Doanh nhân viết sách: 'Teamwork' để biến ý tưởng trở nên tuyệt vời
Nhiều doanh nhân mong muốn có được cuốn sách của riêng mình, nhưng rào cản lớn là tâm lý e ngại không có đủ thời gian. Thực tế ra mắt một cuốn sách do doanh nhân làm tác giả không phải là việc của một người, mà là công việc 'teamwork'.
“Doanh nhân viết sách và tạo ra những cuốn sách giá trị, góp phần vào sự phát triển văn hóa doanh nghiệp” - ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Sách Doanh nhân do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thành lập nhấn mạnh. Theo ông Hải, những cuốn sách của doanh nhân không chỉ là tài liệu quý báu cho thế hệ tiếp nối mà còn giúp lan tỏa những bài học kinh nghiệm, kiến thức và tinh thần doanh nhân cho xã hội.
“Mức độ quan tâm của doanh nhân Việt Nam đến việc viết sách đang tăng nhưng vẫn còn giới hạn so với tiềm năng”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books), thành viên Hội đồng Sách Doanh nhân chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn khi nói về chủ đề khuyến khích doanh nhân viết sách.
Với việc xuất bản nhiều tựa sách của doanh nhân Nguyễn Phi Vân, Lê Thị Thanh Lâm, Nhan Húc Quân, Nguyễn Trần Quang, Nguyễn Thanh Mỹ, Hồ Văn Trung, Trần Tiến Công, Nguyễn Dương, Cherry Vũ, Đặng Đức Thành, Lan Bercu, Lệ Hồng, Bùi Xuân Phong, Group Quản trị và Khởi nghiệp…, Saigon Books là một trong những công ty xuất bản nhiều sách của doanh nhân viết nhất tại thời điểm hiện nay. Theo quan sát của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, một số doanh nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm qua sách, nhưng phần lớn vẫn e ngại hoặc chưa đủ thời gian để thực hiện.
Cuốn sách là “tấm danh thiếp mở rộng” của doanh nhân
Chủ tịch Saigon Books đánh giá, việc viết sách giúp ích cho doanh nhân cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp, vì góp phần khẳng định uy tín, tên tuổi và chuyên môn của tác giả. Ông ví von một cuốn sách giống như “tấm danh thiếp mở rộng” để doanh nhân xây dựng thương hiệu cá nhân, đồng thời truyền tải giá trị đến cộng đồng, tạo thêm nguồn thu nhập thụ động từ tiền tác quyền, tự phát triển bản thân, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, kết nối và thu hút cơ hội mới.
Ở quy mô văn hóa doanh nghiệp, tầm quan trọng của việc doanh nhân viết sách cũng được TS. Quách Tuấn Khanh - Chủ tịch Power UP Group về đào tạo và phát triển con người, tác giả của 5 tựa sách nhấn mạnh. Lợi ích đầu tiên khi nhà sáng lập hoặc người chủ viết sách là giúp công ty tăng uy tín trên thương trường. Xu hướng tạo danh tiếng cho công ty thông qua sách của nhà lãnh đạo rất phổ biến trên thế giới, có thể kể đến như Alibaba với của dấu ấn doanh nhân Jack Ma, hay Tesla với doanh nhân Elon Musk…
“Không có một doanh nghiệp lớn nào ngày nay không được người ta nhắc tên nhà sáng lập” tiến sĩ Khanh nói với Doanh Nhân Sài Gòn.
Bên cạnh đó, khi một doanh nhân viết sách thì tâm huyết, nguyện vọng và các giá trị lãnh đạo của họ sẽ được thể hiện rõ. Đó là cách hiệu quả để thu hút thêm nhà đầu tư. Bởi vì nói cho cùng thì nhà đầu tư sẽ tìm đến nơi phải vừa có tiềm năng vừa đáng tin cậy. Và nhân cách của lãnh đạo chính là yếu tố cốt lõi tạo nên niềm tin đó. Vì khi viết sách, họ đã “dám nói lên suy nghĩ của mình”. Đặc biệt, ra sách cũng giúp doanh nhân thu hút thêm nhân tài muốn làm việc cùng họ. Ở góc độ sâu sắc hơn, việc này còn giúp thể hiện được tầm vóc tư tưởng của chính doanh nhân.
