Đời buồn của Trung Vinh - tay trống huyền thoại ban nhạc Phượng Hoàng

Đối lập với quá khứ nổi tiếng, nghệ sĩ Trung Vinh - tay trống ban nhạc Phượng Hoàng - trải qua tuổi già bệnh tật và u uẩn đến cuối đời.

Nghệ sĩ Trung Vinh qua đời lúc 2h25' sáng 25/10 tại phòng trọ ở Lái Thiêu, Bình Dương, hưởng thọ 79 tuổi.

Gia đình neo người nên không tổ chức đám tang. Em vợ Trung Vinh đưa linh cữu ông đi thiêu sáng cùng ngày rồi gửi tro cốt tại một nhà thờ địa phương.

Tay trống hào hoa của ban nhạc Phượng Hoàng

Nghệ sĩ Trung Vinh tên đầy đủ là Nguyễn Trung Vinh, sinh năm 1945. Ông gốc Bắc được bố đưa vào Nam sống từ bé. Thời niên thiếu, ông đã thích chơi nhạc nhưng chê guitar "phải đứng chơi nhọc quá" nên chọn trống.

"Ai ngờ chơi trống cũng chẳng nhàn hơn, ngồi đánh 4 – 5 tiếng mỏi nhừ lưng mà lãnh lương có khi không bằng một nửa ca sĩ", ông nói.

Trung Vinh thời niên thiếu. Ảnh: tư liệu

Trung Vinh thời niên thiếu. Ảnh: tư liệu

Nhìn toàn bộ sự nghiệp Trung Vinh, con số chưa đến 15 năm không hẳn dài nhưng việc ông chạm đến những thời khắc huy hoàng và tạo ra sức ảnh hưởng lại là điều không phải nghệ sĩ nào cũng có được.

Ông được biết đến nhiều nhất qua vai trò thành viên chủ chốt của ban nhạc Phượng Hoàng cùng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và Elvis Phương.

Ngoài 4 cái tên nêu trên, thỉnh thoảng thành viên nào bận sẽ có vài nghệ sĩ khác chơi thay, trong đó có Văn Hiển hay Hiển Bass - em trai Trung Vinh.

Ban nhạc Phượng Hoàng tồn tại vỏn vẹn 4 năm nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đặt viên gạch nền móng cho nhạc trẻ Việt Nam buổi đầu, đồng thời ghi dấu ấn một ban nhạc rock Việt thực thụ.

Trung Vinh ngày ấy (thứ 2, từ trái sang). Ảnh: tư liệu

Trung Vinh ngày ấy (thứ 2, từ trái sang). Ảnh: tư liệu

Âm nhạc của Phượng Hoàng tuyên ngôn nhạc trẻ là tiếng nói của thế hệ trẻ, chứa đựng linh hồn và căn tính Việt, chống lại thứ nhạc trẻ "sao chép vô hồn từ phương Tây" thịnh hành bấy giờ.

Bốn năm rực rỡ và làn sóng của Phượng Hoàng tạo ra đều có Trung Vinh góp sức.

Thời đỉnh cao, ông phong độ, hào hoa, chơi trống giỏi lại nói tiếng Pháp như người bản xứ nên được rất nhiều cô gái ái mộ.

Trung Vinh cũng tạo ra sức ảnh hưởng đến nhiều người chơi trống chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Thời Phượng Hoàng đình đám, từ thành phố lớn đến đám cưới miền quê, hình ảnh các tay trống chơi một cách hào hoa, điệu nghệ đều được cho là chịu ảnh hưởng hoặc bắt chước ít nhiều từ ông.

Tuổi già khổ sở, lây lất

Khoảng sau năm 1975, Trung Vinh hạn chế đi diễn dần rồi giải nghệ, một phần vì lý do sức khỏe.

Nghệ sĩ Trung Vinh lúc phóng viên VietNamNet đến thăm năm 2021. Ảnh: Thanh Tùng

Nghệ sĩ Trung Vinh lúc phóng viên VietNamNet đến thăm năm 2021. Ảnh: Thanh Tùng

Khoảng 10 năm cuối đời, Trung Vinh rơi vào thảm cảnh, bị đói nghèo và bệnh tật bủa vây. Ông từng bị đột quỵ 3 lần, sức khỏe suy sụp, não nhũn, tay chân rút lại và liệt 2 chân từ khoảng năm 2015 - 2016.

