Độc đáo 'vương quốc rắn'

Trại rắn Đồng Tâm đang nuôi dưỡng trên 1.000 con rắn các loại, trong đó bảo tồn, khai thác nguồn gien 2 loại rắn hổ mang đất và hổ mang chúa quý hiếm.

Không chỉ là trung tâm nghiên cứu khoa học, điều trị bệnh..., Trại rắn Đồng Tâm còn phát triển du lịch sinh thái. 11 tháng đầu năm 2024, "vương quốc rắn" này đã đón khoảng 150.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Trong khuôn viên Trại rắn Đồng Tâm ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, 2 nhân viên mang ra 2 bao lúc nhúc rắn trước những ánh mắt vừa háo hức vừa e dè của du khách. Một bao là rắn độc và bao còn lại là rắn lành.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm “nô đùa” với rắn độc

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm “nô đùa” với rắn độc

Một nhân viên thuần thục dùng gậy khống chế, lần lượt bắt ra những chú rắn hổ mang, mai gầm, lục đuôi đỏ... để trình diễn cách lấy nọc. Kê đầu rắn cho nó cắn vào miệng chiếc ly nhựa, anh siết 2 ngón tay vào phần cổ con vật. Từng giọt nọc rắn đùng đục tiết ra trước sự thích thú lẫn hồi hộp của du khách.

Vừa lấy nọc rắn, một nhân viên vừa giải thích: "Mỗi ngày, một con có thể cung cấp 2 giọt nọc, tương đương 0,5 ml. Với những loại rắn cực độc như hổ mang, một gram nọc có thể giết chết 166 người, nọc rắn hổ mang chúa còn mạnh hơn gấp 5 lần"...

Trình diễn lấy nọc rắn là sản phẩm du lịch mới mà Trại rắn Đồng Tâm đưa vào giới thiệu, phục vụ du khách thời gian gần đây. Trong quá trình lấy nọc, nhân viên trại rắn còn phổ biến kiến thức về các loài rắn độc để mọi người phòng tránh, chữa trị đúng cách nếu bị chúng cắn.

Trại rắn Đồng Tâm (tên gọi chính thức là Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân khu 9) thành lập năm 1977. Thiếu tá Đàm Huy Hoàng, Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, cho biết trung tâm rộng 12 ha, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; cấp cứu, điều trị rắn độc cắn; nuôi trồng, bảo tồn nguồn gien dược liệu quý hiếm; sản xuất thuốc y học dân tộc kết hợp du lịch sinh thái khoa học.

Trại rắn Đồng Tâm đang nuôi dưỡng trên 1.000 con rắn các loại, trong đó bảo tồn, khai thác nguồn gien 2 loại rắn hổ mang đất và hổ mang chúa quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng được nêu trong Sách đỏ Việt Nam. Riêng hổ mang, trại đang nuôi gần 700 con, trong đó "thủ lĩnh" là 4 "cụ" hổ mang chúa trên 10 năm tuổi, mỗi con dài 3-4 m, nặng 15-16 kg.

Ông Nguyễn Danh Hiếu - nhân viên Đội Nuôi trồng, lấy nọc độc rắn - là người có thời gian làm việc tại "vương quốc rắn" này gần 20 năm nay. Ông nhớ lại: "Lúc mới đến đây, tôi không phân biệt được rắn nào độc, rắn nào lành. Nhiều loại rắn độc rất dữ, gặp chúng, tôi chỉ muốn bỏ chạy. Nhưng sau một thời gian, khi đã quen việc, hiểu được tập tính từng loại, thậm chí từng con, tôi tiếp cận chúng dễ dàng hơn".

Du khách nước ngoài thích thú làm quen với rắn

An toàn, hấp dẫn

Thiếu tá Đinh Thành An, phụ trách hướng dẫn du lịch tại Trại rắn Đồng Tâm, cho biết: "Trại rắn Đồng Tâm đã được UBND tỉnh Tiền Giang và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn là "Điểm du lịch độc đáo", "Điểm du lịch an toàn", "Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học". Tháng 12-2024, Trại rắn Đồng Tâm cũng được bình chọn là 1 trong 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại TP HCM và ĐBSCL".

