Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh: Hiện thực hóa giấc mơ đưa nông sản Việt vươn xa

Nửa thế kỷ qua, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh có một hành trình gắn bó chặt chẽ với sự chuyển mình của đất nước. Từ tuổi thơ ở nơi vùng quê nghèo khó, ông bước vào thương trường với giấc mơ lớn - đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh

Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh

1.

Năm 2025, đất nước tròn nửa thế kỷ thống nhất, cũng là chặng đường ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, đã lớn lên và trưởng thành cùng những đổi thay của dân tộc. Nửa thế kỷ không quá dài so với dòng chảy lịch sử, nhưng đủ để in hằn những đổi thay sâu sắc, đủ để viết nên câu chuyện về sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ từ những gì giản dị nhất.

“Tôi may mắn sinh ra vào thời điểm lịch sử đất nước bước sang trang mới, khi Việt Nam thống nhất. Với tôi, đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao trong suốt hành trình cuộc đời và sự nghiệp”, ông Thông mở đầu câu chuyện.

Ông lớn lên giữa bầu không khí tái thiết đất nước. “Tôi được chứng kiến cha mẹ và bà con lối xóm làm việc không mệt mỏi để xây dựng lại cuộc sống sau chiến tranh. Chính những điều ấy đã gieo trong tôi tinh thần phấn đấu, sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc - những giá trị mà tôi luôn mang theo trong hành trình kinh doanh sau này”, ông Thông nói.

Doanh nhân Phan Minh Thông có một tình yêu với nông sản mãnh liệt. Điều đó thôi thúc ông phải làm điều gì đó để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam, để những giọt mồ hôi của nông dân được chuyển hóa thành những sản phẩm chất lượng, vươn xa thế giới.

Năm 2001, Phúc Sinh chính thức được thành lập. Ông Thông khi đó mới 26 tuổi. Khởi nghiệp từ số vốn hạn chế, ông phải tự học mọi thứ, từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, đến quản lý tài chính.

Thậm chí, có những ngày, ông vừa là giám đốc, vừa là nhân viên kinh doanh... Ông cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục đối tác quốc tế tin tưởng vào chất lượng của nông sản Việt Nam, bởi họ đã quen với những tên tuổi lớn từ các quốc gia khác.

Làm việc với nông dân thời điểm đó cũng là một thách thức lớn, bởi không dễ thay đổi tư duy và thói quen canh tác truyền thống. Nhưng ông luôn tin rằng, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ông dành nhiều thời gian xuống các vùng trồng, trực tiếp trao đổi, hướng dẫn họ về kỹ thuật và đặc biệt là giúp họ hiểu giá trị của việc làm ra sản phẩm chất lượng cao.

Có những lúc, ông tưởng chừng không thể vượt qua, nhất là khi gặp khó khăn tài chính hay bị cạnh tranh khốc liệt. Nhưng ông luôn tự nhắc mình rằng, vấn đề không chỉ là xây dựng một doanh nghiệp, mà còn là tạo sự thay đổi, là giúp nông dân có cuộc sống tốt hơn và đưa sản phẩm Việt Nam chinh phục thế giới.

“Ý chí đó chính là động lực lớn nhất giúp tôi vượt qua mọi thử thách”, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh chiêm nghiệm. Trên thị trường, Phúc Sinh được xem là "vua tiêu" khi doanh nghiệp này công bố chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu toàn thế giới từ năm 2007 đến nay. Công ty cũng đẩy mạnh sang ngành cà phê, với thị trường xuất khẩu chủ yếu ở châu Âu.

2.

Ở tuổi ngũ tuần - cột mốc đủ để nhìn lại và nghĩ về chặng đường phía trước, ông Thông đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn của đất nước qua các giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn đều có những tác động sâu sắc đến lĩnh vực nông sản và xuất khẩu của Việt Nam. Những thay đổi này không chỉ tạo ra thách thức, mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn, đặc biệt với doanh nghiệp như Phúc Sinh.

Giai đoạn 1975 - 1986, Việt Nam còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, sản xuất nông nghiệp lạc hậu và thiếu tính thương mại. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mà nông dân bắt đầu định hình lại cuộc sống và sản xuất, chuẩn bị nền tảng cho sự thay đổi lớn về sau. Chính trong giai đoạn này, ông nhận ra tiềm năng to lớn của nông sản Việt Nam và nuôi dưỡng ý tưởng đưa sản phẩm của chúng ta ra thế giới.