Trung Vinh và vợ sau - bà Dương Thị Hoàng Minh dọn về căn trọ nhỏ khoảng 10m² ở Lái Thiêu, Bình Dương khoảng năm 2020.

Hồi mới dọn về khu trọ ở Lái Thiêu, ông đối diện những dè bỉu, miệt thị từ hàng xóm chỉ vì yếu thế.

Có người châm chọc: "Ông bị liệt hai chân thế này, còn 'làm ăn' gì được với vợ không?". Có người nhận ra tay trống ban nhạc Phượng Hoàng năm nào liền trêu: "Giờ chỉ có nước đi đánh trống đám ma".

Trung Vinh ý thức rõ hoàn cảnh nên chấp nhận cho nhẹ lòng nhưng thề không bao giờ ra khỏi căn trọ để khỏi gặp họ. Ông tự nhủ "có đến bước đường này vẫn là nghệ sĩ, không được hành xử văn hóa thấp như vậy”.

Căn trọ tập thể nơi vợ chồng Trung Vinh sống. Ảnh: Thanh Tùng

Căn trọ tập thể nơi vợ chồng Trung Vinh sống. Ảnh: Thanh Tùng

Từ đó, cuộc sống của Trung Vinh cứ ra rồi vào trước cửa căn trọ. Thế giới của ông xoay quanh không gian nhỏ hẹp chưa tới 10m².

Ông hay trò chuyện với tắc kè, thỉnh thoảng chơi với một em bé sống gần đó. Ngoài ra, nghệ sĩ dành thời gian hồi tưởng quá khứ. Hơn bất cứ ai, ông hiểu việc này chẳng hay ho nhưng "suốt một ngày dài không ngồi nhớ dĩ vãng còn biết làm gì".

Dù ngoài mặt kiên cường, thỉnh thoảng Trung Vinh vẫn rơi nước mắt. Ông tự ti, mặc cảm đến ngủ cũng quay mặt vào tường, không dám ra đường hay dự đám tiệc, kể cả tiệc cưới của cháu nội.

Mỗi lần nhắc đến trống, Trung Vinh lại lặng người. Ông bán bộ trống từ lâu, mấy chục năm không cầm bộ gõ, bệnh tật dày vò khiến ước mơ trở lại sân khấu lần cuối ngày càng xa vời.

Tro cốt nghệ sĩ được gửi tại một nhà thờ địa phương. Ảnh: Lý Đợi

Tro cốt nghệ sĩ được gửi tại một nhà thờ địa phương. Ảnh: Lý Đợi

Ông nhớ cảm giác chơi trống đến nỗi không dám xem chương trình ca nhạc trên TV, cứ nhắc đến ban nhạc Phượng Hoàng là khóc.

Người chưa từng rời bỏ Trung Vinh là vợ - bà Minh. 31 năm trước, họ đến với nhau khi ông đã không còn ở thời đỉnh cao, buông bỏ vinh hoa để theo con đường tu tập. Vì tình yêu, ông rời chùa, chung sống với bà.

Bà Minh chứng kiến những lần Trung Vinh vượt qua cửa tử, một tay chăm sóc những khoảnh khắc ông "nôn ra máu lênh láng sàn nhà", đưa ông vào bệnh viện vô số lần tăng huyết áp đột ngột.

Do bệnh tật, nhiều lần ông nóng giận, đánh mắng vợ. Sau những lần như vậy, ông lại ân hận nói "nếu là người vợ khác đã bỏ đi từ lâu".

Tháng 3 vừa qua, bà Minh qua đời. Người quen tin rằng việc tinh thần Trung Vinh suy sụp góp phần kéo sức khỏe xuống dốc rồi ra đi theo vợ.

Lê Thị Mỹ Niệm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-buon-cua-trung-vinh-tay-trong-huyen-thoai-ban-nhac-phuong-hoang-2335669.html
Zalo