Đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.
Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và nhiều văn bản pháp lý khác đã quy định về nhiệm vụ tiếp xúc cử tri (TXCT) và điều kiện bảo đảm để phục vụ hoạt động TXCT của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa yêu cầu của Đảng, cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp, các luật có liên quan đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện, tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất cho công tác tiếp xúc cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu xây dựng 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Cho ý kiến 02 dự thảo Nghị quyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, phạm vi điều chỉnh của 02 dự thảo Nghị quyết chỉ nên tập trung quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. “Với phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ không lặp lại quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh sự trùng lặp dẫn đến có thể phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đồng thời, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, quy định tại dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm để đại biểu dân cử liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri theo đúng quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị…
Nêu quan điểm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị, cần tiếp tục duy trì việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ. Theo đại biểu, đây là hoạt động thời gian vừa qua đã được thực hiện nề nếp, thường xuyên, liên tục qua nhiều khóa Quốc hội, thể hiện sự liên hệ gắn bó giữa đại biểu Quốc hội và cử tri. “Việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri là vô cùng cần thiết, ít nhất trong 1 nhiệm kỳ phải đảm bảo đại biểu Quốc hội có thể đến được tất cả khu vực trên địa bàn ứng cử để gặp gỡ cử tri. Thực hiện TXCT trước kỳ họp để báo cáo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp; TXCT sau kỳ họp nhằm thông tin, báo cáo kết quả kỳ họp; không chỉ vậy việc gặp gỡ, TXCT còn để báo cáo về việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu, tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri…”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết.
Chia sẻ về nội dung này, từ hoạt động thực tiễn tại địa phương, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, Tp. Hà Nội cho biết, việc TXCT trước và sau kỳ họp thương lệ của Quốc hội là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri và cần phải duy trì thường xuyên. Đây là cơ hội cử tri trên địa bàn được trực tiếp gặp gỡ, kịp thời thể hiện ý kiến, nguyện vọng với các vị ĐBQH.
Tuy nhiên, đối với việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho rằng, kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra trong thời gian ngắn, được quyết định đột xuất; các phương tiện truyền thông cũng đã kịp thời phản ánh, thông tin, do đó, cử tri cơ bản nắm bắt được nội dung kỳ họp bất thường. Do đó, việc TXCT trước và sau kỳ họp bất thường không cần bắt buộc mà tùy thuộc vào tình hình thực tế, UBTVQH sẽ quyết định việc tổ chức hay không tổ chức TXCT.
Để nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo nghị quyết cần quy định rõ về thành phần tham dự TXCT. Theo đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, quy định hiện hành còn chung chung dẫn đến việc thực hiện dễ tùy nghi, vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn và lãnh đạo của UBND cấp huyện, cấp xã tham dự TXCT để nắm bắt và tham gia trả lời những kiến nghị của cử tri.
Cùng quan điểm, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề xuất, trong thành phần tham dự TXCT cần có cả đại diện lãnh đạo cấp tỉnh. “Đại diện lãnh đạo cấp tỉnh sẽ trả lời được những nội dung kiến nghị thuộc cấp tỉnh đồng thời cũng sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền còn lại trả lời phạm vi kiến nghị thuộc cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tham dự TXCT, giúp đại diện lãnh đạo cấp tỉnh kịp thời nắm bắt được thông tin, yêu cầu của cử tri để giải đáp những khó khăn, vướng mắc tại địa phương quản lý. Từ đó, đại biểu Quốc hội cũng sẽ giám sát việc thực hiện…”, đại biểu nêu rõ.
Liên quan tới hình thức TXCT, các đại biểu tán thành dự thảo Nghị quyết liên tịch đã bổ sung quy định mới về hình thức TXCT trực tuyến; tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tổ chức tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoặc sự kiện bất khả kháng; thu thập, tổng hợp kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội… Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tiếp xúc cử tri theo tinh thần Nghị quyết số 27–NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời, kịp thời ghi nhận, quy phạm hóa những thay đổi trong thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian qua, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0./.