Công việc thường ngày của ông Hiếu là cho rắn ăn, vệ sinh chuồng trại. Ông có thể nói vanh vách về sở thích, thói quen của hơn 40 loài rắn được nuôi dưỡng, bảo tồn ở đây. Chẳng hạn, hổ mang đất rất thích xơi chuột, ếch, cóc; còn hổ mang chúa thì lại "khoái khẩu" các loài rắn không có nọc độc...

"Khi nuôi rắn, cần tạo lập môi trường gần gũi thiên nhiên cho chúng sinh sống. Chuồng trại phải được xây hang, tạo điều kiện cho chúng lột da. Rắn đôi khi cũng bị bệnh phổi, viêm da... nên mỗi con đều được cấp số và có "hồ sơ bệnh án" riêng. Đặc biệt, phải chú ý đến quá trình chúng giao phối để nhân giống, bảo tồn" - ông Hiếu tiết lộ.

* * *

Người dân ĐBSCL thường bị các loại rắn độc như: hổ đất, chàm quạp, cạp nong, cạp nia... tấn công, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nọc rắn có thể gây nhiễm trùng, hoại tử; nhiều trường hợp phải cắt bỏ chân tay nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí tử vong.

Nằm tại Khoa Điều trị rắn cắn ở Trại rắn Đồng Tâm, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ngụ Bến Tre) thảng thốt kể lại: "Hôm ấy, tôi dọn dẹp mấy thùng giấy bên hông nhà thì có cảm giác ran rát ở chân như bị cây nhọn đâm. Tôi vạch tìm, không ngờ phát hiện con rắn lục đuôi đỏ đang cuộn tròn. Một lúc sau, vết cắn sưng đỏ, tôi sợ quá nên kêu người nhà đưa sang đây chữa trị".

Bà Phùng Thị Đảnh - ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - đến giờ vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại lúc bị rắn lục cắn. "Khi dựng lại miếng tôn đang đè lên cây trong vườn, bỗng nhiên tay tôi đau nhói như bị tôn cắt. Dỡ miếng tôn lên thấy con rắn lục, biết đã bị nó cắn, tôi liền kêu con chở đến nhà một thầy rắn gần đó. Ông ta hái thuốc nam giã nát lấy nước cho tôi uống, còn xác thì đắp lên vết cắn. Tuy nhiên, vết cắn ngày càng sưng vù, tôi phải tức tốc đến Trại rắn Đồng Tâm điều trị. Sau 2 ngày được tiêm huyết thanh, tôi bớt đau nhức, vết cắn không còn sưng nên được bác sĩ cho về".

Theo trung tá - bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Tâm, Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn, trung bình mỗi năm, khoa điều trị khoảng 1.200-1.300 trường hợp ở nhiều tỉnh, thành miền Tây, thậm chí cả Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ông băn khoăn: "Nhiều người cứ nghĩ đến cơ sở y tế điều trị tốn kém nên thường tìm tới thầy lang, thầy rắn. Tuy nhiên, rắn độc cắn thì phải cấp cứu, cần đưa đến nơi có huyết thanh càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, khi nọc độc lan đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, người bị rắn cắn có thể bị suy hô hấp, thậm chí tử vong hoặc mang di chứng rất nặng nề".

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm trình diễn lấy nọc độc rắn

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm trình diễn lấy nọc độc rắn

Mặt khác, khi đến thầy lang, thầy rắn, người bị rắn độc cắn thường được rạch vết thương, hút nọc hoặc đắp lá thuốc. Phương pháp này thường gây rối loạn máu, đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết..., nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo khi bị rắn độc cắn, người dân cần lấy nước rửa sạch vết thương để trôi bớt nọc, giảm phát tán vào cơ thể. Sau đó, dùng thuốc sát trùng rửa sạch một lần nữa rồi băng vết cắn và nhanh chóng đến cơ sở y tế có huyết thanh để điều trị.

Bài và ảnh: Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doc-dao-vuong-quoc-ran-196250114112610565.htm
Zalo