Doanh nghiệp vừa lo chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại tỉnh Lâm Đồng đã chủ động công tác phòng chống, ứng phó với dịch bệnh; đồng thời, vừa giúp người lao động yên tâm làm việc, đảm bảo nhiệm vụ sản xuất, hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt yêu cầu phải đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình làm việc, không nói chuyện riêng trong giờ làm việc

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt yêu cầu phải đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình làm việc, không nói chuyện riêng trong giờ làm việc

Doanh nghiệp chủ động phòng dịch

Nhằm đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp, ngay từ thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, Công ty Cổ phần may Đà Lạt đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trước khi người lao động quay trở lại làm việc, Công ty đã trang bị khẩu trang phát cho người lao động, mua nước rửa tay đặt tại các khu vực làm việc, vệ sinh thường xuyên khu vực phòng ăn, nhà vệ sinh…

Ông Đàm Văn Thương – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần may Đà Lạt cho biết: 7 giờ sáng hàng ngày, tất cả người lao động và khách đến làm việc tại Công ty đều được đo thân nhiệt tại khu vực cổng bảo vệ trước khi vào ca làm việc. Đặc biệt, trong suốt quá trình làm việc, người lao động được đo thân nhiệt 3 lần/ngày.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội; trong đó, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định thì hiện Công ty đang gặp một số vướng mắc.

Theo ông Thương, với đặc thù của ngành may mặc, hệ thống trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất tại các phân xưởng được bố trí khá sát nhau, chưa đảm bảo theo quy định cách nhau tối thiểu 2m. Đây cũng là khó khăn lớn nhất trong công tác phòng và chống dịch. Để khắc phục điều này, Công ty tăng cường cho công nhân rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình làm việc, tuyệt đối không nói chuyện riêng trong giờ làm việc.

Tại Công ty Cổ phần may Đà Lạt hiện có 450 công nhân đang làm việc; trong đó, có 100 công nhân đang ăn, ở ngay tại ký túc của Công ty. Đối với việc quản lý sinh hoạt của lao động sau giờ làm việc, Công ty đã thực hiện công tác tuyên truyền tới từng bộ phận, phân xưởng về hạn chế đi lại, tụ tập đông người tổ chức liên hoan, tiệc tùng và thực hiện đeo khẩu trang khi ra đường.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Hành chính Nhân sự Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cho biết: Hiện, Công ty đang thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để chủ động kiểm soát, nắm rõ tình hình sức khỏe của người lao động, Công ty đã thành lập đội sơ cấp cứu đo thân nhiệt cho tất cả người lao động. Chúng tôi đã tiến hành vệ sinh, phun khử trùng phòng dịch bệnh tại trụ sở văn phòng, khu sản xuất, phát hơn 2.000 khẩu trang y tế cho người lao động. Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc như tay nắm cửa, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn… bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn. Ðảm bảo thông gió, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc. Cùng với việc nâng cao ý thức, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người lao động, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Ông Đỗ Xuân Kiên – Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Tại 2 khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn hiện có 45 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 4.000 công nhân, người lao động đang làm việc. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn diễn ra bình thường, tỷ lệ lao động người Việt Nam quay lại làm việc sau tết đạt trên 95%. Hiện nay, các hội nghị liên quan đến yếu tố nước ngoài đang tạm hoãn để tập trung cho công tác chống dịch.

Để đảm bảo nhiệm vụ sản xuất, an toàn cho người lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, chủ động nắm số liệu các doanh nghiệp có người lao động nước ngoài, những người từ vùng có dịch về nước trong dịp tết để nắm tình hình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống.

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ sản xuất

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ sản xuất

Cầm cự vượt qua mùa dịch

Bên cạnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện đang cầm cự vượt mùa dịch với nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…

Theo ông Đàm Văn Thương, do thiếu nguyên liệu đầu vào, giảm đầu ra cả trong nước và xuất khẩu, nên doanh nghiệp bị suy giảm 70- 80% sản lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã xác định việc ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ kéo dài nên đã cắt giảm mọi chi phí không cần thiết. Riêng trong quý I, Công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất và đảm bảo đời sống cho 450 công nhân. Tuy nhiên, từ 10 – 15 ngày tới tình hình hoạt động của Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt, hoạt động sản xuất của đơn vị vẫn được duy trì ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, hiện Công ty đang tập trung sản xuất theo các đơn hàng đã ký trong năm 2019. Do đó, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì bình thường.

Tuy nhiên, trong năm 2020, doanh nghiệp tiếp nhận các đơn hàng mới rất ít. Đặc biệt, hiện nay tại các nước là thị trường chính như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Anh đang có dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khiến các đối tác tại các nước sở tại ngưng các hoạt động xuất khẩu, Công ty đang gặp khó. Nếu tình hình này kéo dài thêm 2 – 3 tháng, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngày 09/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản thông cáo các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó có nội dung: Hỗ trợ cho trên 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng… để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, khắc phục thiệt hại.

THANH SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/doanh-nghiep-vua-lo-chong-dich-vua-dam-bao-hoat-dong-san-xuat-2996692/
Zalo