Đối mặt sức ép cạnh tranh khốc liệt, nông sản Việt vẫn loay hoay tìm lời giải 'bài toán' giảm giá thành
Việc giảm giá thành cho nông sản Việt đến nay vẫn còn là 'bài toán' loay hoay tìm lời giải thỏa đáng giữa mối lo thiếu hụt nguyên liệu trong nước vì nông dân sợ thua lỗ. Trong khi đó, nếu không kéo giảm được giá thành, ngành hàng này sẽ đối mặt sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn ngay trên 'sân nhà' và 'sân khách' trước nhiều mặt hàng nông sản cùng loại của các quốc gia khác có mức giá rẻ hơn.
Số liệu vừa cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu thịt có xu hướng tăng mạnh với 8 tháng đầu năm 2024 với gần 1,1 tỷ USD, tăng mạnh 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sức ép ngay trên “sân nhà”
Và theo dự báo đến cuối năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu thịt có thể đạt khoảng 1,5 đến 1,6 tỷ USD, với trọng tâm vẫn là thịt heo, thịt bò và gia cầm. Rồi sang năm 2025, dự kiến tổng giá trị nhập khẩu thịt sẽ nằm trong khoảng 1,6 đến 1,7 tỷ USD.
Các DN chế biến nông sản cần nỗ lực kéo giảm giá thành để vượt qua sức ép cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà” lẫn “sân khách”.
Điều đáng nói, giá lợn hơi ở các quốc gia là nguồn cung cho Việt Nam ở mức khá thấp. Cụ thể, tại Nga, Brazil, Canada, giá mặt hàng này chỉ ở mức 34.100-34.200 đồng/kg; tại Mỹ là 38.400 đồng/kg…Do đó, mức giá bình quân thịt lợn nhập khẩu chỉ 52.000-55.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 3,4%. Còn giá lợn hơi xuất chuồng ở trong nước vào thượng tuần tháng 9/2024 dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg các sản phẩm thịt lợn trên thị trường có giá phổ biến từ 120.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
Từ đó cho thấy việc tăng mạnh nhập khẩu sản phẩm thịt là khó tránh khỏi khi mà người tiêu dùng đang có xu hướng mua thịt nhập với mức giá vừa rẻ vừa đảm bảo an toàn hơn so với sản phẩm thịt nội địa có mức giá đắt đỏ.
Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi trong nước. Nhất là chăn nuôi nông hộ đang mất dần vị thế cạnh tranh trên thị trường, đang thu hẹp đáng kể (chỉ còn chiếm 35 - 40%). Thực tế hiện nay người chăn nuôi vẫn gặp khó là giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức cao do phụ thuộc nhập khẩu (riêng 7 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 2,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước).
Câu hỏi đặt ra là việc tìm lời giải cho “bài toán” giảm giá thành ở ngành chăn nuôi nội địa hiện nay như thế nào, bởi lẽ chi phí thức ăn chiếm đến 70-80% giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm? Trong khi đó, ngành chăn nuôi tiêu thụ hơn 33 triệu tấn thức ăn mỗi năm, chủ yếu dành cho chăn nuôi gia cầm và lợn, thế nhưng sản lượng nội địa chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu này.
Không chỉ đối mặt sức ép trên “sân nhà”, vấn đề giá thành cao cũng đang đặt ra thách thức lớn cho nông sản Việt trong hoạt động xuất khẩu (XK) khi phải cạnh tranh với các mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại của các quốc gia cạnh tranh khác.
Đơn cử như trong ngành thủy sản. Dự báo mới đưa ra từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho thấy xuất khẩu (XK) thủy sản tới cuối năm 2024 có thể dao động ở mức 9,4-9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023. Tuy vậy, ở góc độ địa phương, như băn khoăn của ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, hoạt động của ngành thủy sản hiện tại còn gặp nhiều khó khăn và có khả năng suy thoái dần trong thời gian tới nếu như không có những giải pháp kịp thời.
Theo ông Thiện, thế khó trong hoạt động XK các mặt hàng thủy sản như tính đến thời điểm tháng 9/2024 là giá vận tải biển tăng rất cao, có thị trường tăng hơn 200%. Phía doanh nghiệp (DN) thủy sản vẫn xuất đi bình thường, nhưng vấn đề đặt ra là giá thành.
Mối lo thiếu nguyên liệu vì nông dân sợ thua lỗ
Ông Thiện cho rằng khi giá thành tăng cao dẫn đến DN thủy sản sẽ thu mua nguyên liệu của nông dân với mức giá thấp. Như thế khiến cho nông dân làm ra nguyên liệu để chế biến thủy sản có nguy cơ bỏ đầm nuôi, không sản xuất nữa. Bởi vì khi nuôi họ gặp hai trường hợp, một là môi trường nuôi ngày càng suy thoái với rủi ro cao, hai là nếu như trúng mùa nhưng giá mua thấp sẽ không có lãi, mà không có lãi thì nông dân không sản xuất được và kiệt quệ vốn.
“Như vậy, định hướng tương lai cho ngành thủy sản Việt sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nguyên liệu sẽ không còn vì nông dân không sản xuất. Đây là bài toán đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề liên quan”, vị giám đốc của Sở Công thương tỉnh Cà Mau nói.
Đơn cử như ở ngành tôm. Chuyện thiếu tôm nguyên liệu được dự đoán gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong các tháng còn lại của năm nay, nhất là tháng 9 và tháng 10/2024. Và việc cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, dù giá hợp đồng XK vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Bởi lẽ, theo tính toán của các hộ nuôi tôm ao lót bạt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ở vụ nuôi hiện tại, nếu mọi thứ trơn tru, tôm nuôi đạt năng suất khá thì giá thành tôm thẻ cỡ 30 con/kg giá dao động 105.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi giá bán hiện nay chỉ vào khoảng 126.000 - 128.000 đồng/kg.
Lợi nhuận như vậy là rất thấp, trong khi vụ nuôi này có rất nhiều rủi ro, như: Môi trường dễ biến động do mưa bão nhiều, dịch bệnh dễ phát sinh…nên nhiều hộ đã tạm thời ngưng nuôi, tập trung cải tạo, nâng cấp ao nuôi chờ khi dứt mưa và giá tôm tốt hơn mới thả nuôi tiếp.
Còn theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay khâu phân phối lưu thông hàng hóa nông sản vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là chi phí logistics còn quá cao, chiếm khoảng 15% - 25% tùy theo mặt hàng. Cho nên, chỉ cần giúp các DN trong ngành hàng nông sản giảm được 5% chi phí logistics thì việc tăng khả năng cạnh tranh là rất lớn.
Liên hệ thực tế tại ‘vựa nông sản’ vùng ĐBSCL, như lưu ý của ông Chinh, điều mong đợi là khâu phân phối lưu thông sao cho tốt hơn để giảm được giá thành. Như trong vấn đề về vận tải, trong vùng có được những DN mạnh về mảng này để giao nhận hàng hóa với thời gian ổn định và chất lượng.
Bên cạnh đó, để hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics cho nông sản vùng ĐBSCL, điều quan trọng là cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện từ sản xuất – thu hoạch cho đến thông quan – xuất khẩu.