Doanh số hàng xa xỉ có nguy cơ lần đầu sụt giảm kể từ năm 2008
Doanh số hàng xa xỉ được dự đoán sẽ giảm 2% từ mức ước tính 369 tỷ euro của năm nay xuống còn 363 tỷ euro vào năm tới, do giá các thương hiệu tăng mạnh và sự bất ổn toàn cầu.
Theo một nghiên cứu mới đây của hãng tư vấn Bain, doanh số hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong năm 2025, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ cuộc đại suy thoái.
Triển vọng này có thể xấu hơn nữa nếu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mà ông Donald Trump cam kết.
Ông Claudia D’Arpizio, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết chính sách thuế này có thể là một “cơn ác mộng,” vì nó sẽ khiến các thương hiệu châu Âu trở nên siêu đắt đỏ trong một môi trường giá đã rất cao từ trước đó.
Ông Trump đã cam kết áp thuế lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu, vì cho rằng biện pháp này sẽ tạo ra việc làm trong các nhà máy, giảm thâm hụt ngân sách liên bang và giảm giá lương thực.
Mặc dù nghiên cứu không đề cập đến tác động của mà thuế quan, bà D’Arpizio cho biết ảnh hưởng đối với các nhà sản xuất hàng xa xỉ châu Âu sẽ phụ thuộc vào cách thức áp thuế đối với ngành hàng này, nếu có.
Bà lưu ý rằng việc thiếu các sản phẩm xa xỉ thay thế của Mỹ có thể giúp ngành hàng này của châu Âu được miễn trừ thuế quan.
Bất kỳ tác động tiêu cực nào cũng có thể được bù đắp bằng cách chuyển sản xuất sang Mỹ, hoặc tăng cường doanh số bán hàng cho khách du lịch Mỹ tại châu Âu.
Mỹ là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai, sau châu Âu, với trị giá khoảng 100 tỷ euro (106 tỷ USD), tương đương gần 1/3 tổng doanh số toàn cầu từ phân khúc cao cấp của các ngành hàng may mặc, đồ da và giày dép.
Bain cho biết doanh số hàng xa xỉ được dự đoán sẽ giảm 2% từ mức ước tính 369 tỷ euro của năm nay xuống còn 363 tỷ euro vào năm tới, do giá các thương hiệu tăng mạnh và sự bất ổn toàn cầu.
Ngành này đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, với doanh số năm 2022 đã vượt qua con số của năm 2019, phần lớn nhờ hoạt động chi tiêu bùng nổ sau khi bị dồn nén trong thời gian đại dịch.
Ngay cả khi doanh số năm tới giảm nhẹ nhưng dự đoán, thị trường hàng xa xỉ vẫn cao hơn 28% so với năm 2019 và gấp hai lần rưỡi so với mức thấp nhất từng ghi nhận trong cuộc Đại Suy thoái năm 2008.
Bà D’Arpizio cho biết những bất ổn về chính trị và xã hội, bao gồm cả những xung đột quân sự và một loạt các cuộc bầu cử ở nhiều nước, đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, sự thiếu tính mới lạ của các thương hiệu cũng tác động tiêu cực đến mong muốn mua hàng, ngay cả đối với những người tiêu dùng giàu có.
Kết quả là thị trường hàng xa xỉ đã đánh mất 50 triệu khách hàng, đánh dấu lần đầu tiên cơ sở khách hàng giảm xuống, còn khoảng 250-360 triệu người./.