Đọc Những mùa hoa trên cao nguyên đá, thêm yêu đất và người Tây Bắc

Có người từng nói, mỗi nhà văn đều có một quê hương. Điều này là hoàn toàn xác đáng. Quê hương - nơi nhà văn được sinh thành và gắn bó, là nguồn cảm hứng dạt dào để nhà văn sáng tác, thậm chí trở thành chất liệu trong các sáng tác của nhà văn.

Trong thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam hôm nay, nếu như các cây bút Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng, Phát Dương gắn bó sâu sắc với vùng sông nước miền Tây Nam Bộ; Lữ Hồng, Tạ Ngọc Điệp yêu tha thiết đại ngàn Tây Nguyên thì tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên lại dành tình cảm sắt son cho đất và người Tây Bắc.

Sinh ra và lớn lên tại Lai Châu - một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Bộ nước ta, Đặng Thùy Tiên nhiều lần đưa thiên nhiên và con người nơi đây vào “đứa con tinh thần” của chị. Gần nhất là tập truyện ngắn Những mùa hoa trên cao nguyên đá do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Những mùa hoa trên cao nguyên đá gồm 17 truyện ngắn với những cái tên vô cùng ấn tượng như Mùa gặt giữa lưng chừng nhớ thương, Hoa nở trên triền cỏ dại, Dấu chân mây, Những đóa phù dung, Xuân về trên bản Giàng Sán,...

Qua những câu chuyện giản dị mà Đặng Thùy Tiên đã quan sát, lắng nghe, thấu cảm và sáng tạo thành những hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, tác giả trẻ này đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống.

Bên cạnh đó, làm nên giá trị của tập truyện ngắn Những mùa hoa trên cao nguyên đá và chất riêng trong sáng tác của Đặng Thùy Tiên còn phải kể đến vẻ đẹp của thiên nhiên miền non cao, rừng thẳm thấp thoáng trong từng dòng viết.

Đọc Những mùa hoa trên cao nguyên đá, độc giả không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ và lãng mạn, thi vị mà Đặng Thùy Tiên đã nỗ lực tạo dựng.

Tây Bắc với những núi đá cao chót vót, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những dòng sông cuộn chảy từ trên núi cao đổ về miền xuôi, những mùa hoa mơ, hoa mận, hoa ban,... từ lâu đã làm say đắm lòng người.

Bằng tình yêu thiết tha, sự am hiểu về vùng đất và con người, khả năng miêu tả thiên nhiên sắc sảo, Đặng Thùy Tiên đã đưa cả Tây Bắc vào trong từng truyện ngắn.

Những mùa hoa, theo cách nghĩ của Đặng Thùy Tiên, vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa hoán dụ cho linh hồn của Tây Bắc. Đó là những mùa hoa mọc dại trên triền đồi cao nguyên “vẫn khoe sắc hương và làm đẹp cho đời” trong câu chuyện cuộc đời đầy xúc động của Vi (Hoa nở trên triền đồi cỏ dại), hoa tam giác mạch nở rộ với “những màu trắng xen lẫn màu hồng trải dài như bất tận trên những dãy núi đá cao lô nhô” gắn với từng sự kiện quan trọng trong cuộc đời Giàng Mí Chiếu (Những mùa hoa trên cao nguyên đá)...

Thiên nhiên Tây Bắc trở thành không gian nghệ thuật để Đặng Thùy Tiên đặt nhân vật vào, làm sống dậy vẻ đẹp của miền đất, tạo điểm nhấn cho câu chuyện. Tác giả trẻ này đã thu hết cái hồn của Tây Bắc vào trong tập truyện. Phải là một người từng sống và gắn bó sâu sắc với chốn này mới có thể có những cảm nhận tinh tế và thi vị như vậy!

Với lối dẫn dụ nhẹ nhàng, đơn giản, Đặng Thùy Tiên đưa người đọc đến với những cao nguyên đá bồng bềnh mây. Nơi đây, với sự ưu ái của tự nhiên, bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại qua nhiều thế kỷ đã hình thành những giá trị riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Từ trên mảnh đất ấy, những con người chất phác, hồn hậu được sinh ra và lớn lên, tuy cuộc sống còn nghèo khó nhưng họ vẫn nỗ lực vươn lên, mang trên mình những phẩm chất đáng trân trọng.

