Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì để không bị 'nuốt chửng' trên thương mại điện tử?
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Vietdata, doanh thu TMĐT năm 2025 ước đạt 387,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 15,4 tỷ USD), tăng 21,5% so với năm 2024. Mặc dù con số này đầy ấn tượng, nhưng đằng sau sự phát triển sôi động ấy là nỗi lo của hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang dần bị đẩy ra bên lề cuộc chơi.
Tăng trưởng chưa đồng đều
Theo báo cáo của Metric, quý 1/2025, tổng doanh số TMĐT đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu nhìn sâu vào cơ cấu, dễ thấy sự phân hóa đang ngày càng rõ rệt: Các doanh nghiệp lớn chiếm phần lớn thị phần, trong khi SME “vật lộn” với doanh thu thấp và chi phí cao.

SMS đang dần đuối sức và bị đẩy ra khỏi cuộc chơi TMĐT. Ảnh minh họa
Cụ thể, khoảng 38.000 shop nhỏ không có đơn hàng trong năm 2025; số lượng shop có đơn cũng giảm mạnh từ 700.000 xuống còn 626.000. Đây không chỉ là hiện tượng nhất thời mà đang trở thành xu hướng đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp không đủ lực để chạy quảng cáo, không có khả năng giữ chân khách hàng bằng khuyến mãi liên tục, rất dễ bị "đè" bởi các ông lớn.
Không chỉ yếu về ngân sách, SME còn bị động trong việc kiểm soát dữ liệu và hành trình khách hàng. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các sàn TMĐT nước ngoài khiến họ không làm chủ được tệp người mua, không kiểm soát được thông tin phản hồi, khó duy trì kết nối dài hạn.
Ngược lại, các tập đoàn lớn như Unilever, Samsung… sở hữu thương hiệu uy tín, đội ngũ marketing chuyên nghiệp và sẵn sàng "bơm" ngân sách hàng tỷ đồng vào quảng bá trên sàn. Với họ, việc tăng phí vận hành không phải vấn đề. Thậm chí, chi phí càng cao càng làm giảm cạnh tranh từ doanh nghiệp nhỏ, từ đó tạo thế độc quyền mềm. Chính vì vậy, hiện SME dần bị đẩy khỏi các vị trí tìm kiếm chính, mất lượt hiển thị, giảm tỷ lệ chuyển đổi và cuối cùng là rút khỏi sàn.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Người tiêu dùng không còn trung thành với một nền tảng duy nhất. Bà Lê Minh Trang, SMB Associate Director của NielsenIQ Việt Nam phân tích, họ có thể xem sản phẩm trên TikTok, tìm giá tốt trên Shopee, khiếu nại qua Facebook và nhận hàng tại cửa hàng.
Như vậy, mô hình "đa điểm chạm" (omnichannel) đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đồng bộ dữ liệu, tối ưu trải nghiệm ở mọi kênh, điều mà SME khó lòng đáp ứng nếu chỉ hoạt động đơn lẻ hoặc theo mô hình truyền thống.
Đặc biệt, AI đang trở thành công cụ phổ biến trong TMĐT. Từ việc đề xuất sản phẩm, phân tích nhu cầu, cá nhân hóa nội dung cho đến hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Như vậy, AI làm tốt hơn con người ở nhiều khâu, nhưng SME do thiếu năng lực công nghệ và tài chính, khó ứng dụng AI bài bản, họ bị bỏ lại phía sau trong một cuộc chơi công nghệ mà lẽ ra phải là cơ hội bình đẳng.
SME cần chuyển mình để không bị đào thải
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, SME không thể mãi đi theo "đuôi" các sàn TMĐT lớn. Đã đến lúc doanh nghiệp nhỏ cần chủ động hơn, tự thiết kế hệ sinh thái riêng. Cách làm đơn giản và khả thi nhất là xây dựng website thương mại điện tử riêng biệt, nơi SME kiểm soát toàn bộ vận hành, dữ liệu khách hàng và chiến lược thương hiệu.

Người dùng ngày càng dùng AI để phân tích hàng hóa và giá khi mua sắm trên sàn TMĐT. Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại kết quả tốt cho các doanh nghiệp như Thế giới Di động hay Nhà thuốc Long Châu. Họ không từ bỏ sàn, nhưng chủ động dẫn dắt hành vi khách hàng từ mạng xã hội về website riêng, tạo ra phễu bán hàng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, SME cũng cần tận dụng các nền tảng hỗ trợ như Google, Zalo, YouTube, kết hợp livestream, chăm sóc khách hàng qua chatbot và đặc biệt là ứng dụng các công cụ AI đơn giản (như gợi ý sản phẩm tự động, phân loại khách hàng) để tiết kiệm chi phí nhân sự mà vẫn tối ưu hiệu quả.
Một chiến lược khác đầy tiềm năng là xây dựng cụm liên kết giữa các SME cùng ngành hàng. Ví dụ, cụm SME thời trang tại TP Hồ Chí Minh có thể cùng thuê kho, chia sẻ chi phí vận chuyển, chung tay quảng bá theo vùng địa lý, đồng thời cùng khai thác dữ liệu khách hàng. Mô hình này không mới ở thế giới nhưng rất ít được áp dụng tại Việt Nam, trong khi nó có thể giúp SME vượt qua hạn chế về nguồn lực một cách thông minh.
Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Bộ Công Thương), người tiêu dùng “ngày càng sử dụng AI nhiều hơn, quan tâm đến trải nghiệm và bị thu hút bởi tính giải trí trong mua sắm”. Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là “chạy theo xu hướng” mà là điều kiện để tồn tại. Để làm được điều đó, SME cần có chiến lược dài hạn, bắt đầu từ việc học lại cách tiếp cận khách hàng trong thời đại số.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể chỉ yêu cầu SME tự bơi giữa đại dương số khắc nghiệt, nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, như hỗ trợ vốn ưu đãi cho các dự án TMĐT nội địa, phát triển hạ tầng logistics dùng chung, tạo sân chơi công bằng về thuế giữa doanh nghiệp nội và ngoại.
Quan trọng nhất, cần đầu tư cho các nền tảng TMĐT “made in Vietnam” để đủ sức cạnh tranh với các sàn ngoại, nhưng ưu tiên chính sách riêng cho SME nội địa (miễn phí hoa hồng ban đầu, hỗ trợ truyền thông, đồng bộ vận chuyển...). Một khi có hạ tầng TMĐT nội, SME không chỉ bán hàng trong nước mà còn có thể vươn ra quốc tế theo cách chủ động, bền vững hơn.
SME là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng nếu tiếp tục bị "nuốt chửng" trên sân chơi thương mại điện tử, không chỉ hàng vạn doanh nghiệp sẽ bị xóa sổ, mà động lực tăng trưởng số cũng sẽ suy giảm đáng kể. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định: “Các doanh nghiệp TMĐT buộc phải tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới. AI không còn là câu hỏi “có dùng hay không” mà là “đang dùng AI gì” và “đào tạo nó như thế nào”.
Nhận định này không chỉ đúng với các sàn TMĐT lớn mà còn đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp SME nếu muốn tồn tại trong một thị trường liên tục biến động. Cũng theo ông Dũng, trong bối cảnh TMĐT thay đổi từng ngày, nếu SME không tự chuyển mình sẽ bị hệ thống loại bỏ, bởi thị trường sẽ không chờ đợi người đi chậm. Nhưng với chiến lược đúng đắn, cộng thêm sự hỗ trợ từ chính sách, SME hoàn toàn có thể viết lại câu chuyện thành công của mình trong thời đại số hóa toàn diện.