Doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa ứng phó với cuộc chiến thương mại
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ mới đấy, các doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp thích ứng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Tận dụng “thời gian vàng”, Công ty TNHH 888 đẩy mạnh sản xuất, kịp giao hàng cho đối tác.
Công ty TNHH 888 (thuộc Tổng Công ty CP May 10) ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương) là doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc gồm áo Jacket, áo dạ, vest nữ, quần thể thao xuất đi thị trường các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada..., trong đó thị trường Mỹ chiếm trên 90%. Giám đốc điều hành Công ty Lê Văn Bắc, cho biết: "Từ đầu năm 2025 đến nay công ty liên tục phải tăng ca để kịp đơn hàng xuất cho đối tác. Việc công ty ký được nhiều đơn hàng không chỉ đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động đến hết tháng 8/2025, mà còn góp phần đưa giá trị xuất khẩu của công ty trong quý 1/2025 đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ".
Theo ông Bắc, nếu Mỹ thực hiện áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do không thể chịu được áp lực khi các chi phí tăng 1,5 lần dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, thời điểm này, ngoài chờ đợi Chính phủ đàm phán với Mỹ để tìm ra giải pháp hài hòa giữa hai bên, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm, hướng đến các thị trường mới như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Mặt khác, doanh nghiệp đang tận dụng “khoảng thời gian vàng” 90 ngày Mỹ thực hiện hoãn áp thuế để đẩy mạnh sản xuất, kịp giao các đơn hàng cho đối tác đảm bảo thời gian như hợp đồng đã ký.
Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất bóng thể thao và gia công hàng may mặc chủ yếu quần áo thể thao xuất đi 32 nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hungari, Braxin, Đan Mạch, Pháp..., trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 60%. Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính công ty Lê Ngọc Giáp, cho biết: "Ứng phó với tình trạng Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, hiện công ty cùng với phía đối tác vẫn đang trong quá trình đàm phán dựa vào tình hình của hai quốc gia. Công ty cũng đang xúc tiến, mở rộng sang các thị trường khác. Bởi ngoài thị trường Mỹ, công ty còn nhiều đối tác khác ở 30 nước trên thế giới".
Thanh Hóa hiện có 304 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ở 68 thị trường với 55 nhóm ngành, lĩnh vực như giày dép, may mặc, nông sản, vật liệu xây dựng... Đơn hàng xuất khẩu cho năm 2025 của nhiều nhóm ngành hàng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết các đơn hàng hết quý II, quý III, thậm chí có doanh nghiệp đã ký hết quý IV/2025. Việc ký được nhiều đơn hàng đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2025 trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ.
Quý II/2025 hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng. Nhằm đảm bảo mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 8 tỷ USD trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Hiện ngành công thương đang theo dõi diễn biến thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam, nhằm kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Trong lúc chờ đợi đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ngành công thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu.