Doanh nhân Mai Hữu Tín: Nếu cùng lúc giàu hơn, lại nhân văn hơn...

Bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, giới doanh nhân muốn biến mình thành phần không thể thiếu trong mọi cuộc chơi kiến tạo giá trị tốt hơn cho nhân loại, bằng phẩm chất của người Việt và mang lại những lợi ích tương xứng cho nền kinh tế Việt.

Doanh nhân Mai Hữu Tín.

Doanh nhân Mai Hữu Tín.

Đừng đặt câu hỏi có cơ hội hay không

Những ngày đầu năm 2025, mạng xã hội lan truyền một clip ngắn, trích câu nói của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành. Khác những với chia sẻ tích cực thường thấy sau các cuộc trò chuyện của ông với vai trò là một nhà quản trị doanh nghiệp dạn dày và nhiều trải nghiệm, lần này, rất nhiều sự nghi ngờ.

Không ít người đã trích lại, rằng “năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, gắn với những biểu tượng cảm xúc không mấy tích cực. Dường như ông Tín đã lường trước những phản ứng này.

Đoạn clip là một phần câu trả lời của ông trong cuộc trao đổi vào tháng 11/2024 về cơ hội kinh doanh năm 2025. Hôm đó, ông cũng đã nói, đôi khi chúng ta bực dọc lẫn nhau, thường muốn so sánh với những gì tốt nhất của thế giới, nên không nhìn ra những cái đẹp trong đất nước chúng ta.

“Loại bỏ hết các yếu tố khác khiến các bạn không hài lòng, thì môi trường kinh doanh Việt Nam thuộc top cao của thế giới và khả năng phát triển của Việt Nam vẫn ở top đầu thế giới. Với môi trường như vậy, với dân số như vậy, với sức tăng trưởng của nền kinh tế như vậy, cùng với những thay đổi cục diện trên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong những nơi đáng ở và kinh doanh nhất trên thế giới”, ông khẳng định với những doanh nhân đang đặt câu hỏi.

Thậm chí, ông còn nói, đừng đặt câu hỏi có cơ hội hay không, mà là tại sao mình chưa tìm ra cơ hội. Đây không phải lần đầu tiên ông nói về điều này. Cách đây 2 năm, ông từng có bài phát biểu gây xôn xao giới doanh nhân, khi nói rằng, cần nhắm mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam vươn lên vị trí 15 thế giới, tương ứng thứ hạng về dân số, chia nhỏ mục tiêu này cho các nhà lãnh đạo gánh vác, cả lãnh đạo đất nước và giới doanh nhân.

“Hiện tại, các điều kiện đã hiện thực hơn rất nhiều”, ông phân tích. Đã có những dự đoán chính thức là Việt Nam sẽ lọt top 20 trước năm 2030. Đây là mốc quan trọng đầu tiên, vì vào được đó, tức đứng chung sân chơi với các nền kinh tế lớn nhất, sẽ tạo niềm tin rất lớn giúp chinh phục các cột mốc kế tiếp.

Gần hơn, Việt Nam hiện là nước hiếm hoi làm bạn được với cả Trung Quốc và Mỹ, có quan hệ tốt với gần như toàn bộ các quốc gia lớn của thế giới. Cùng với đó, người lao động Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao bởi sự siêng năng, khả năng học hỏi nhanh và tính kỷ luật lao động đã được nâng cao sau nhiều năm làm việc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang ngày một tốt hơn lên.

“Do quan hệ đang rất tốt với Mỹ và chưa bị đánh thuế cao, nên Việt Nam sẽ là nơi tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn bán hàng vào Mỹ chọn đặt nhà máy. Ngoài ra, các ngành du lịch, giáo dục, y tế Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển”, ông Tín làm rõ.

