Doanh thu từ du lịch của Hà Nội dịp nghỉ lễ 2-9 đứng thứ 2 cả nước
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 (từ 31-8 đến 3-9), ước tính ngành Du lịch cả nước phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Những địa phương có nguồn thu tăng cao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, kỳ nghỉ lễ 2-9 kéo dài 4 ngày, được coi là cao điểm cuối cùng trong mùa du lịch hè 2024. Ước tính, 4 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch cả nước phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023).
Do thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 980.000 lượt khách (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023); Hà Nội: 672.900 lượt (tăng 5%); Khánh Hòa: 578.219 lượt (tăng 2%); Bà Rịa - Vũng Tàu: 555.984 lượt (tăng 4,0%); Quảng Ninh: 455.000 lượt (tăng 19%); Thanh Hóa: 395.700 lượt (tăng 20,4%); Bình Thuận: 385.000 lượt (tăng gấp 3,3 lần)…
Điều đáng nói, số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound sắp tới. Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Một số địa phương ghi nhận lượng khách quốc tế cao là: Đà Nẵng ước đón 91.000 lượt khách (tăng 15,3%); Hà Nội ước đón hơn 58.900 lượt (tăng 35,8%); Khánh Hòa tiếp nhận 254 lượt chuyến bay quốc tế với trên 48.000 lượt khách; thành phố Hồ Chí Minh ước đón 38.800 lượt khách (tăng 3,2% so với cùng kỳ); Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 25.560 lượt khách; Thừa Thiên - Huế ước đón 16.000 lượt khách lưu trú (tăng 54,3%); Kiên Giang ước đón 15.570 lượt khách (tăng 271,4%); Lào Cai ước đón hơn 13.470 lượt, tăng 46,4%…
Một số tỉnh có nguồn thu du lịch cao trong đợt nghỉ lễ năm nay gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh là 3.000 tỷ đồng, Hà Nội là 2.200 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1.200 tỷ đồng, Quảng Ninh là 1.000 tỷ đồng…
Để đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã phối hợp cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, các chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách.
Nổi bật là tại Mộc Châu (Sơn La) tổ chức Tuần văn hóa, du lịch “Tiếng gọi mùa yêu”. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với phiên chợ vùng cao “Vui Tết Độc lập”. Mù Căng Chải (Yên Bái) với chương trình nghệ thuật “Dáng hình đất nước” và tổ chức Lễ hội Sơn Tra. Núi Bà Đen (Tây Ninh) sôi động với các hoạt động du lịch “săn mũ mây trắng”. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức lễ hội khinh khí cầu. Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương phố thương mại - ẩm thực…
Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành có sự chuẩn bị từ sớm cùng với việc tiếp tục áp dụng chương trình kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá đã góp phần tạo nên một mùa nghỉ lễ sôi động cuối cùng trong năm.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để đảm bảo các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có Công văn số 1887/CDLQGVN-VP gửi tới các sở du lịch, sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chuẩn bị các điều kiện đón khách; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch; tổ chức các sự kiện kích cầu, khuyến mại, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch…