Đôi mắt tết
Trẻ nhớ nhà, già nhớ trẻ! Cứ mỗi khi heo may lành lạnh se se len lỏi, lởn vởn về quanh những sáng, những chiều là cái vòng nhớ nhung cồn cào muôn thuở ấy lại hiện lên rõ hơn. Trái tim không yên. Đôi bàn chân không yên.
Đôi mắt không yên. Trẻ háo hức, trông chờ cái ngày được sà vào lòng mẹ chia sẻ bao chuyện vui buồn, được lim dim mắt, buông thõng người an yên trong vòng tay ấm áp của cha. Già thì cứ ra ngóng vào trông, nghe tiếng xe ai đó ở đầu đường đã chân nam đá chân chiêu hấp tấp chạy ra ngõ. Tiu nghỉu. Tiu nghỉu không biết bao nhiêu lần mới được vỡ òa trong niềm hạnh phúc sum họp, đoàn tụ. Lúc không có tiếng xe thì bám vào chiếc điện thoại, nghe chuông reng là mừng quýnh mừng quíu, chưa kịp bấm trả lời đã làm rơi đồ đạc rủng rẻng.
Những ngày giáp tết vậy đó nên đúng là quãng thời gian đặc biệt trong ba trăm sáu lăm ngày đằng đẵng!
Kể ra nỗi nhớ cũng cháy ruột cháy gan con người ta dữ lắm, cũng làm cho con người ta, dù già hay trẻ, dù tóc mây trắng bay hay tóc xanh bồng bềnh tươi rói, đều mang cùng tâm trạng, đều bần thần, ngẩn ngơ, dân quê mình gọi là “không thật người”. Nhớ. Mong. Chờ đợi. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ “không thật người”, để trước quên sau, nói đâu quên đó, tay chân vụng về, mắt bị hút về đầu ngõ, tai nghiêng nghiêng lắng nghe đầu ngõ, cổ rướn dài trông ngóng về đầu ngõ.
“Cái giọt máu mình đi xa mà sao không nhớ, không trông!”, bà già hàng xóm bẽn lẽn cười nói với tôi như vậy khi cứ mãi ra ngẩn vào ngơ chỗ trước cổng nhà.
“Con nó điện thoại nói tết này không về được nhưng cả ngày mình cứ nhìn chằm chằm vào màn hình mà đợi, biết đâu nó sắp xếp được, biết đâu, biết đâu…”. Ông bạn hay uống trà với tôi rưng rưng tâm sự như vậy khi đứa con gái duy nhất của ông bà tết này vắng nhà.
“Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, tết phải về nhà chớ, tham công tiếc việc mà làm gì!”. Bà giáo già vừa thở ra thườn thượt vừa trách nhẹ đứa con trai làm kỹ sư gì đó, bận bịu công trình đang tiến độ nước rút đành ăn tết xa quê. Nói trách vậy thôi nhưng rồi bà rút khăn chầm chậm quanh khóe mắt mà thều thào hai tiếng “Thương lắm!”…
Lão nông tôi có ba thằng con trai đang đi học ở xa, xa lắm, ở xứ tuyết, xứ băng lạnh lẽo biển Bắc trời Âu kìa. Ở đó không có Tết Nguyên đán như mình, cả năm chỉ được nghỉ học từ Noel tới ngày đầu năm dương lịch, hỏi làm sao về sum họp ba ngày tết?! Vậy đó mà tâm hồn già cứ ngập dần bóng núi, bần thần là thứ tâm trạng chập chờn trong những chuỗi ngày cùng tháng tận, nỗi nhớ không cồn cào như trước đây nữa mà cứ kéo trĩu trái tim con người ta xuống, nhất là những khuya khoắt chế bình trà ngồi một mình thức đón giao thừa. Những lúc như vậy ký ức được đánh thức, chiếm trọn đời sống.
