Độc đáo nghề làm hoa tre
Để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng, vào mỗi dịp Xuân về, dân làng Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) làm ra những bông hoa bằng tre, lấy quả dành dành trên núi nhuộm vào phần tơ bông tạo nên hàng ngàn những giò hoa tre tuyệt đẹp để dâng lên đức Thánh, cầu mong Ngài phù hộ, độ trì cho nhân dân sức khỏe, phúc lộc…
Cách Thủ đô Hà Nội chừng 40 km về phía Tây Bắc là vùng đất Sóc Sơn với quần thể di tích đền Sóc linh thiêng. Đây là một địa danh nổi tiếng, gắn liền với sự tích Thánh Gióng, người anh hùng nhỏ tuổi đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, đã trở thành một huyền thoại, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời. Ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng và tưởng niệm ngày Thánh bay về trời, người dân huyện Sóc Sơn đã mở hội từ ngày 6 - 8 tháng Giêng hàng năm. Hội Gióng đền Sóc mang đến cho người dân Sóc Sơn cũng như khách thập phương niềm vui và niềm tin vào những điều tốt đẹp đang đến vào đầu năm mới. Hội luôn chứa đựng tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa lan tỏa bao trùm lên nghi lễ thờ cúng thần, thánh; nhắc nhở, giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn: “Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn/Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về”.
Trong lễ hội nghi lễ dâng giò hoa tre của thôn Vệ Linh, xã Phù Linh là một trong những vật phẩm dâng Thánh không thể thiếu. Hoa tre trong lễ hội đền Sóc là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Đó là sự kết tinh, hội tụ tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc trong phòng, chống thiên tai, cũng như các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sau khi dâng Thánh, hoa tre sẽ được hạ lễ phát cho người dự hội để cầu may.
Chia sẻ lý do giò hoa tre là vật phẩm không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của làng, ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh cho biết, theo truyền thuyết, Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng gậy sắt, khi gậy gẫy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre để đánh giặc. Khi đánh về tới huyện Sóc Sơn thì cây tre bị dập nát, thành tơ bông. Theo đó để tưởng nhớ công ơn của Ngài vào mỗi dịp Xuân về, dân làng Vệ Linh làm ra những bông hoa bằng tre, lấy quả dành dành trên núi nhuộm vào phần tơ bông tạo nên hàng ngàn những giò hoa tre tuyệt đẹp để dâng lên đức Thánh Gióng, cầu mong Ngài phù hộ, độ trì cho nhân dân sức khỏe, phúc lộc…
Ngày nay, gia đình ông Phạm Văn Thanh (thôn Vệ Linh) vinh dự được Ban quản lý di tích Đền giao cho làm giò hoa tre dâng Thánh hàng năm. Ông Thanh cho biết, ông bắt đầu làm giò hoa tre từ năm 13 tuổi, ông được các cụ, cha ông truyền lại những kinh nghiệm quý báu từ khâu chọn tre, pha nan, kéo bông đến nhuộm màu cho giò hoa tre.
Để chuẩn bị làm giò hoa tre, người thợ phải chọn tre, chặt tre, pha tre, để thực hiện các công đoạn. Trước đây, người dân trong làng trồng rất nhiều tre để làm hoa, ngày nay nông thôn đổi mới, bà con phá tre xây tường, làm nhà nên tre rất hiếm, gia đình ông Thanh phải tìm mua tre từ nhiều nơi khác. Để làm ra được chiếc giò hoa tre đẹp phải chọn cây tre bánh tẻ, không già, không non, dóng tre phải có độ dài từ 40 - 50 cm, gốc nhỏ, ngọn nở, đốt tre không bị sần, đặc biệt là không được cộc ngọn. Các công đoạn làm giỏ hoa tre đều thực hiện bằng tay. Khi đã lựa được cây tre ưng ý, người thợ thực hiện pha nan nhỏ đều nhau, lấy dao mỏng, sắc vuốt đều bốn cạnh rồi đưa lên cầu tuốt ra thành từng sợi nhỏ. Lúc làm phải làm giò xuôi, tức là phía ngọn tre phải ở trên.
Theo ông Thanh, công đoạn tỉ mỉ và cần kỹ thuật kinh nghiệm nhất là khâu tuốt bông. Công đoạn này cần phải có hai người (một người kéo và một người giữ lưỡi tuốt). Để có bông giò hoa tre tơi, đều, mềm mại người kéo phải đẩy thanh nan đúng độ và kéo kịch ngược lại, còn người giữ lưỡi dao phải có cảm giác cữ tay thật đều, bởi nếu đặt quá sâu, người kéo rất nặng mà cánh hoa sẽ bị dày, không mềm mại, còn nếu đặt lưỡi dao quá nông thì sẽ ít tơ, dễ bị rối, hay bị gãy nát trong quá trình phơi, nhuộm và vận chuyển. Công đoạn cuối cùng là những bông hoa tre mộc trắng, sau khi phơi khô được nhuộm vàng từ một loại nước được chiết xuất từ quả dành dành lấy ở trên núi.
Nếu nghe, nhìn các thao tác làm thì đơn giản nhưng để làm ra một giò hoa tre là cả quá trình cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và cả niềm tin về những điều may mắn, tốt lành gửi gắm vào lễ phẩm dâng Thánh Gióng. Những bông giò hoa tre không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về truyền thuyết mà còn được coi như cành lộc xuân, mang lại may mắn, hạnh phúc bình an đến với mọi người. Cũng bởi lẽ đó mà bản thân được sinh ra, lớn lên dưới chân núi Sóc, được tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, với ông Thanh đó không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đối với lễ hội Gióng đền Sóc.
Gắn bó với nghề, đến nay, ông Thanh và gia đình đã làm ra khoảng 4 - 5 vạn bông giò hoa tre phục vụ lễ hội Gióng đền Sóc và các hoạt động trưng bày, giới thiệu quảng bá di sản tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
“Tôi được học, truyền nghề từ ông nội, từ bố, năm 1978 tôi đã theo, gắn bó với nghề, hiện cả gia đình tôi có 5 người đang thực hiện làm giò hoa tre. Vào dịp lễ hội, để thành một cây giò phải cắm 999 bông hoa tre, để trước cửa đình làng từ chiều mùng 5 tháng Giêng. Đúng 5 giờ sáng ngày mùng 6 tháng Giêng, gia đình cùng dân làng bắt đầu rước cây giò vào dự lễ hội đền Sóc, đó là niềm tự hào, vinh dự của người dân trong thôn chúng tôi. Trong quá trình làm, tôi vẫn luôn hướng cho thế hệ con, cháu trong làng phải giữ nghề truyền thống làm giò hoa tre, đó là tâm huyết của tôi, tôi luôn mong làng hoa dưới chân núi Sóc vẫn sẽ có người tiếp nối công việc, thổi hồn vào những cây tre Thánh Gióng. Ngoài ra bản thân sẽ không ngừng học tập nâng cao tay nghề, giữ gìn nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia bảo tồn gìn giữ nghề”, ông Thanh chia sẻ.