Độc giả Việt chịu chi sưu tầm truyện tranh

Manga có bản quyền, chất lượng dịch thuật, in ấn tốt là những lý do độc giả vẫn chịu chi để cầm truyện giấy trên tay và xếp lên tủ sưu tầm.

Manga (truyện tranh Nhật Bản) du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1980, thông qua một số truyện và phim được phát hành chưa có bản quyền. Doraemon là bộ manga đầu tiên xuất bản có bản quyền vào năm 1996. Nhưng trong khoảng 10 năm sau đó, manga phát hành tại Việt Nam đa số vẫn chưa có bản quyền, thậm chí nhiều đơn vị cạnh tranh phát hành chồng chéo.

Những bước đầu của manga bản quyền

Đến khi Việt Nam gia nhập công ước Bern vào năm 2004, phát hành manga Nhật mới thực sự bắt đầu được thực hiện theo đúng quy trình thương lượng và mua bản quyền từ đơn vị đại diện tại Nhật.

Bên cạnh Nhà xuất bản Kim Đồng với nhiều bộ truyện lần lượt được mua bản quyền phát hành (mà được biết đến rộng rãi nhất là ConanDoraemon) và Nhà xuất bản Trẻ với Inuyasha, một số đơn vị khác chuyên xuất bản manga cũng ra đời sau cột mốc trên, trong đó phải kể đến cái tên nổi bật là TVM Comics (Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Truyện Trí Việt) đã tiến hành mua bản quyền nhiều bộ truyện đình đám lúc bấy giờ như Fairy Tail, Slam Dunk, Hắc quản gia...

Tuy nhiên, TVM Comics đã dừng hoạt động từ năm 2019, để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng người fan manga. Cho đến nay, trên trang fanpage Facebook của TVM Comics vẫn còn nhiều độc giả vào bình luận mong muốn công ty "quay lại".

Sự đóng cửa của TVM Comics, tuy không có thông báo cụ thể từ phía công ty, được cho rằng xuất phát từ khó khăn tài chính. Nhiều người giải thích rằng khán giả chưa ủng hộ các dự án xuất bản của đơn vị này vì nhiều lý do như đơn vị xuất bản chưa tiếp thu ý kiến của khán giả và bản thân một bộ phận lớn khán giả vẫn chưa quen với việc chi tiền sưu tập manga dài kỳ.

Ở hiện tại, 20 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập công ước Bern, phát hành và tiêu thụ xuất phẩm bản có bản quyền theo đúng luật quốc tế đã phần nào hình thành trong độc giả ý thức mua sách chính hãng.

Ngoài ra, truyện tranh còn một điểm đặc biệt so với sách chữ là yêu cầu thẩm mỹ cao, chú trọng về hình thức biểu đạt qua nét vẽ, thiết kế. Do đó, dẫu vẫn tồn tại nhan nhản các web đọc truyện lậu, đăng tải truyện dịch miễn phí (và thường rất nhanh sau khi phát hành tại Nhật), manga vẫn là dòng xuất bản phẩm bán được vì số đông những độc giả thích cảm giác sưu tầm.

Phong phú lựa chọn manga cho đa dạng độc giả

M.N (25 tuổi, TP.HCM) kể về trải nghiệm đọc manga của một 9X đời cuối. Lúc còn bé M.N sống tại quê là một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cô cho biết ngày đó thường thuê nhiều bộ truyện tranh, cả manga, manhwa (truyện tranh Hàn) lẫn truyện Việt. Sau này M.N dần hình thành thói quen mua truyện xuyên suốt những năm học phổ thông và cho đến khi theo đuổi con đường họa sĩ vẽ truyện hiện tại.

Cô nói: "Tôi cảm thấy trước đây giá manga khá hợp với túi tiền của phần đông bạn đọc học sinh, sinh viên, như thế thì có lợi cho độc giả. Nhưng hiện tại, trừ một số truyện phổ biến với lượng phát hành lớn, còn lại khá nhiều truyện giá rất cao, khoảng trên dưới 100.000 đồng cho một cuốn truyện 200 trang. Như thế thì có lẽ nhà phát hành mới thu hồi vốn, có lời được, nhưng lại khá bất lợi cho độc giả".

