Dốc xưa

Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ngày trước, ở vùng núi quê tôi, đường thường không có tên, nhà cũng không có số, vậy mà ai cần cũng tìm được bởi chỉ có một mái nhà nằm lẻ loi ở bên kia sườn dốc. Người từ rừng ra thấy nhà tôi là có thể vào xin nước uống, sưởi ấm hoặc bắt chuyện.

Những năm ấy ở đây còn rất ít phương tiện đi lại, đường mòn nhẵn dấu chân, rừng rậm rạp. Còn nhớ, năm tôi vào lớp 1, ngày đầu tiên đi học, mẹ dặn dò đủ chuyện rồi nhẹ nhàng bảo: “Từ nay, con đường sẽ rất xa, phải thật sự vững lòng mới có thể theo được bước chân bè bạn”.

 Ảnh minh họa: MINH HUỆ

Ảnh minh họa: MINH HUỆ

Kể từ đó, mỗi ngày, tôi có một thử thách với 2 cảm xúc đối nghịch: từ nhà vượt dốc đến trường, đón nhận những tia nắng ấm áp từ thung lũng, hòa vào tiếng cười của bạn bè, được đi đôi dép nhựa trên con đường phẳng phiu của thị trấn. Tan học, một mình lại kiên trì leo dốc về nhà. Đường về bao giờ cũng là đói, mệt và đá sỏi gập ghềnh. Cũng may còn có tiếng chim hót trong bụi cây, trời xanh và mây trắng.

Cứ sang bên này dốc, tôi lại thấy vẳng bên tai mình tiếng còi xe máy, tiếng chuông xe đạp, tiếng nói cười của người qua phố… Trong sự tĩnh lặng của rừng, mơ hồ dâng lên một mong muốn được vùng chạy sang sườn dốc bên kia để nhìn thấy thị trấn với những điều mới mẻ. Tôi lớn dần, những cảm xúc cũng sâu sắc hơn, ấn tượng về con đường đi học càng rõ nét.

Một hôm, cha tôi từ thị xã trở về, đặt trước mặt tôi bộ sách ôn thi. Tôi nhận ra trong mùi giấy mới thơm phức là những bài toán vô cùng hóc búa. Cha tôi bảo: “Bao năm qua, con vượt dốc đến trường. Nhưng đây là một con dốc vô hình nhưng cao lắm, con phải bền gan mới vượt được”. Câu nói đó khiến tôi thấm thía. Những đêm đông tung chăn bật dậy học bài, những ngày hè xoay trần trên tấm phản làm toán chính là câu trả lời của tôi.

Rồi tôi bắt đầu phải trọ học xa nhà. Từ trường phổ thông đến trường đại học, phố xá đông vui, áp lực và những niềm vui tạo nên sức hút khiến tôi cứ xa dần con dốc ấy. Ngay cả trong giấc mơ cũng vắng dần hình ảnh núi đồi, cây cỏ, sỏi đá. Ánh đèn thành phố, tiếng xe cộ, những ly cà phê, những hẹn hò tuổi trẻ… đã làm tâm hồn tôi thay đổi quá nhiều.

Những lá thư của cha vẫn được gửi đến tay tôi đều đều, dẫu lúc đó người người đều có điện thoại di động, nhiều bạn trẻ năng động đã lập blog và sau này là tài khoản mạng xã hội. Tôi biết ông thích những giá trị cũ, từ chiếc xe đạp, cái quạt đến ti vi… Loáng thoáng trong những dòng chữ cha tôi viết có nhắc đến dự án mở đường vào khu vực nhà tôi. Hai chữ “mở đường” khiến tôi nghĩ ngay đến san ủi, đào, lấp… với bụi bặm, từ mùa khô sang mùa mưa.

Bẵng đi một thời gian, tôi trở về và ngỡ ngàng: Con dốc xưa đã biến mất, cả những bụi cây dại với gai góc bám đầy gấu quần và những tiếng chim cũng không còn. Một nỗi buồn cùng tiếc nuối chợt dâng lên, dù tôi vẫn biết, cuộc sống vận động và con người luôn phải thích nghi.

Tôi đã vượt qua bao con dốc của thử thách và chiến thắng trong nhiều cuộc thi nhưng trong lòng vẫn mơ hồ: Ước gì mình được trở về con dốc ngày xưa, ước gì còn những trưa tan học, bụng đói, chân mỏi nhưng tâm hồn rộng mở đón tiếng chim hót, tiếng lá reo trong gió và sự hồn nhiên của xứ sở này.

BÙI VIỆT PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doc-xua-post307016.html
Zalo