Nếu có thể gửi một thông điệp đến thế hệ tương lai của Việt Nam vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tôi muốn nói rằng, hãy tự hào về nguồn cội và truyền thống của dân tộc, nhưng đồng thời cũng phải dũng cảm thay đổi và sáng tạo để xây dựng một tương lai vững mạnh hơn. Tôi tin, thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần kiên cường, sáng tạo và yêu nước, góp phần tạo nên một Việt Nam phát triển bền vững và vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.

- Doanh nhân Phan Minh Thông

Chính sách Đổi mới năm 1986 là bước ngoặt lớn. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường đã giải phóng sức sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản bắt đầu khởi sắc, các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu dần chiếm vị trí trên thị trường quốc tế.

Nhưng khi đó, nông sản Việt Nam vẫn còn xuất thô là chính, giá trị gia tăng thấp và chưa có thương hiệu. Đây chính là thời điểm ông quyết định thành lập Phúc Sinh, với mục tiêu không chỉ xuất khẩu, mà còn tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, gắn liền với chất lượng và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Giai đoạn 2000 - 2007 (khi Việt Nam gia nhập WTO), Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu nông sản. Thị trường mở rộng, cơ hội tiếp cận công nghệ và vốn đầu tư ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn. Khách hàng quốc tế yêu cầu cao hơn về chất lượng, quy trình sản xuất và trách nhiệm xã hội.

Phúc Sinh đã tận dụng giai đoạn này để đầu tư mạnh vào công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance (RA) và xây dựng chuỗi giá trị bền vững. “Chúng tôi không chỉ xuất khẩu, mà còn tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam, như cà phê, hồ tiêu hay trà Cascara Blue Son La độc quyền từ Sơn La”, ông Thông nói.

Chủ tịch Công ty Phúc Sinh nhìn nhận, thời kỳ hiện nay là tăng trưởng xanh và bền vững. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm, mà còn chú trọng nguồn gốc, quy trình sản xuất và tác động đến môi trường. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam như Phúc Sinh dẫn đầu bằng cách đầu tư vào nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và ESG.

Chẳng hạn, Phúc Sinh áp dụng công nghệ sấy lạnh từ Colombia để sản xuất trà Cascara - không chỉ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Công ty cũng làm việc trực tiếp với nông dân để cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường, giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mang theo câu chuyện về sự bền vững và nhân văn.

Những thay đổi lớn của đất nước qua từng giai đoạn đã tạo ra nhiều cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển nông sản và xuất khẩu. Phúc Sinh luôn tìm cách thích nghi và tận dụng cơ hội từ những thay đổi đó, không ngừng đổi mới để đưa nông sản Việt Nam vươn xa, giữ vững bản sắc và giá trị cốt lõi.

3.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, thế hệ doanh nhân với khát vọng và tầm nhìn đổi mới sẽ là lực lượng tiên phong, góp phần quan trọng đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ. Nói như ông Phan Minh Thông, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa nông sản nước nhà vươn ra thế giới.

Ông nói, thế hệ của ông đã trưởng thành trong giai đoạn đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Đây là một thời kỳ khó khăn, nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Đổi mới kinh tế năm 1986 đã mở ra cánh cửa cho tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân và chính ông là một trong những người tiên phong tận dụng cơ hội ấy.

“Cá nhân tôi và nhiều doanh nhân cùng thế hệ đã góp phần không nhỏ trong việc hiện đại hóa các ngành nghề truyền thống, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và đưa sản phẩm của đất nước vươn xa trên thị trường quốc tế”, ông Thông nói.

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam. Họ đã đưa công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bằng cách này, họ không chỉ tăng năng suất và giá trị xuất khẩu, mà còn cải thiện đời sống của hàng triệu nông dân và lao động trong nước.

Riêng Phúc Sinh đã đầu tư vào các vùng nông nghiệp như Sơn La, hỗ trợ nông dân áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận những thị trường khó tính nhất. Những dự án này vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương.

Trong hành trình cuộc đời mình, doanh nhân Phan Minh Thông nhận ra rằng, giá trị sống quan trọng nhất mà ông học được là sự kiên trì và lòng biết ơn. “Chúng tôi không chỉ xuất khẩu sản phẩm, mà còn mang theo hình ảnh và câu chuyện của đất nước - một Việt Nam giàu truyền thống, năng động và đang vươn mình mạnh mẽ.

Mỗi sản phẩm Phúc Sinh đưa ra thị trường quốc tế đều chứa đựng niềm tự hào dân tộc và tinh thần đổi mới của thế hệ chúng tôi”, ông Thông tự hào nói.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-phan-minh-thong-chu-tich-hdqt-cong-ty-co-phan-phuc-sinh-hien-thuc-hoa-giac-mo-dua-nong-san-viet-vuon-xa-d242730.html
Zalo