 Một phần bộ sưu tập truyện tranh của M.N. Ảnh: NVCC.

Một phần bộ sưu tập truyện tranh của M.N. Ảnh: NVCC.

M.N cũng quan sát thấy rằng một số bộ manga khi phát hành tại Việt Nam, nếu không đạt doanh số như kỳ vọng thì đơn vị xuất bản sẽ giảm lượng bản in trong các lần in sau hay thậm chí là dừng hẳn. Đổi lại, có những bộ truyện hot thì đơn vị xuất bản ấn hành nhiều phiên bản khác nhau, khiến cho fan không mua đủ sẽ cảm giác "bứt rứt, thiếu sót".

Cô nhận thấy rằng IPM - đơn vị được chú ý những năm gần đây về phát hành manga - tuy để giá trung bình cao hơn các đơn vị in những bộ manga phổ thông với lượng phát hành lớn, nhưng chất lượng dịch thuật và in ấn rất tốt. Do đó, một số bộ truyện yêu thích M.N cũng đầu tư mua nhiều bản khác nhau.

Nhìn chung, M.N nhận thấy hiện tại thị trường manga tại Việt Nam đã cho độc giả đa dạng lựa chọn hơn xưa rất nhiều. Phong phú thể loại như phiêu lưu, nấu ăn, kỳ ảo, hài hước, kỳ bí, siêu nhiên, hành động, đời thường, lịch sử, tình cảm, tiểu sử, tự truyện, khoa học viễn tưởng, đời sống học đường, thể thao,... được các bên mua bản quyền, dịch thuật, phát hành và đáp ứng được đa dạng sở thích của độc giả. Một số thể loại trước đây chưa được đón nhận cởi mở như boylove, girlove lại trở thành dòng truyện chính của các đơn vị như Amak comics, Uranix.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, V.A (25 tuổi, Bình Dương) kể khi chưa dùng mạng xã hội, cô không biết nhiều về thế giới manga, chỉ đọc những bộ mà bạn bè thường đọc như Conan, One Piece... Sau này, khi sử dụng Facebook, YouTube nhiều hơn, cô mới phát hiện mình yêu thích những manga chủ đề siêu năng hoặc thể thao, hành động.

"Tôi thích vì nét vẽ đẹp và mỗi truyện đều có hướng phát triển, cách xây dựng nội dung rất thú vị, không phải một môtíp như nhiều người vẫn tưởng", V.A nói. Cô thường xem trước anime hoặc đọc thử một vài chương truyện trên mạng, sau đó mua truyện in để đọc vì "cảm giác cầm trên tay khác hẳn, đọc cũng không bị nhức mắt". V.A cũng mua cả các loại merch (sản phẩm liên quan đến bộ manga).

 Bộ truyện Slam dunk phiên bản có bìa áo rời và kèm bản phác thảo của tác giả. Ảnh: NVCC.

Bộ truyện Slam dunk phiên bản có bìa áo rời và kèm bản phác thảo của tác giả. Ảnh: NVCC.

V.A sưu tầm khá nhiều bộ truyện được in lại về sau này như Slam dunk (31 tập, bản phát hành lại của Kim Đồng đã in đến tập 25, giá bìa 60.000 đồng mỗi quyển), InuYasha (30 tập, bản của Nhà xuất bản Trẻ, giá bìa 80.000 mỗi quyển). Theo V.A, giá này xứng đáng với chất lượng tập truyện cầm trên tay.

Dù cũng đọc và xem manhwa trên mạng như V.A hầu như không mua truyện giấy. Cô chia sẻ đây chỉ là sở thích cá nhân, do manga xuất bản đa dạng đề tài mà cô yêu thích, còn truyện Hàn thường chủ yếu là các bộ về tình cảm lãng mạn mà cô không thực sự mặn mà.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/doc-gia-viet-chiu-chi-suu-tam-truyen-tranh-post1490388.html
Zalo