Tất nhiên, cũng nhiều thách thức cần lưu tâm. Đầu tiên, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ đứng thứ tư thế giới, hiện đã vượt 100 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc, Mexico và Canada. Cả 3 nước trên đã bị xác định sẽ vướng thuế cao cho hàng hóa của họ vào Mỹ. Nếu không có cách cải thiện cán cân thương mại, thì sớm hay muộn cũng tới hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế cao khi vào Mỹ.

Hai là, trình độ và hiệu quả quản trị của cả khối nhà nước lẫn doanh nghiệp vẫn còn ở mức thấp. Các mô hình mới kết hợp giữa cơ sở hạ tầng tốt, ứng dụng công nghệ mới và nhân lực chất lượng cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn như khu mậu dịch tự do, khu tài chính tự do, chính phủ điện tử… đang được các nước đẩy rất nhanh.

“Nếu không theo kịp, chúng ta sẽ tụt hậu”, ông Tín không ngần ngại đặt thẳng vấn đề.

Muốn có Samsung, Honda của người Việt, thì phải đầu tư trước

Nếu nhìn vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2029 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Italia, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập, Bangladesh và Việt Nam, sẽ thấy chúng ta có một lợi thế khác là dân số trên 100 triệu. Đây chính là cơ sở để tự tin phấn đấu vào top 15 và có thể đến top 10 các nền kinh tế quy mô GDP lớn nhất toàn cầu.

Thậm chí, giới doanh nhân đang nhận phần chỉ tiêu tăng trưởng một cách rất cụ thể, như phương án mà ông Tín từng đề cập, thông qua việc tham gia các dự án, công trình lớn của đất nước, tham gia chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...

Song, đang có rất nhiều bài toán khó xuất hiện. “Chúng ta vẫn bị rơi vào lối nghĩ cần tránh là quả trứng hay con gà có trước. Muốn có Samsung hay Honda của Việt Nam thì Chính phủ phải đầu tư trước, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Chờ các doanh nghiệp Việt mạnh lên rồi mới hỗ trợ thì sẽ khó hơn”, ông Tín chia sẻ.

Thực ra, khi nói đến sự hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tín đặt niềm tin rất lớn vào những người kinh doanh. Với ông, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam trước các xu thế và đòi hỏi phát triển rất lớn. Trong mọi trường hợp, doanh nhân đều hiểu phải thay đổi hay là chết, phải tăng trưởng hay là chết.

“Điều chúng tôi cần là một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, một hệ thống dịch vụ công hiệu quả, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi một cách dễ dàng, thuận tiện và đỡ tốn kém nhất. Còn doanh nhân có thể tự lo phần còn lại để góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông chia sẻ.

Cụ thể, ông kỳ vọng, thủ tục hành chính cần làm nhanh và hiệu quả như ở Trung Quốc, Singapore hoặc Dubai. Chi phí sử dụng vốn có thể cạnh tranh được với các đối thủ. Chính phủ mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp nội, thay vì bắt phải cạnh tranh sòng phẳng với những “người khổng lồ” mạnh hơn về mọi thứ...

Ở đây, bài toán cải cách thể chế mà các doanh nghiệp mong đợi là hiệu quả tạo ra được đo bằng môi trường kinh doanh tốt hơn, đời sống người dân cao hơn và cả nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao và ổn định.

Ngay cả trong bài toán tận dụng cơ hội trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, ông cũng tin rằng, sự ủng hộ và tạo điều kiện tối đa từ Chính phủ cho sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc là điều vô cùng cần thiết, để doanh nghiệp thực sự thấy rõ, nếu chỉ mượn sức doanh nghiệp nước ngoài, không xây dựng được nội lực cho riêng mình, thì rủi ro sẽ đến ngay.

“Khi chúng ta thấy được hết những việc đó diễn ra cùng lúc, thì đó là lúc doanh nghiệp dám nghĩ tới chuyện lớn hơn”, ông Tín nói.

Nếu cùng lúc giàu hơn, lại nhân văn hơn...

Cuộc trao đổi trên của ông Tín với các doanh nhân tại TP.HCM sau chuyến đi kéo dài 1 tháng khắp các châu lục và sau 8 ngày mất ngủ liên tục. “Nhưng tôi không mệt, vẫn có mặt ở đây với sự sung mãn như tôi có, vì lửa trong người lại được gây dựng nên với một tầm cao khác”, ông nói với hàng trăm doanh nhân dưới hội trường.

Trước đó một tuần, ông đã có mặt tại TP. Abidjan, Bờ Biển Ngà, tham dự Lễ khai mạc Giải vô địch Vovinam Việt Võ Đạo châu Phi (AVF) trong vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF). Ông đã nghe kể và gặp 5 vận động viên Nigeria, tuổi khoảng 18-19, vượt qua hơn 1.000 km nhờ quá giang xe khách và nhờ sự hỗ trợ cả ăn nghỉ từ quê nhà qua Burkina Faso, Togo và Ghana.

Nhưng hành trình đến với Vovinam của họ không chỉ là sự vất vả. Chủ tịch, Tổng thư ký, Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Vovinam Nigeria và 3 vận động viên trong đội tuyển đã không thể có mặt vì toán cướp vũ trang họ gặp ở biên giới Burkina Faso đã lấy cả tiền bạc, đồ đạc và 6 cuốn hộ chiếu.

Ông muốn giúp các vận động viên một số tiền, hỗ trợ họ bớt phần khó khăn, nhưng điều ông nhận được vượt ra ngoài suy nghĩ, khiến ông mất ngủ cả một tuần sau đó, suốt hành trình qua Dubai, Ả Rập Xê Út về tới Việt Nam.

“Chúng đã rất hồn nhiên đáp là: tụi con cố gắng đến đây thi đấu, cũng mong một ngày nào đó lên đến đai vàng (tương đương đai đen của các môn phái khác), để được đi thăm Việt Nam”, ông Tín kể, giọng nghẹn lại.

Vovinam đã có mặt ở 24 trong số 57 quốc gia châu Phi, trong đó 16 quốc gia đang là thành viên của AVF và qua đó là thành viên của WVVF. Ngay trước Lễ khai mạc AVF, nhiệm kỳ mới của AVF đã bắt đầu, với dự án ngôi nhà chung Vovinam toàn châu Phi sẽ được triển khai ngay trong năm 2025. Trong kế hoạch này, sẽ có 5 ngôi nhà chung, ở 5 vùng Bắc, Nam, Đông, Tây và Trung tâm châu Phi. Đây cũng sẽ là 5 trung tâm phân phối hàng Việt Nam trên toàn châu Phi, dùng chính con người của Vovinam để làm việc đó.

Ông nhận ra mình có thể dùng nguồn lực của doanh nghiệp để quảng bá văn hóa Việt Nam qua võ thuật Việt Nam, tạo ra thêm quyền lực mềm cho đất nước. Đương nhiên một mình thì khó lòng làm được việc thật lớn. “Tôi mong sẽ có thêm những doanh nhân Việt Nam thành công dùng nguồn lực của mình tạo ra những giá trị khác ngoài kinh tế có ích cho đất nước”, ông Tín nói.

40 năm trước, doanh nhân là những người bung ra để tìm kiếm cuộc sống đỡ khổ hơn. 30 năm trước, doanh nhân với khát vọng làm giàu. 20 năm trước, doanh nhân với mong muốn đưa sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Hiện tại, bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, ông Tín tin rằng, giới doanh nhân - cũng như ông, muốn biến mình thành phần không thể thiếu trong mọi cuộc chơi kiến tạo giá trị tốt hơn cho nhân loại, bằng phẩm chất của người Việt và mang lại những lợi ích tương xứng cho nền kinh tế Việt.

Sẽ thú vị biết bao nếu thế giới nhìn nhận chúng ta cùng lúc giàu hơn, lại nhân văn hơn.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-mai-huu-tin-neu-cung-luc-giau-hon-lai-nhan-van-hon-d242578.html
Zalo