Độc đáo nghề chế tác Khèn của đồng bào Mông Si Ma Cai

Khèn là nhạc cụ ẩn chứa nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Mông. Vì thế, dù trải qua tháng năm, đồng bào Mông không chỉ lưu truyền các làn điệu khèn mà còn có những nghệ nhân sở hữu kỹ thuật chế tác vô cùng khéo léo, như gìn giữ hồn dân tộc mình.

Đồng bào Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống... Mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là cây khèn. Trải qua tháng năm lịch sử, đồng bào Mông không chỉ lưu truyền các làn điệu khèn mà còn có những nghệ nhân sở hữu kỹ thuật chế tác vô cùng khéo léo, như gìn giữ hồn dân tộc mình vậy.

Biểu diễn Khèn giữa đất trời vùng cao

Biểu diễn Khèn giữa đất trời vùng cao

Vượt qua cung đường quanh co, khúc khuỷu một bên là núi, một bên là vực sâu, cuối cùng chúng tôi đã tìm được nhà ông Giàng A Ly, ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian khung gỗ và gác phía trên, trình tường đất bốn xung quanh và bao bọc bởi những triền ruộng bậc thang có màu vàng óng ánh, tạo thành bức tranh mùa vàng trên non cao thật đẹp.

Cặm cụi với những ống tre, mẩu gỗ ở một góc tầng 1, Giàng A Khai, con của ông Ly đã trở thành nghệ nhân chế tác khèn của huyện dù mới hơn 30 tuổi. "Tre mình phải chọn khúc đều nhau thì nó kêu cùng một tiếng. Nếu như nó to hơn thì nó sẽ kêu dài hơn, bé hơn thì nó sẽ nhẹ hơn... Còn nếu như non quá thì nó sẽ không dùng được lâu, phải dài mới dùng được lâu. Nhưng thông thường thì ai cũng thích là già thôi. Khoảng 5 năm trở lên làm rất tốt".

Mỗi ngày, Giàng A Khai chỉ làm được 1 chiếc khèn, nhưng cái nào cũng cho tiếng kêu hay và ai cũng thích. Giàng A Khai chia sẻ, người Mông thích thổi khèn, thích múa khèn và nghe tiếng khèn, bởi khèn thể hiện lịch sử của dân tộc, tình mẫu tử, nghĩa tình anh em và lẽ sống làm người của dân tộc Mông. Có lẽ cũng vì vậy mà già trẻ, lớn bé, ai cũng canh cánh giữ hồn dân tộc qua tiếng khèn. Giàng A Khai cho biết, thổi khèn và múa khèn đã khó, làm khèn kêu được còn khó hơn bởi cần phải có kỹ thuật và thực sự có niềm đam mê.

Cũng ở huyện Sín Chéng, nghệ nhân Tráng A Hòa không chỉ vừa chế tác khèn mà còn truyền dạy nghệ thuật múa khèn cho lớp trẻ. Ông cho biết, khèn của người Mông thường có hai loại, loại khèn có âm thanh trầm bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài. Loại khèn ngắn thường được các dòng Mông Hoa, Mông Lềnh… sử dụng nhiều do phù hợp với âm điệu và tiếng của các dòng Mông này. Còn với loại khèn dài lại được người Mông Trắng sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai loại khèn này đều được thổi như nhau và các bài khèn khi thổi lên cũng có âm sắc như nhau, chỉ khác là âm thanh sẽ thấp hay cao theo tiếng nói của từng dòng Mông. Trong mỗi buổi lên lớp, ông đều hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật chế tác và nghệ thuật biểu diễn cho các em trong thôn.

"Vừa là nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa là lưu giữ truyền thống dân tộc nên tôi đã tổ chức để các cháu học khèn của người Mông. Thời gian dạy thì sẽ thường là vào thứ bảy, chủ nhật hoặc thời gian tôi rảnh trong ngày. Một số cháu ở luôn tại nhà nên việc dạy cũng rất là tiện..." - Anh Tráng A Hòa chia sẻ.

Cho con tham gia lớp học chế tác khèn, múa khèn của nghệ nhân Tráng A Hòa, anh Cháng A Dìn, một phụ huynh chia sẻ, khi còn chưa lọt lòng mẹ đã được nghe tiếng khèn Mông của ông cha. Rồi khi lớn lên lại được nghe tiếng khèn trên nương hay trong phiên chợ... Bây giờ, anh muốn con mình cũng phải gìn giữ, bảo tồn truyền thống ấy: "Tôi muốn cho con cùng với các bạn học cái khèn này để cũng là một phần nào đấy giữ được bản sắc. Ngoài thầy dạy ra thì mình về nhà phải nhắc con ôn luyện thêm...".

Thời gian qua, thực hiện các Dự án do Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai tổ chức, các nghệ nhân khèn của huyện Si Ma Cai đã nhiệt tình tham gia các lớp truyền dạy để lưu giữ linh hồn của người Mông. Theo ông Lý Quang Dín, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai thì học khèn không phải chỉ biết múa cho đẹp, cho hay, mà quan trọng là phải thể hiện điều mình muốn nói, muốn bày tỏ qua từng tiếng khèn, điệu múa đến với người xem, người thưởng thức.

"Thì đây cũng là một trong những nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống của cộng đồng, được cha ông truyền lại cho thế hệ trẻ từ làm khèn cho đến lưu giữ, thổi khèn... Huyện đã chỉ đạo các xã tiếp tục phát huy, lưu giữ, khai thác sâu hơn trong thời gian tới...." - Ông Lý Quang Dín cho biết.

Nhiều năm qua, việc gìn giữ, phát triển cây khèn của đồng bào Mông ở huyện Si Ma Cai, Lào Cai đã được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bằng nhiều hình thức như tổ hợp tác sản xuất khèn Mông, mở lớp truyền dạy chế tác khèn... góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào Mông mà còn lan tỏa, trở thành các sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Đình Châu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-nghe-che-tac-khen-cua-dong-bao-mong-si-ma-cai-post1156775.vov
Zalo