Doanh nhân Nguyễn Duy Hà: 'Cánh hoa trên đường dài luôn đẹp hơn vòng nguyệt quế cuối con đường'

Sau hành trình vươn lên từ vị thế 'dưới mặt đất' (không vốn, không kinh nghiệm, tệp khách hàng mỏng), doanh nhân Nguyễn Duy Hà rút ra triết lý: 'Những cánh hoa trên đường dài luôn có vẻ đẹp hơn vòng nguyệt quế ở cuối con đường'.

Doanh nhân Nguyễn Duy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SBI.

Doanh nhân Nguyễn Duy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SBI.

Lập nghiệp từ tay trắng

Là một người con vùng quan họ Bắc Ninh, với mong muốn tìm đường tiến thân tại miền Nam, sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành xuất nhập khẩu tại TP.HCM, Nguyễn Duy Hà có cơ hội làm việc tại một công ty về vận tải, vận chuyển hàng hóa từ Sài Gòn ra Bắc.

“Thời điểm đó, các địa phương phía Bắc, đặc biệt là quê hương Bắc Ninh của tôi, hút vốn đầu tư ngoại rất nhiều, nên ngành vận chuyển hàng hóa phát triển rất mạnh, càng thôi thúc tôi phải làm gì đó đóng góp cho quê nhà”, ông Hà nói về chuỗi ngày khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Hội tụ đủ các yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nên đến năm 2010, Công ty cổ phần SBI ra đời. 5 năm sau đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Người sáng lập SBI kể, khởi nghiệp với bàn tay trắng và chỉ có niềm tin, ông phải đi “vay nóng” để đầu tư, vì không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, chỉ là doanh nghiệp nhỏ, nên SBI không được ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Vì vậy, 2010-2015 là giai đoạn mà doanh nghiệp có thể bị phá sản bất cứ lúc nào.

TRÒ CHUYỆN CÙNG DOANH NHÂN NGUYỄN DUY HÀ

Thưa ông, có một điều đặc biệt là ông luôn nói nhiều về việc đọc sách, vậy đọc sách giúp gì cho những thành công của ông ở hiện tại?
Có thể nói, nhờ đọc sách mà tôi có được kiến thức, tầm nhìn và chiến lược để giúp doanh nghiệp thành công, vượt qua nhiều khó khăn.

Mỗi ngày ông dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc sách và ông thường đọc những loại sách gì?
Tôi là người nghiện sách, có thời điểm vì mê đọc sách tôi xém phải bỏ thi tốt nghiệp. Những loại sách tôi hay đọc là về triết lý cuộc sống, cách để khởi nghiệp, kinh doanh thành công. Một ngày tôi dành từ 1-2 tiếng để đọc sách hoặc viết lách. Không chỉ đọc mà tôi còn viết sách.

Câu nói nào mà ông thấy tâm huyết nhất?
Mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có sứ mệnh riêng, ai nhìn thấy và theo đuổi được thì sẽ được tái sinh. Mỗi người đều tiềm ẩn năng lực rất lớn, ai có đủ khát vọng, đam mê, thì sẽ hiện thực hóa thành công.

Những ngày mới thành lập, vốn ít, nhân lực chưa có, nên SBI chỉ đảm nhận những chuyến hàng vận chuyển nội địa nhỏ lẻ bằng xe tải. Chưa có khách hàng, bản thân người sáng lập Công ty phải đích thân đến “gõ cửa” từng doanh nghiệp để giới thiệu về những dịch vụ của Công ty. Ngay cả khi ký được hợp đồng, đi vào vận hành, Công ty cũng phải thuê nhân lực, chứ chưa tự cung ứng được như hiện nay.

“Giai đoạn này, tôi ví công ty ở vị thế ‘dưới mặt đất’ vì không có vốn, không kinh nghiệm, tệp khách hàng mỏng… Chưa có đối tác, những ngày đầu mình đi làm như một nhân viên tiếp thị, thậm chí trực tiếp đến các công ty để chào hàng, tiếp thị dịch vụ. Ban đầu, chúng tôi chỉ vận chuyển hàng hóa đơn thuần từ đơn vị này đến đơn vị kia bằng xe tải trong nội địa”, ông Hà nhớ lại.

Tự mình lớn lên

Năm 2016, phong trào khởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ và Nguyễn Duy Hà lọt vào top 10 doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu thời điểm đó. Việc được gia nhập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, kiến thức cùng cộng đồng các doanh nghiệp trẻ thành công tiêu biểu trên cả nước là bước ngoặt đưa SBI phát triển theo chiều hướng đi lên. “Kinh doanh là cơ hội tốt nhất để tôi hoàn thiện bản thân”, ông nói.

Sau nhiều thất bại, doanh nhân 8X tự vươn lên nhờ rút ra được triết lý rằng: “Những cánh hoa trên đường dài luôn có vẻ đẹp hơn vòng nguyệt quế ở cuối con đường”. Với ông Hà, hành trình quan trọng hơn đích đến. Phải biết thưởng thức cả những thất bại, khó khăn trên con đường mà mình từng đi qua rồi cũng sẽ đi đến thành công là cách mà vị doanh nhân này quan niệm trong quá trình kinh doanh.

Nhận thấy logistics là một ngành không giới hạn và có khả năng mở rộng ra quốc tế nếu biết cách phát triển, nên hướng kinh doanh này đối với ông Hà là lựa chọn chủ động. Từ lúc thành lập công ty, ông ví mình đang ở vị trí “dưới mặt đất” và luôn phải vươn lên.

Thực trạng thị trường logistics Việt Nam trong khoảng 30 năm nay là đa phần lợi nhuận rơi vào tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Hà, các doanh nghiệp nội địa như SBI cũng đang dần phát triển mạnh mẽ.

“Với riêng SBI, nhờ lợi thế khởi nghiệp tại quê hương, niềm tin xây dựng doanh nghiệp trên chính quê hương cộng với những đúc kết kinh nghiệm qua những trải nghiệm, thất bại và kiến thức góp nhặt từ những cuốn sách, nên tôi có được tầm nhìn xa hơn, đưa ra được các chiến lược đúng đắn hơn”, doanh nhân 8X nói về ưu thế của bản thân trong việc chèo lái doanh nghiệp vươn lên.

Dù nhận định, miếng bánh thị phần logistics rất lớn, hầu hết lại rơi vào tay doanh nghiệp ngoại, song người sáng lập SBI khẳng định, chiến lược kinh doanh mà mình lựa chọn là không cạnh tranh với các “ông lớn”, mà tự lớn lên, tự tạo ra hệ sinh thái của mình, không đi theo hướng cạnh tranh, đấu đá đơn thuần.

“SBI chọn ‘tự lớn lên’ bằng cách ứng dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp, gồm vận hành, quản trị, kế toán qua các công nghệ hiện đại”, ông Hà nói và lý giải, thực tế hiện nay, sân chơi logistics đã không còn có chỗ đứng cho các doanh nghiệp bán chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, không có chiều sâu, không đầu tư công nghệ, quản trị.

Doanh nghiệp Việt Nam ngày lớn mạnh và thực hiện những việc lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thay vì làm các việc nhỏ, nặng nề, thủ công như trước, nhiều doanh nghiệp đã có thể tự chủ trong xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi nước ngoài và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn.

Trở thành doanh nghiệp ngàn tỷ vào năm 2028

Từ năm 2016 đến nay, SBI hoạt động ổn định và phát triển theo chiều hướng đi lên. Từ chỗ phải vay vốn để hoạt động, đến nay, quy mô vốn của doanh nghiệp đã lên đến con số hàng trăm tỷ đồng, các chi nhánh rải khắp đất nước.

Hiện 200 phương tiện vận tải, 200 nhân lực của Công ty phủ sóng cả nước, cung ứng dịch vụ logistics toàn diện nội địa lẫn quốc tế như vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, quản lý cho thuê kho bãi… “Mục tiêu đến năm 2028, SBI sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô doanh thu hàng ngàn tỷ đồng”, Chủ tịch SBI nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị doanh nghiệp, thì đào tạo nhân lực là vấn đề cốt lõi. “Ngay từ khi lập doanh nghiệp, tôi đã nhìn thấy được nhân lực là bài toán khó và cần nâng cao. Nhân lực ngành này còn khá yếu về chất lượng, trình độ. Vì vậy, khâu liên kết với các doanh nghiệp, trường học để đào tạo nhân lực bài bản ngay từ đầu là cách mà chúng tôi đầu tư lâu dài cho sự phát triển và mục tiêu đề ra”, vị doanh nhân chia sẻ.

Theo ông Hà, để đạt được thành công như hiện tại, SBI luôn tuân thủ chặt chẽ slogan “chăm sóc hơn mong đợi”, nghĩa là không chỉ chăm sóc các doanh nghiệp đối tác theo các quy định hợp đồng, công việc, mà SBI còn kết thân, trở thành bạn với các doanh nghiệp khác để cùng học hỏi, phát triển.

Người đứng đầu SBI còn cho biết, đang bắt đầu thực hiện hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới để phục vụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam và thị trường xuất nhập khẩu toàn cầu. Nhờ trực tiếp đào tạo nguồn lực tốt, đầu tư bài bản các khâu, nên giá dịch vụ của SBI thuộc mức tốt trên thị trường logistics vốn có chi phí khá cao như Việt Nam. “SBI đang cung ứng giải pháp về hàng 2 chiều hoặc hợp tác giữa các doanh nghiệp khác cùng thị trường thay vì cạnh tranh”, ông Hà cho biết.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-duy-ha-canh-hoa-tren-duong-dai-luon-dep-hon-vong-nguyet-que-cuoi-con-duong-d227146.html
Zalo