Chỉ cần có ý tưởng, rồi biến nó trở nên tuyệt vời
Dày dạn kinh nghiệm đào tạo tại nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, TS. Quách Tuấn Khanh quan sát thấy rất nhiều doanh nhân sở hữu chất liệu nội dung thú vị, nhưng lại e ngại mình không có thời gian ngồi xuống viết sách.
“Tôi muốn phân biệt viết sách với ra sách. Doanh nhân muốn trở thành tác giả sách không đồng nghĩa buộc phải ngồi viết”, ông khẳng định quan điểm và cho biết thêm, thực tế ra sách là công việc “teamwork” của nhiều người: “ai có nội dung thú vị thì nói ra, ai giỏi viết thì chấp bút, ai nhiều kinh nghiệm biên tập thì biên tập…”. Do đó, ông Khanh đề xuất thay đổi góc nhìn từ “viết sách” thành “ra sách” để doanh nhân dễ vượt qua rào cản tâm lý ban đầu.
Tính đến nay, TS. Quách Tuấn Khanh đã là tác giả của 5 tựa sách: “Tôi vận dụng luật hấp dẫn như thế nào?”, “52 tuần đưa luật hấp dẫn vào cuộc sống”, “Vitamin cho tinh thần”, “Vitamin cho thành công”, và “Bí quyết trình bày từ các chuyên gia”.
Chia sẻ về bí quyết ra sách “năng suất”, ông khẳng định từ khóa quan trọng vẫn là “teamwork” - ra một cuốn sách là công việc của nhiều người. Thực tế, ông không phải là người trực tiếp viết mà hợp tác cùng một copywriter chuyên nghiệp và có đội ngũ đồng hành để xuất bản sách. Tương tự, hành trình trở thành tác giả nhiều cuốn sách của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp tại Saigon Books.
“
Để ra được sách, doanh nhân không cần phải “thu xếp thời gian” mà cần “thu xếp và dọn mình” để giải quyết được “mindset”: Tôi ra được sách, tôi đủ tư cách ra sách, tôi có thẩm quyền để ra sách, tôi là chuyên gia của cuộc đời tôi!
TS. Quách Tuấn Khanh - Chủ tịch Power UP Group
Tuy nhiên, để chuẩn bị, ông Quỳnh duy trì việc viết báo thường xuyên và viết các dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội Facebook mỗi ngày để có sẵn chất liệu cho các cuốn sách của mình. Ông dành 30 - 60 phút mỗi buổi sáng để phát triển kỹ năng viết, thường xuyên ghi nhanh ý tưởng từ cuộc sống và hoạt động kinh doanh vào điện thoại hoặc sổ tay. “Tôi xem viết sách như một phần sứ mệnh của mình nên dễ duy trì động lực dù lịch trình công việc bận rộn”, ông Quỳnh nói.
Chia sẻ "bí kíp" ra sách đều đặn, TS. Quách Tuấn Khanh đúc kết: để ra được sách, doanh nhân không cần phải “thu xếp thời gian” nữa mà cần “thu xếp và dọn mình” để giải quyết được “mindset”. Họ chỉ cần đơn giản là có một ý tưởng về sách và phối hợp với nhiều người khác để làm cho ý tưởng đó trở nên tuyệt vời.
“Tôi ra được sách, tôi đủ tư cách ra sách, tôi có thẩm quyền để ra sách, tôi là chuyên gia của cuộc đời tôi, không ai rành rọt cuộc đời tôi bằng tôi!” chính là niềm tin vững chắc cần có, theo TS. Khanh.