Người nhớ sống bằng ký ức là vậy! Hình ảnh của con cái cứ mồn một trước mắt. Tiếng cười của từng đứa cứ giòn tan, nắc nẻ bên tai. Từng lời nói ngây ngô của chúng từ thời xa lắc xa lơ tập đi tập nói ngọng nghịu cứ văng vẳng, cứ như đang vừa đây, khiến người già cứ chốc chốc lại cười một mình. Cười và thấy ấm rộn trong lòng. Cười và nghe nhoi nhói trong tim. Cười và ngạc nhiên sao khúc ruột mình rứt ra giờ lại ở xa quá vậy, rồi lại ngạc nhiên sao giờ này quanh mình không có ai hết kìa?! Cười và nước mắt cứ ngân ngấn, nóng nhòe hai bên gò má nhăn nheo!...
Và rồi, nụ cười mim mỉm chánh niệm một mình ấy cũng dần phủ bụi thời gian. Và rồi, nỗi nhớ dần dà cũng không còn tên là… nỗi nhớ, nó mất tên rồi, chỉ còn đâu đó trong tim mình một khoảng đầy ắp chứa những niềm thương, chỉ còn ngân ngân trong đầu một lời cầu xin ơn trên cho các con chân cứng đá mềm.
Kể ra nỗi nhớ cũng cháy ruột cháy gan con người ta dữ lắm! Mà ở xứ Việt mình, con người cũng “mít ướt” quá thôi, cũng sống tình cảm quá thôi, vậy nên cái nỗi nhớ cứ được trớn mà “hành” con người ta ra ngẩn vào ngơ mấy ngày cuối chạp, những ngày tết nhứt. Nhớ cháy ruột cháy gan! Thương đứt ruột nát gan! “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ như đứng đống lửa, như ngồi đống than”... Hình như chính nỗi nhớ của con người, kể cả nỗi nhớ thương trai gái là những sợi tơ chính dệt nên các nền nghệ thuật từ cổ chí kim và chính nó cũng là phần quan trọng của những mùa tết Việt, tiếp nối, miên viễn trong dòng nhân sinh đa đoan và cảm chứa.
Thấy bà má già hàng xóm cứ nhấc cái ghế nhỏ ngồi trước nhà nói chuyện điện thoại, tôi hơi tò mò nghe ngóng. “Con Hai đó hả con? Khỏe không? Sao không về thăm má? Ừ ừ… Cái lưng bớt đau rồi, chỉ hơi còng chút xíu, phải chống gậy… Cha bây! Tiền đâu mà bày đặt mua thuốc men cho má! Mày về ăn tết là má hết bệnh liền hà…”. Thoạt đầu tôi tưởng bà đang nói chuyện điện thoại với đứa con gái đi xa nhưng qua ngày hôm sau lại nghe vẫn chừng ấy câu, vẫn câu kết trước khi cất cái điện thoại vào túi áo bà ba: “Mày về ăn tết là má hết bệnh liền hà…”.
Chiều hôm nay là chiều ba mươi tết rồi, nhà nhà đã xong bàn thờ, bánh trái, con cháu sum họp chuẩn bị đón giao thừa rồi mà cái điệp khúc ấy của bà vẫn lặp lại không sai lệch tiếng nào. Cái giọng ừ ừ à à cũng y vậy. Cái kiểu chửi “Cha bây” và có gì đó chợt ánh lên từ đôi mắt mờ đục vẫn y vậy. Cái dáng ngồi còng lưng run run áp cái điện thoại vào tai vẫn y vậy. Tôi chợt hiểu ra, đưa tay bóp mạnh vào ngực trái của mình bởi một cơn đau vừa nhói lên. Trời ạ! Hóa ra bà già đang nói chuyện điện thoại với… những cơn gió tết. Tôi nhìn quanh, còn đâu đó nữa, chắc là nhiều lắm những bà má già đã lẩn thẩn chìm đắm vào những cuộc điện thoại cùng những - cơn - gió - tết với đôi mắt hấp háy không yên.