Đời đan đát
Hồi nhỏ, mỗi lần nhà có giỗ, má tôi lại rửa chén rồi phơi trên cái nia. Người miền Tây tính phóng khoáng, hào sảng nên làm gì cũng nhiều, không phải “con mắt lớn hơn cái bụng” mà muốn "kiến" lại cho khách nhiều nhiều chút. Thành thử bánh ít năm nào cũng dư. Ăn không hết, má tôi lại lột vỏ phơi trên nia.
Thỉnh thoảng, tôi giở nia, giở xịa ra chơi rồi ngủ quên, tỉnh dậy cái lưng từa tựa miếng bánh tráng phơi trên vỉ trúc. Lúc ấy, tôi nghĩ những vật dụng kia chỉ là đồ gia dụng của người lớn, đồ chơi của con nít. Nhưng khi có dịp đến Tân Mỹ, được chứng kiến cảnh nhọc nhằn của nghề đan đát mây tre, tôi mới thấy đôi khi mình... vô tâm quá.
Hỏi những bậc cao niên ở ấp Bến Long (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa), nghề đan đát mây tre có từ khi nào, họ chỉ cười trừ bởi không ai biết thời gian chính xác. Họ chỉ biết đây là nghề đời truyền đời, người nối người, là nguồn thu nhập chính của đa phần người dân khi trước.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bến Long - Văn Thị Thủy dẫn tôi đến một căn nhà có mấy hàng trúc xanh rì. Loại cây này là nguyên liệu chính để đan đát. Cô Phạm Thị Rí - chủ nhà, nhìn cái biết ngay tôi là dân không chuyên bởi tôi cứ tò mò, nhìn lom lom vô mớ mê còn dang dở. Tổ đan đát mây tre của cô Rí là 1 trong 3 tổ của ấp Bến Long. Toàn ấp còn 2 tổ nữa, tổng cộng 154 thành viên. Họ đa phần là những người lớn tuổi, gắn bó với nghề gần cả cuộc đời. Bản thân cô Rí cũng có kinh nghiệm hơn 50 năm.
Cô Rí kể: “Hồi nhỏ có biết đan, biết đát gì đâu, tới chừng lấy chồng thì được má chồng truyền nghề lại”. Cô xem đó là công việc chính, là trách nhiệm, bổn phận và có điều gì đó lớn hơn... mà cô không thể nói thành lời. Tôi học lỏm dưới miệt Đồng Tháp Mười câu “cùng nghề đương thúng, túng nghề đương mê”.
Câu này nói về nghề đương đệm cỏ bàng nhưng nghe qua cô Rí thấy sao mà chí lý và hợp với mình quá đỗi bởi đan đát là nghề của con nhà nghèo, ráng làm thì đắp đổi đủ ăn chứ không giàu được. Tính ra mỗi mê cô bán được 16.000 đồng, mỗi ngày làm quần quật chắc được cỡ 10 mê.
Nguyên liệu để đương mê là cây trúc. Công đoạn đốn trúc rất gian nan. Vợ chồng cô Rí mua mão rồi tự đốn, róc nhánh, sau đó mướn xe kéo về. Nói nghe thì dễ chứ có làm rồi mới biết... chua cay bởi không phải bụi trúc nào cũng đẹp, có bụi cây mọc chéo hèo, đốn được một cây lôi ra ngoài là cùng hơi kiệt sức. Sau này cô chú trồng được một ít quanh nhà nên cũng đỡ nhọc.
Trúc sau khi đem về được cưa thành từng đoạn tùy kích cỡ rồi róc mắt, chẻ, vót thành nan. Đây là công đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi tay nghề người thợ. Mỗi nan trúc phải đạt độ dày, mỏng “đồng thanh đồng thủ”, nếu không sẽ rất khó đương. Người chẻ chỉ cần sơ ý là đứt tay đổ máu như chơi. Bởi vậy lúc nào chỗ làm của cô cũng thủ sẵn mấy hộp băng keo cá nhân.
Sau đó, các nan trúc được ghép với nhau tạo thành một mê, gọi là gầy. Mê là vật dụng (nia, thúng, rổ,...) chưa hoàn thành, có câu thành ngữ “đăng đăng mê mê” để chỉ công việc còn dang dở bộn bề. Đến đây lại có sự phân biệt giữa đan đát và đan lát. Thật ra nếu đúng phải dùng “đan đát”. Đan là dùng các nan tre cài xếp thành tấm mê. Đát cũng là đan nhưng đan với nan nhỏ hơn và đan cũng dày hơn. Cho nên có câu ca dao “Liệu bề đát được thì đan/ đừng gầy bỏ đó thế gian họ cười”.
Sau khi đan, đát xong, người thợ còn làm 2 công đoạn quan trọng là lận và nứt vành. Họ dùng thanh trúc uốn cong vành thành hình tròn, mỗi vật dụng có vành trong và vành ngoài, sau đó dùng kẽm hoặc dây gân cột cố định cho chắc chắn. Lúc trước gia đình cô Rí làm ra sản phẩm hoàn thiện nhưng giờ sức khỏe chú đã yếu nên chỉ gầy mê bán thôi.
Sáng sáng, các thành viên trong tổ họp lại đương, tới giờ cơm thì mạnh ai nấy về, xong bữa quay lại làm tiếp. Với họ, đan đát mây tre dù không có thu nhập là bao nhưng lại là nghề ân nghĩa. Nhiều người trong họ được nuôi lớn, được ăn học nhờ những gánh mê thấm mồ hôi và cả máu của cha mẹ, ông bà. Nhiều người trẻ ở ấp Bến Long đương rất giỏi và yêu nghề nhưng vì cuộc sống buộc họ phải làm công việc khác.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Mỹ - Nguyễn Thị Bích Liểu, các cô, các chú rất tha thiết với nghề truyền thống này. Hội tích cực quảng bá sản phẩm địa phương qua các buổi triển lãm, hội chợ,... Đồng thời, Hội kiến nghị với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Hòa mở các lớp dạy đan những sản phẩm mini để bán trong các điểm du lịch.
Tôi rời Tân Mỹ, chồng mê còn nằm đó dở dang. Tôi nhận thấy rằng, trong đôi mắt chăm chú chẻ nan, trong bàn tay thoăn thoắt kỹ càng, đâu phải chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền./.