Trong không gian Tây Bắc, Đặng Thùy Tiên tạo dựng được những “tính cách Tây Bắc”, vừa lạ, vừa quen của con người nơi đây. Trong truyện ngắn Hạnh phúc không bị đóng khung, nhân vật Giàng đã vượt qua nghịch cảnh tưởng chừng như không thể nào vượt qua, chăm chỉ lao động, cải tạo cuộc sống và không ngừng mơ ước về tương lai “rồi màu xanh sẽ trở lại, rồi gia đình của Giàng trong tương lai sẽ vui vẻ, hạnh phúc bên nhau”.

Nhân vật Hạnh trong Chợ cũ cũng đã vượt lên số phận khắc nghiệt, “kiên định để bước tới, để không sa ngã vào những tệ nạn của xã hội”. Mọi nỗ lực của Hạnh cũng chỉ vì “bù đắp lại những khổ sở mà mẹ vì sinh ra Hạnh đã phải chịu đựng”.

Ngoài ra, những nhân vật như Chương (trong Dấu chân mây), Ngân (trong Sống nhạt), Giàng Mí Chiếu (trong Những mùa hoa trên cao nguyên đá), Thăng (trong Những đóa phù dung),... đều mang những nét tính cách, phẩm chất đáng trân quý. Họ sống lặng lẽ, âm thầm và khắc khổ nhưng không ngừng mơ ước, hy vọng vào cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Mỗi nhân vật mà Đặng Thùy Tiên khắc họa là một mảnh ghép làm nên bức chân dung của con người lớn lên từ cao nguyên đá.

Hầu hết trong Những mùa hoa trên cao nguyên đá, Đặng Thùy Tiên không “gồng mình” để tạo nên những chi tiết gay cấn, giật gân, lôi kéo sự quan tâm của độc giả. Những câu chuyện của chị nhẹ nhàng như hơi thở, lối dẫn dắt giản dị, ý nhị mà vô cùng sâu sắc.

Có lẽ chính sự mộc mạc, dung dị ấy đã chiếm trọn trái tim độc giả, khiến cho độc giả không phải vất vả trong việc nắm cốt truyện mà vẫn dõi theo được hành trình của nhân vật trong tác phẩm, từ đó nhận ra thông điệp đáng trân quý mà Đặng Thùy Tiên gửi gắm.

Hơn hai phần ba trong số 17 truyện ngắn, Đặng Thùy Tiên chọn cho nhân vật một cái kết viên mãn, tươi sáng. Nhìn đời bằng cái nhìn tích cực, lạc quan, Đặng Thùy Tiên đã thổi vào những sáng tác một luồng sinh khí mới. Tác phẩm vì thế chẳng những mang giá trị văn chương cao quý mà còn có ý nghĩa truyền cảm hứng sống cho nhiều người, nhất là những số phận cực nhọc đang sống lầm lũi trên những cao nguyên đá.

Viết về đề tài đất và người miền núi, phải chăng là cách mà Đặng Thùy Tiên đã trả “món nợ ân tình” cho nơi đây? Đọc truyện ngắn của chị, người đọc trải qua đủ cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, để rồi đọng lại trong lòng là những hạt bụi nhân văn lấp lánh, là tình yêu mến thiết tha đối với Tây Bắc và đồng bào miền núi cao rừng thẳm.

Những mùa hoa trên cao nguyên đá đánh dấu sự trưởng thành của ngòi bút Đặng Thùy Tiên, cũng là phương tiện để tác giả trẻ này chở không khí của thiên nhiên và cuộc sống trên những cao nguyên đá đến độc giả trên khắp mọi miền đất nước./.

Phạm Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doc-nhung-mua-hoa-tren-cao-nguyen-da-them-yeu-dat-va-nguoi-tay-bac-a183950.html
Zalo