Đọc tác phẩm 'Tự chỉ trích' ngẫm chuyện tự phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay

Tháng 7-1939, với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ-trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng lúc bấy giờ-viết tác phẩm 'Tự chỉ trích' nhằm chống lại những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, tả khuynh và hữu khuynh, bảo đảm tính đúng đắn và tất thắng của đường lối chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, tự phê bình và phê bình trong Đảng nói riêng.

Vấn đề tự phê bình và phê bình trong tác phẩm "Tự chỉ trích"

"Tự chỉ trích" khẳng định tính tất yếu của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đối với một đảng chính trị lãnh đạo cách mạng, việc mắc phải những sai lầm, khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Đảng thông qua tự phê bình và phê bình để nhận thức rõ, sớm về những sai lầm, khuyết điểm, có bản lĩnh thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và kịp thời sửa chữa. Khi tự phê bình và phê bình thực hiện tốt thì người đảng viên có thể rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước cả thành công và thất bại, “không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn”, “tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”, dám chịu trách nhiệm trước tổn thất, sai lầm, không đổ lỗi cho khách quan, né tránh trách nhiệm hoặc nhận lỗi một cách hời hợt. "Tự chỉ trích" chỉ rõ: “Mỗi cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không”.

Mục đích của tự phê bình và phê bình không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng mạnh lên, “thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ, dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ phân tích, tự phê bình và phê bình không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Qua tự phê bình và phê bình, đảng viên có quyền bày tỏ ý kiến của mình, phát huy sáng kiến, phê bình, đóng góp vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Qua tự phê bình và phê bình để tăng cường đoàn kết trong Đảng và uy tín của Đảng với nhân dân.

Tự phê bình và phê bình “để huấn luyện quần chúng, giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi”. Nếu không dám đấu tranh, chỉ cốt “giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu” thì chứng tỏ “không phải một đảng tiền phong cách mạng”, nói một cách khác, đó chính là mắc sai lầm cơ hội, hữu khuynh. Sai lầm này sẽ dẫn đến thủ tiêu đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, làm cho Đảng không còn tính chiến đấu, không còn vai trò tiền phong, sẽ bị địch lợi dụng chống phá và như vậy sẽ không còn uy tín với quần chúng cách mạng.

Ảnh tư liệu: tuyengiao.phuyen.gov.vn

Ảnh tư liệu: tuyengiao.phuyen.gov.vn

Nội dung phê bình và tự phê bình: Tác phẩm "Tự chỉ trích" xoay quanh nội dung phê bình là những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ, trong đó có xu hướng tả khuynh, cô độc, làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi tư tưởng biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước tình hình nghiêm trọng, lãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh...

Phương pháp tự phê bình và phê bình: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khẳng định quan điểm của Đảng trong vấn đề tự phê bình và phê bình là “công khai, mạnh dạn, thành thực”. Đồng chí phê phán “thái độ lãnh đạm hay mù mờ”, “đầy lòng tự ái” khi tự phê bình và phê bình. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã công khai thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của Mặt trận Dân chủ trong cuộc tuyển cử vào Hội đồng quản hạt với tinh thần “Chúng ta phải biết nhìn nhận khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", không được đổ lỗi hết cho những nguyên nhân khách quan như việc quân thù đàn áp, cử tri chưa được giác ngộ.

Tự phê bình và phê bình phải tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc của Đảng. Trước hết, việc nêu khuyết điểm của Đảng nhất thiết phải xuất phát từ động cơ xây dựng Đảng. Trong tự phê bình và phê bình, nếu chủ nghĩa cá nhân nảy sinh sẽ không chỉ gây phương hại lớn đến Đảng, làm cho Đảng bị phân hóa mà còn làm cho quần chúng hiểu sai về Đảng, dẫn đến thiếu tin tưởng vào Đảng. Theo "Tự chỉ trích", người đảng viên cộng sản phải biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình, bởi vậy, không được “đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng-dù là đúng-đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong đội ngũ Đảng...”. Đó là những hành động mang tính chất cơ hội, vô chính phủ. Bởi vậy, trong tự phê bình và phê bình, phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Tác phẩm cũng chỉ ra nguyên tắc của Đảng không cho phép tranh luận, phô bày công khai các vấn đề nội bộ. Mọi đảng viên đều có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, nhưng phải giữ tinh thần Bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng... Sau khi đã thảo luận rõ ràng, đã xây dựng thành nghị quyết thì “chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”.

"Tự chỉ trích" là tác phẩm duy nhất về tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng lúc bấy giờ. Những chỉ dẫn về mục đích, nội dung, phương pháp, nguyên tắc cũng như về văn hóa tự phê bình và phê bình trong tác phẩm có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay.

