Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương
Quan tâm biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương đi đôi với tuyên truyền là cách làm hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Xuất bản sách lịch sử
Việc biên soạn, bổ sung, tái bản sách lịch sử đảng bộ các cấp được các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh rất quan tâm thực hiện. Hằng năm, Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó có bồi dưỡng cán bộ làm công tác lịch sử và giảng dạy môn Lịch sử.

Đoàn viên thanh niên huyện Lục Ngạn quét mã QR tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Nội dung giảng dạy chủ yếu về hướng dẫn nghiệp vụ công tác sưu tầm tài liệu, biên soạn, biên tập sách; việc thẩm định, xuất bản và công tác tuyên truyền, giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương. Nhờ vậy, công tác biên soạn lịch sử Đảng được triển khai thường xuyên, tích cực từ tỉnh đến cơ sở. Nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, biên soạn, biên tập và phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập III (2005-2020)”.
Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn sách, ban biên soạn đã nỗ lực sưu tầm, tập hợp tư liệu; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học am hiểu về địa phương. Cuốn sách là tài liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về chặng đường 15 năm lịch sử phát triển của quê hương.
Nhiều địa phương đã tái bản lịch sử đảng bộ huyện lần 2. Điển hình như huyện Lạng Giang hoàn thiện sách “Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020)” và sách “Đảng bộ huyện qua 22 kỳ Đại hội”. Huyện Sơn Động xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2020”. Huyện Tân Yên hoàn thiện dự thảo cuốn sách “Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Yên (khóa I đến khóa XIX)”...
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cũng nhận thức rõ việc biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống. Vì vậy, các đơn vị thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tăng cường lãnh đạo công tác này. Đến nay, nhiều địa phương đã tái bản lịch sử đảng bộ huyện lần 2, trong đó có biên soạn mới và bổ sung tái bản nội dung đến thời điểm năm 2020.
Điển hình như huyện Lạng Giang đã hoàn thiện sách “Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020)” và sách “Đảng bộ huyện qua 22 kỳ Đại hội”. Huyện Sơn Động xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2020”. Huyện Tân Yên hoàn thiện dự thảo cuốn sách “Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Yên (khóa I đến khóa XIX)”.
Huyện Hiệp Hòa biên soạn cuốn “Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiệp Hòa lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025 - 2030” và cuốn “Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ huyện”…
Nhiều cách làm mới
Cùng với hoạt động xuất bản, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương cũng được các cấp ủy thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu trên Internet hoặc lồng ghép phổ biến lịch sử địa phương vào những buổi nói chuyện truyền thống; hội thi báo cáo viên, thi dân vận khéo... góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đầu năm nay, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã tích cực tuyên truyền cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang và 130 năm Ngày thành lập tỉnh 10-10 (1895-2025). Để triển khai hiệu quả, một số đơn vị đã yêu cầu các đồng chí huyện ủy viên, đảng ủy viên bên cạnh việc dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở còn có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn các đồng chí đảng viên cao tuổi cách thức tham gia thi; khắc phục tâm lý ngại tham gia do hạn chế về trình độ công nghệ thông tin… Nhờ vậy, cuộc thi đã thu hút được hơn 82,7 nghìn người đăng ký tham gia, trong đó có hơn 58 nghìn lượt thi trả lời đúng 30/30 câu hỏi.
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Lạng Giang cho biết: “Sau khi cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lạng Giang (giai đoạn 1930-2020) được phát hành, Ban đã biên soạn lại thành 8 chuyên đề để đưa vào chương trình giảng dạy của Trung tâm Chính trị, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn huyện.
Hằng năm, đơn vị còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kiểm tra công tác giảng dạy về lịch sử đảng bộ địa phương đối với nhiều trường học. Các giờ học ngoại khóa của các trường cũng được khuyến khích tổ chức bằng hình thức hoạt động tham quan kết hợp tìm hiểu di tích lịch sử; tổ chức kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, sinh hoạt chuyên đề ở những di tích lịch sử”. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn các cấp tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện số hóa các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như Thành đoàn Bắc Giang đã chỉ đạo đoàn viên thanh niên rà soát biển tên đường, tên phố, tổng hợp tư liệu về tiểu sử nhân vật liên quan và những điểm nổi bật trên tuyến đường, phố đó, thiết kế, mã hóa thành mã QR in trên các biển tên đường. Chỉ với thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, người dân có thể nắm được thông tin về lịch sử tên đường và nhiều thông tin hữu ích khác.
Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương đã góp phần vun đắp tình yêu quê hương trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ được nâng lên. Từ đó góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.