Đổi mới, cải cách hành chính thủ tục cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch
Việc điều chỉnh trên là cần thiết trong tình hình hiện tại, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, các cấp Bộ, ngành du lịch trong việc triển khai kế hoạch phục hồi phát triển du lịch.
Từ sau đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam mở cửa trở lại và từng bước phục hồi trong bối cảnh du lịch châu Á gặp khó khăn, hạn chế khi nhiều thị trường nguồn lớn trong khu vực lúc đó vẫn chưa mở cửa, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trên thế giới, châu Á là khu vực có tốc độ phục hồi chậm nhất. Tuy nhiên, đến nay, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã dần khởi sắc, tập trung vào xây dựng và phát huy thế mạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, đẩy mạnh công tác truyền thông, thu hút du khách thông qua các sự kiện nổi bật trong và ngoài nước.
Giai đoạn du lịch Việt Nam mở cửa, phục hồi sau đại dịch mang đậm dấu ấn của công tác xây dựng thể chế, chính sách cho ngành du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội lực của ngành du lịch và làm thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân sự du lịch, hướng dẫn viên du lịch hiện nay. Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW mà Bộ Chính trị đã đặt ra, cần có những hành động mang tính cải cách mới từ những chính sách đột phá tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch.
Trong Chỉ thị 08/CT-TTg mới ban hành, công tác xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017 để làm rõ những bất cập, những vấn đề không còn phù hợp với tình hình mới để trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hoặc bổ sung.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, không chỉ việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều bài toán khó cho cơ quan quản lý, mà việc tháo gỡ các khó khăn trong công tác mang tính cải cách hành chính cho người dân cũng cần được quan tâm sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay, đặc biệt là nguồn hướng dẫn viên du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý số lượng 8.380 hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, 5.168 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 3.136 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 76 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Với những con số trên, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng hướng dẫn viên nhiều nhất Việt Nam, chiếm hơn 21% tổng số hướng dẫn viên du lịch cả nước (8.380/39.957), sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các loại ngoại ngữ hiếm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Indonesia, Italy… phục vụ đa dạng các thị trường du khách hàng đầu đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào công tác cải cách hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn cho công dân, đặc biệt là công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch của Thành phố liên quan đến các chính sách, quy định pháp luật hiện nay.
Sở Du lịch đã nghiêm túc thực hiện, nhìn nhận và đánh giá những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên. Cụ thể:
Một là, Luật Du lịch chưa quy định cụ thể hoặc thay đổi nhằm phù hợp với các tình huống phát sinh thực tế hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên. Không thể áp dụng hoặc giải thích các tình huống phát sinh của công dân. Ví dụ, Luật chưa quy định đối với các trường hợp thay đổi thông tin trên thẻ hướng dẫn viên (bổ sung ngoại ngữ) khi thẻ hết hạn. Hướng dẫn viên buộc phải thực hiện hai thủ tục hành chính: cấp đổi thẻ và cấp lại thẻ.
Hai là, việc thu giữ thẻ cũ của hướng dẫn viên du lịch khi nộp hồ sơ xin cấp, đổi thẻ là không cần thiết, thừa thủ tục. Đồng thời, việc thu lại thẻ hướng dẫn cũ khi thực hiện thủ tục cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn phần.
Ba là, việc triển khai áp dụng quy định của pháp luật chưa đồng bộ trên phạm vi cả nước nên còn gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính của công dân (hướng dẫn viên du lịch). Điển hình như việc xác nhận sơ yếu lý lịch cho công dân tại một số địa phương tại tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện đúng quy định (vẫn còn xác nhận cư trú hoặc do công an địa phương xác nhận).
Trên tinh thần đó, Sở Du lịch đã có Công văn số 1430/SDL-VP phát hành ngày 12/7/2023, Công văn số 1925/SDL-VP và Công văn số 1926/SDL-VP phát hành ngày 05/9/2023 gửi Sở Tư pháp.
Theo đó, Sở Du lịch đề xuất các nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Sở Du lịch tích cực góp ý các nội dung tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tích cực tham gia và tham mưu các vấn đề liên quan đến các quy định về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến các hoạt động kinh doanh lĩnh vực, văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm mục đích phục vụ cho lộ trình điều chỉnh, sửa đổi Luật Du lịch.
Nhằm ghi nhận những kiến nghị, đề xuất và giải quyết những khó khăn đang tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1647/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023, bước đầu ghi nhận các nội dung đã được đề xuất tại các hội nghị trên và dự kiến điều chỉnh theo lộ trình sửa đổi Luật Du lịch trong thời gian tới.
Việc điều chỉnh trên là cần thiết trong tình hình hiện tại, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, các cấp Bộ, ngành du lịch trong việc triển khai kế hoạch phục hồi phát triển du lịch.
Đồng thời, cũng là nguồn động lực để khuyến khích, cổ vũ người lao động, doanh nghiệp vững tâm tiếp tục gắn bó với nghề, tiếp tục đóng góp vào sự phục hồi kinh tế của Thành phố, cũng như tạo sự tin tưởng của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước và là tiền đề quan trọng để cùng nhau vượt khó, góp phần xây dựng ngành du lịch Thành phố phát triển hơn nữa sau đại dịch, đặc biệt trong công cuộc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân trong thời đại mới.