Ngẫm chuyện tự phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay

Đại hội lần thứ VI của Đảng là Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã nêu cao tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Với tinh thần đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Đại hội XIII của Đảng vẫn tiếp tục khẳng định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là "tự phê bình và phê bình yếu” hay “tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể”.

Thời gian vừa qua, không ít nơi, công tác tự phê bình diễn ra không thường xuyên, liên tục hoặc có tiến hành nhưng chưa đạt hiệu quả thực chất. Một số biểu hiện cụ thể như, đối với người tự phê bình do “nuông chiều chính mình”, thiếu bản lĩnh, sợ tự đánh mất uy tín và thể diện nên không dám tự phê bình. Có trường hợp có tự phê bình nhưng chưa thẳng thắn, khách quan, mới chỉ nói đến ưu điểm mà không nói đến khuyết điểm hoặc có nói đến khuyết điểm nhưng đổ lỗi cho những nguyên nhân và hoàn cảnh khách quan. Một số đảng viên tự phê bình một cách hời hợt, qua loa, hình thức hoặc chung chung, không gắn với trách nhiệm cụ thể, không tự giác nhận kỷ luật. Đáng nói, có một số nơi tự phê bình nhưng chưa gắn với biện pháp để sửa chữa, khắc phục triệt để những sai lầm, khuyết điểm, làm cho những sai lầm, khuyết điểm ngày càng nhiều thêm.

Việc tự phê bình có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào thái độ và hành động của người phê bình. Không ít trường hợp, cán bộ, đảng viên trước việc tự phê bình của đồng chí, đồng nghiệp tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm; hoặc có góp ý nhưng xuê xoa, thỏa hiệp. Đáng lưu ý, một số nơi, có tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng việc tự phê bình của đồng nghiệp để tuyên truyền lệch lạc, hạ thấp uy tín của người khác nhằm mục đích tư lợi cá nhân, gây rối nội bộ hoặc trù dập những người phê bình thẳng thắn.

Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng đã chỉ ra nhóm giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp cả "chống và xây", "xây và chống", trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là phải thực hiện tốt, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình là một giải pháp thực sự hiệu quả trong xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế, tự phê bình để tự giáo dục mình, tự mình phải thắng được chính mình là một việc không đơn giản. Thực hiện những chỉ dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm "Tự chỉ trích", chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục chấp hành nghiêm chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung, hình thức, phương châm, văn hóa trong tự phê bình và phê bình cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình trở thành nền nếp, thường xuyên, liên tục, “tự soi, tự sửa” như “rửa mặt hằng ngày”.

Thứ hai, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác.

Thứ ba, phát huy dân chủ trong Đảng. Trong sinh hoạt Đảng cần thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Người lãnh đạo phải phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực, chủ động của tất cả đảng viên, đưa vấn đề ra trước Đảng để thảo luận, đi đến tập trung, thống nhất về ý chí, hành động; đồng thời, thường xuyên lắng nghe, tôn trọng cấp dưới, tạo không khí cởi mở để khơi gợi cho cán bộ, đảng viên thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Như vậy, người tự phê bình sẽ tránh được tâm lý sợ bị quy kết, đánh giá, sợ mất uy tín, mất danh dự cá nhân.

Thứ tư, biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực trong tự phê bình. Đối với những cá nhân thực hiện tốt việc tự phê bình trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, không né tránh những sai lầm, khuyết điểm và hơn thế nữa còn kiên quyết trong việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, đem lại hiệu quả cao trong công tác hay những cá nhân phê bình với động cơ trong sáng, thái độ chân thành, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, bao che khuyết điểm cần được biểu dương, ghi nhận để khích lệ những cá nhân khác trong tự phê bình và phê bình.

Thứ năm, kiên quyết đấu tranh với những phần tử lợi dụng tự phê bình. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm, lợi dụng tự phê bình để công kích, nói xấu, hạ uy tín của đồng chí, đồng đội. Đặc biệt, thực hiện chế độ thông tin minh bạch, kiên quyết đấu tranh với những thế lực thù địch và phản động lợi dụng tự phê bình trong Đảng để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối, nói xấu, bôi nhọ Đảng...

Có thể nói, việc quán triệt và thực hiện tốt vũ khí tự phê bình và phê bình theo tinh thần “tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sẽ là phương pháp cơ bản, quan trọng giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trở thành những cán bộ tốt, những tấm gương sáng, tiêu biểu về đạo đức cách mạng.

Tiến sĩ TRẦN THỊ HỢI, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/doc-tac-pham-tu-chi-trich-ngam-chuyen-tu-phe-binh-cua-can-bo-dang-vien-hien-nay-199946.html
Zalo