Độc đáo tục cưới hỏi của người T'rin
Cộng đồng người T'rin sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn Nam (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) có rất nhiều phong tục, tập quán độc đáo, trong đó có tục cưới hỏi.
Lấy vợ phải ở rể
Phải tìm đến nhà lần thứ 3, PV Báo Giao thông mới gặp được ông Xà Nga (62 tuổi, người T'rin, nguyên Chủ tịch UBND xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) khi ông mới từ trong rẫy về. Ông là một trong những người góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của tộc người sống dưới chân Trường Sơn Nam.
Theo ông Xà Nga, đối với người T'rin, chuyện trăm năm của đôi lứa được gia đình và cộng đồng xưa dành nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, cưới xin là việc quyết định cuộc sống của hai người và là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống của người T'rin.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh cho biết, chính quyền và ngành văn hóa - thông tin huyện đang tiến hành phục dựng lại nghi lễ đám cưới của người T'rin ở xã Giang Ly. Việc này nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Cũng như những tộc người khác, trai gái T'rin đến tuổi cập kê thường tìm đến nhau qua ông mai. Trải qua thời gian tìm hiểu, ông mai có nhiệm vụ đưa người con trai (hoặc gái) về giới thiệu với bố mẹ.
Việc đưa người bạn mà mình tìm hiểu về nhà để bố mẹ xem mặt, tìm hiểu về tác phong đi đứng, nết ăn ở của người bạn đời tương lai của con mình. Ngoài ra, có một vấn đề hệ trọng là các bậc cao niên sẽ xem dòng giống con cái nhà ai để tránh hệ quả việc cận huyết thống trước khi đi đến kết hôn.
Người T'rin còn có tục lệ, sau khi được bố mẹ hai bên xem mặt con dâu (hoặc rể) tương lai, cô gái sẽ làm việc như con dâu trong nhà người con trai trước khi cưới. Tại nhà trai, cô gái làm lụng đủ việc, từ đốn củi trên núi, giã gạo, nương rẫy đến bếp núc.
Đây được xem là màn thử thách của bố mẹ chồng đối với con dâu tương lai. Thời gian ở có thể vài tháng đến một năm, tùy điều kiện từng gia đình. Tuy mệt nhọc, nhưng cô gái rất vui vẻ vì đây là dịp duy nhất được làm dâu ở nhà chồng. Bởi người con trai sau khi lấy vợ sẽ ở rể nhà vợ.
Gắp cho nhau ăn ở lễ bỏ hỏi
Theo ông Xà Nga, thời gian thử thách con dâu kéo dài có thể cả mùa rẫy, khi bố mẹ người yêu thấy ưng cái bụng thì nhà trai sẽ nhờ ông mai đặt vấn đề với nhà cô gái để chọn ngày lễ bỏ hỏi.
Tại lễ bỏ hỏi, nhà trai chỉ chọn đội hình khoảng 10 người trở xuống. Thành phần đoàn có ông mai, chú (em bố) hoặc cậu (em mẹ), anh em họ hàng thân thích. Trong đám hỏi bố mẹ chồng không có mặt vì theo phong tục, việc bỏ hỏi chỉ là chuyện của hai con, các bậc phụ mẫu chưa chính thức thông gia của nhau nên chưa gặp mặt.
Khi đoàn nhà trai đến, sau màn chào hỏi, con gà luộc được bày ra ở vị trí trang trọng. Tại đây, cô gái sẽ gắp thịt gà đưa vào miệng cho chàng trai ăn trước, sau đó chàng trai cũng làm điều tương tự với người yêu của mình. Tiếp đến, lần lượt đến hai ông mai cũng có một con gà luộc để gắp cho nhau ăn.
Sau cùng là chú, cậu, anh em họ hàng của hai bên cùng gắp thịt heo đưa vào miệng cho nhau. Bởi thịt gà chỉ dành cho đôi trai gái và hai ông mai của hai bên. Theo quan niệm của người T'rin, việc gắp thịt đút cho nhau ăn thể hiện tình cảm, sự tôn trọng quý mến giữa đôi bên.
Sau khi lễ bỏ hỏi kết thúc, nhà trai ra về. Ngoài màn đưa tiễn chúc tụng, đoàn bên nhà trai còn được biếu một cái đùi heo (bên nhà gái để lại khi thịt heo tiếp khách) để mang về cho bố mẹ chàng trai, người già không đi tham gia lễ bỏ hỏi.
Vợ chồng bỏ nhau sẽ bị phạt
Một thời gian sau, khi điều kiện chuẩn bị đầy đủ, lễ lạt nhà trai sẽ nhờ ông mai đến đặt vấn đề tổ chức lễ cưới bên nhà gái và hẹn ngày "nạp thái vu quy" cho chàng trai.
Đoàn nhà trai sang nhà gái lần này thành phần đầy đủ khi có bố mẹ chàng trai, nhiều bạn bè thân hữu gần xa.
Khi nhà trai đến cổng, nhà gái chuẩn bị đội chơi mã la (một loại nhạc cụ bằng đồng, còn gọi là chiêng không núm) rộn ràng chào đón. Khách đến nhà mời trầu cau, uống nước. Hai ông mai của đôi bên nói chuyện, tuyên bố lí do nay nhà đủ điều kiện, làm bữa cơm để hai nhà thông gia gặp nhau.
"Ông mai lấy ché rượu giao cho hai ông bà thông gia, bên nhà gái mời bên nhà trai uống trước. Sau đó 4 bát thịt được bày ra, các ông bà thông gia từng cặp gắp đút cho nhau ăn uống vui vẻ. Sau khi ăn xong hai bên thông gia sẽ trao cho nhau bộ đồ mới để cùng mặc dự đám cưới.
Khi tứ thân phụ mẫu ăn uống xong, đến lượt cặp vợ chồng trẻ rồi hai ông mai và họ hàng, bạn bè gần xa của hai họ cũng uống chung rượu, từng cặp một đút cho nhau ăn", ông Xà Nga kể.
Cũng theo ông Xà Nga, ngày xưa, trai gái yêu nhau nếu cận huyết thống sẽ bị làng phạt rất nặng. Còn nếu vợ chồng bỏ nhau, người nào bỏ trước thì làng sẽ phạt người đó. Cho nên, tình trạng bỏ nhau xảy ra rất ít.
Trước đây, đám cưới thường tổ chức 3 ngày liền, rất tốn kém, mất nhiều thời gian. Nay bà con chỉ tổ chức trong một ngày. Tục lệ gắp thịt cho nhau ăn vẫn còn nhưng chỉ chờ thông gia ăn trước, rồi con cháu, họ hàng, bạn bè cùng ăn luôn, không phải chờ đợi lâu như trước.
Ông Pi Năng Hà Duy, Phó chủ tịch UBND xã Giang Ly cho biết, ở địa phương, đồng bào T'rin có trên 400 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu, chiếm khoảng 90% dân số. Trước đây, người dân sống phụ thuộc hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng giờ đây, trẻ em được học hành đầy đủ, nhiều người con của T'rin học xong làm cán bộ, kỹ sư ở nhiều nơi. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư khang trang, hộ nghèo chỉ còn 50 hộ.