Độc đáo tuốt lúa bằng tay trên vùng cao xứ Quảng

Những ngày này, trên các sườn núi cao của Quảng Nam, những rẫy lúa đang chín vàng óng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, đồng bào các dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Ca Dong… hối hả thu hoạch lúa rẫy. Đặc biệt tại đây, người dân không dùng phương tiện để cắt lúa mà trực tiếp dùng tay để tuốt những hạt lúa.

Người dân trực tiếp dùng tay để thu hoạch lúa.

Người dân trực tiếp dùng tay để thu hoạch lúa.

Sáng sớm, khi những đám mây còn bay lơ lửng bên sườn núi, từng tốp người chở nhau đến tập trung tại khu vực rẫy của vợ chồng anh Hồ Văn Cường (thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) để thu hoạch lúa. Rẫy lúa rộng khoảng hơn 1 hecta, nằm bên con đường liên xã mới được nâng cấp, mở rộng. Khi mọi người đến đông đủ, họ bắt đầu công việc tuốt lúa bằng tay. Đây là cách thu hoạch lúa đặc biệt vẫn còn duy trì tại xã vùng cao này.

Người dân đứng thành hàng ngang để thu hoạch lúa.

Người dân đứng thành hàng ngang để thu hoạch lúa.

Trên rẫy, 25 người đứng thành hàng ngang để tuốt lúa. Mỗi người mang theo một gùi nhỏ để bỏ lúa vào. Lúa đầy gùi, họ đổ vào bao và buột lại. “Nơi đây địa hình đồi núi, không có chỗ để đặt máy tuốt hoặc khung đập. Nếu cắt xong vận chuyển đi nơi khác sẽ tốn thời gian hơn tuốt bằng tay. Bên cạnh đó tuốt bằng tay có thể loại bỏ ngay các bông lúa lép”- anh Hồ Văn Cường lý giải việc không dùng liềm cắt lúa mà phải dùng tay tuốt.

Lúa được bỏ vào bao sau khi tuốt.

Lúa được bỏ vào bao sau khi tuốt.

Cạnh rẫy lúa có một lán trại. Đây là nơi để mọi người nghỉ ngơi, ăn uống sau giờ lao động. Để lo bữa trưa cho mọi người, chị Hồ Thị Hang – vợ anh Cường nấu 20 lon gạo. Cơm đặt lên bếp củi, chị Hang ra rẫy rau cạnh đó hái 5 quả mướp, 7 quả cà rồi thái lát, rửa sạch để chế biến món ăn...

Lán trại của vợ chồng anh Cường là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi sau giờ lao động.

Lán trại của vợ chồng anh Cường là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi sau giờ lao động.

“Mọi người đến đây làm để đổi công nhau. Rẫy lúa mình hôm trước đã thu hoạch, vợ chồng Cường đến làm, nay vợ chồng mình qua làm lại. Mọi người ở đây đều như rứa, đổi công nhau chứ không trả bằng tiền”- anh Nguyễn Văn Bằng vừa buột miệng bao lúa vừa nói.

Những thanh niên khỏe mạnh có nhiệm vụ cõng những bao lúa từ rẫy lên đường để chở về nhà.

Những thanh niên khỏe mạnh có nhiệm vụ cõng những bao lúa từ rẫy lên đường để chở về nhà.

"Mỗi bao lúa nặng gần 50 ký. Vất vả nhất là đoạn đưa từ rẫy lên đường xe để chở về. Tuy nhiên do chúng tôi quen rồi nên việc gùi cõng thấy cũng bình thường. Mình phải tranh thủ chở về để phơi rồi cất vào kho. Khi nào cần gạo thì đem ra giã để nấu cơm. Cơm lúa rẫy ăn rất ngon"- anh Hồ Văn Cường phấn khởi cho biết thêm.

Lúa được người dân phơi khô, sàn lọc bỏ những hạt lép trước khi cho lúa vào kho.

Lúa được người dân phơi khô, sàn lọc bỏ những hạt lép trước khi cho lúa vào kho.

Sau khi khô, lúa được đưa vào kho cất. Các hộ dân nơi đây nhà nào cũng có một kho lúa để dự trữ

Sau khi khô, lúa được đưa vào kho cất. Các hộ dân nơi đây nhà nào cũng có một kho lúa để dự trữ

Ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, do tập quán canh tác và điều kiện thời tiết, nhu cầu của từng gia đình, nên hằng năm, diện tích trồng lúa rẫy thường xuyên biến động, khó thống kê đúng thực tế.... “Năm nay thời tiết thuận lợi nên người dân được mùa lúa. Bình quân 1 ang lúa giống thu hoạch được 5 tạ lúa rẫy. Việc này đã góp phần đáp ứng nhu cầu của từng gia đình, đảm bảo được lương thực dự trữ, nhất là vào mùa mưa bão sắp đến”- ông Lạc thông tin thêm.

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/phong-su/doc-dao-tuot-lua-bang-tay-tren-vung-cao-xu-quang-post303025.html
Zalo