Doanh thu tài chính - điểm sáng của loạt công ty địa ốc
Điểm nổi bật trong kỳ báo cáo tài chính này là doanh thu tài chính - điểm sáng giúp nhiều doanh nghiệp giữ mức lợi nhuận dương trong quý II/2024.
Sau nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã có những chuyển dịch khởi sắc. Điều này thể hiện ở tiến trình phục hồi với nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, kết quả giao dịch đạt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) liên tục thiết lập mặt bằng cao.
Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023.
Dù đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, song giới chuyên gia nhìn nhận thị trường địa ốc năm 2024 vẫn còn rất nhiều thách thức. Nền kinh tế vĩ mô nhìn chung phục hồi, song tình trạng “sức khỏe” các doanh nghiệp nhóm này còn yếu, việc tháo gỡ chính sách vẫn rất chậm và triển vọng mới chưa thực sự rõ ràng.
Điều này phần nào thể hiện qua báo cáo tài chính quý II/2024 của loạt doanh nghiệp địa ốc. Quan sát cho thấy, điểm nổi bật trong kỳ báo cáo tài chính này là doanh thu tài chính được coi là điểm sáng giúp nhiều doanh nghiệp giữ được mức lợi nhuận dương.
Trường hợp đầu tiên có thể kể đến là CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC) khi thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến và không còn lỗ hoạt động khác. Cụ thể, doanh thu quý II/2024 của TDC đạt 115,03 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn hàng bán, lãi gộp công ty còn gần 33 tỷ đồng, tương đương giảm gần 3%.
Tương tự, CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cũng phải nhờ tới doanh thu hoạt động tài chính 250 tỷ đồng (tăng mạnh gấp 6,24 lần so với quý II/2023) mới không báo lỗ trong kỳ báo cáo tài chính quý II/2024.
CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng là trường hợp khác “sống nhờ” hoạt động tài chính. Có thể thấy, doanh thu thuần quý II/2024 của đơn vị này chỉ vỏn vẹn 8,25 tỷ đồng, song với việc doanh thu hoạt động tài chính (lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết) lên đến gần 202,5 tỷ đồng, công ty báo lãi ròng 49,7 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp trên sàn vẫn thường dựa vào doanh thu tài chính là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, UPCoM: VEF) - công ty con của Tập đoàn Vingroup. Trong quý II/2024, VEFAC đã ghi nhận hơn 148 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Khoản mục này đến từ lãi cho vay và hoạt động đầu tư. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VEFAC đem về tổng cộng 545 triệu đồng doanh thu, lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng.
Ngoài các trường hợp kể trên, còn là trường hợp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland (HoSE: NVL), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG)…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận dòng tiền kinh doanh của các công ty bất động sản phần lớn là âm do doanh nghiệp không thể giải phóng lượng hàng tồn kho cao. Khi không bán được dự án, doanh nghiệp buộc phải thoái vốn hoặc chuyển nhượng để dòng tiền đầu tư dương, qua đó cân đối lại được dòng tiền cả năm.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường bất động sản. Một số luật liên quan tới lĩnh vực này dù đã được ban hành, song vẫn chưa có hiệu thực thi hành và thị trường vẫn ngóng chờ các thông tư, nghị định hướng dẫn. Do đó, tôi nghĩ sẽ cần thời gian để thị trường địa ốc có những tác động, chuyển dịch tích cực”, ông Minh nói.
Không những thế, ông còn nhấn mạnh vào nguồn vốn huy động của các công ty địa ốc. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản khó huy động vốn mới để triển khai dự án khi niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý II/2024 dù biến chuyển tích cực nhưng cơ bản vẫn chưa đủ để doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu.