát đến cùng.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị, cơ quan, đơn vị và người trả lời chất vấn phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành mình quản lý, để trả lời đúng trọng tâm vấn đề, cụ thể, ngắn gọn, nắm chắc số liệu, cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương để làm rõ trách nhiệm; trả lời với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, không né tránh, không chung chung, không đùn đẩy trách nhiệm.

Hoạt động giám sát việc thực hiện sau chất vấn cũng là một khâu cực kỳ quan trọng. Do đó, cần tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khắc phục các vấn đề tồn tại sau chất vấn; bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung và tiến độ theo yêu cầu.

"Việc đôn đốc của Thường trực, các Ban HĐND cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, bằng văn bản, bằng kiểm tra thực tế và được theo dõi giám sát cho đến khi có kết quả cụ thể. Việc báo cáo kết quả thực hiện chất vấn của các cơ quan, đơn vị phải kịp thời và bằng văn bản. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới có hiệu quả thật sự, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri cũng như sự quan tâm của đại biểu HĐND" - đại diện Thường trực HĐND huyện Lương Tài nhấn mạnh.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-moi-hinh-thuc-va-noi-dung-chat-van-post394409.html
Zalo