Độc đáo tục cỗ xôi ở thôn An Lại (Thanh Hà) vào Tết Đoan ngọ
Cứ vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm, người dân thôn An Lại, xã An Phượng (Thanh Hà, Hải Dương) lại có dịp quây quần cùng nhau nấu mâm cỗ xôi, thắp hương tổ tiên, nhớ về cội nguồn.
Theo người dân thôn An Lại, cỗ xôi được người làng tổ chức vào 4 dịp trong năm gồm: tiết thanh minh, Tết Đoan ngọ, rằm tháng 7 và mùng 2/12 âm lịch (ngày chạp tổ- lễ ra cỗ họ).
Ông Phạm Đức (68 tuổi), trưởng họ Phạm Tiền, ngành 2 ở thôn An Lại cho biết nấu cỗ xôi bắt nguồn từ phong tục thờ cúng tổ tiên và thường được tổ chức cẩn thận vào những dịp quan trọng trong năm, nhất là khi sang mùa.
4 dịp nấu cỗ xôi đều vào thời khắc chuyển mùa. “Cỗ xôi rất đơn giản, chỉ gồm một mâm xôi trắng, một con gà trống được luộc tạo kiểu đẹp, một chai rượu cùng với trầu cau, hương nến”, ông Đức nói.
Năm nay họ Phạm Tiền, chi 2 của ông Đức có 42 suất đinh tham gia nấu cỗ xôi. Những suất đinh này sẽ thay phiên nhau để nấu cỗ vào 4 mùa trong năm. Dịp mùng 5/5 này có 13 cỗ được dâng tại nhà thờ họ và nhà thờ tổ. Số lượng mâm cỗ sẽ căn cứ vào số suất đinh tham gia để tính, bảo đảm mỗi mâm cỗ đủ chia cho 6 phần.
Gia đình nào đến lượt làm cỗ xôi sẽ phải chuẩn bị từ sáng sớm, mang đến nhà thờ họ. Sau đó tập trung ở nhà thờ họ, cùng nhau làm lễ dâng lên tổ tiên. Dâng lễ xong, mọi người sẽ ngồi lại cùng thụ lộc, chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, công việc lẫn nhau. Những ai không đến dự, các thành viên có trách nhiệm mang phần về cho người vắng mặt để ăn lấy may.
Ông Phạm Tiến Hùng, người dân trong làng cho biết đã tự tay chuẩn bị hàng chục mâm cỗ xôi của gia đình để cúng tổ tiên. “Đây là truyền thống tốt đẹp nhằm giáo dục con cháu nhớ về nguồn cội, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc”, ông Hùng nói.
Trước đây vào 4 tiết: xuân, hạ, thu, đông, tất cả các dòng họ của xã An Lương cũ (nay là An Phượng) đều tổ chức nấu cỗ xôi. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, hiện chỉ còn dòng họ Phạm Tiền giữ được tục này.
Dòng họ Phạm Tiền có ở làng An Lại cách đây gần 600 năm. Dòng họ này có 2 ngành, 5 chi với tổng số 1.700 suất đinh. Do trong họ có nhiều người đi làm kinh tế xa quê nên hiện ở các nơi như Kim Thành (Hải Dương), Ân Thi (Hưng Yên) hay Quảng Ninh, Hải Phòng đều có nhà thờ của các chi trong họ. Vào những dịp quan trọng của 4 mùa, mọi người đều nấu xôi thắp hương.
Theo ông Phạm Tiến Với, trưởng dòng họ Phạm Tiền, khi xã hội phát triển ai nấy đều bận rộn với công việc riêng, con cháu trong họ muốn gặp mặt đông đủ rất khó. Nhưng nhờ có phong tục này, anh em, họ hàng được ngồi lại với nhau để trò truyện, động viên, chia sẻ, bảo ban lẫn nhau. “Nếu chẳng may có người trong họ ở xa gặp hoạn nạn chúng tôi đều biết để giúp đỡ, không những thế việc huy động, ủng hộ các phong trào của dòng họ, làng, xã cũng rất thuận lợi”, ông Với nói.