Đổi mới công nghệ, nâng tầm ngành gỗ
Bình Dương được xem là “đầu tàu” ngành gỗ cả nước. Để nâng tầm ngành gỗ, Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng thông minh, bền vững hơn.
Mở ra cơ hội mới
Ngành gỗ và nội thất của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Bình Dương là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến gỗ lớn của cả nước, với hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ; có nhiều DN gỗ lớn, luôn dẫn đầu về đổi mới công nghệ và sáng tạo trong thiết kế, sản xuất.
Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ B.I.F.A, cho biết tới đây công ty sẽ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm quốc tế về giải pháp nội thất thông minh (SFS VIETNAM 2024) lần thứ 5. Triển lãm lần này, các nhà triển lãm quốc tế sẽ giới thiệu về những giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ số sản xuất nội ngoại thất sử dụng thiết bị thông minh, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất. “Thông qua triển lãm, DN sẽ lĩnh hội được những hiểu biết thực tiễn của nền công nghiệp 5.0 và khám phá các công nghệ tự động trong quá trình sản xuất nội thất dạng tấm, nội thất bằng gỗ nguyên khối, ván gỗ, cửu và ván lót sàn… Ban tổ chức SFS VIETNAM 2024 sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư gặp gỡ, kết nối”, bà Dương Thị Tú Trinh nói.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với Sở Công thương 21 tỉnh, thành trên cả nước và tiếp cận trên 30.000 DN trong nước, 5.000 DN quốc tế. SFS VIETNAM 2024 được tổ chức tại Bình Dương là sự kiện quan trọng nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho các DN ngành gỗ và nội thất. Với mục tiêu giới thiệu và quảng bá các giải pháp nội thất thông minh, triển lãm không chỉ giúp DN tiếp cận với công nghệ và thiết kế tiên tiến mà còn giúp mở rộng chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu bền vững. Với mong muốn phản ảnh xu hướng phát triển nội thất thông minh trên thế giới, triển lãm sẽ có nhiều gian hàng về nội thất thông minh. Tại đây, khách tham quan có thể chứng kiến và trải nghiệm những nội thất có thể gấp gọn, đa năng, phù hợp với không gian sống hiện đại, hoặc nội thất ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và có thể điều khiển thông qua smartphone”.
Thông qua các hoạt động tại triển lãm, VCCI sẽ hỗ trợ DN Việt Nam xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản.
Tạo dựng môi trường phát triển bền vững
Ông Trần Văn Lê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Cơ điện Phương Linh, chia sẻ: “Chúng tôi đã đến thị trường Bình Dương khoảng 10 năm trước và khẳng định đây là thị trường ngày càng phát triển vững mạnh. Hiện nay chúng tôi đã mở chi nhánh tại TP.Thủ Dầu Một với mong muốn đẩy mạnh phát triển tại thị trường Bình Dương. Tham gia SFS VIETNAM 2024, Tập đoàn Phương Linh tự hào đem đến cho quý DN những sản phẩm, giải pháp thông minh về xử lý không khí và bảo vệ môi trường trong ngành gỗ. Chúng tôi cũng mong muốn hình thành chuỗi cung ứng phát triển ngành gỗ theo xu hướng bền vững, xanh...”.
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở sẽ tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các DN, các tổ chức và cá nhân trong ngành gỗ, nội thất tạo dựng môi trường phát triển bền vững và sáng tạo. “Trong bối cảnh thị trường ngày càng thay đổi, việc nắm bắt các xu hướng mới và áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm là điều kiện tiên quyết để các DN có thể duy trì và phát triển bền vững. Các DN cần cập nhật những xu hướng mới nhất về công nghệ, thiết kế và các giải pháp tối ưu cho không gian sống và làm việc, đồng thời là nơi giới thiệu những sản phẩm, giải pháp nội thất thông minh, là cầu nối để các DN có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Trường Thi nhấn mạnh.
Để ngành gỗ phát huy kết quả đạt được và vượt qua các thách thức mới, Sở Công thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống.
Theo Sở Công thương, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của tỉnh ước đạt gần 5,405 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 19% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Australia.