Doanh nghiệp Việt thúc đẩy chuyển đổi hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị đồng thời tăng cường hợp tác đa bên.
“Để củng cố niềm tin, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, chuyển đổi xanh, Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi đồng bộ từ nhận thức tới hành động với sự vào cuộc, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan.”
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh nội dung trên và cho biết đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày, thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 11, ngày 10/9.
Phát triển bền vững là yêu cầu chiến lược
Tại COP26, bên cạnh những cam kết nổi bật về tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”-Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero 2050.
Biến cam kết thành hành động, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định, cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải đồng thời Đảng, Nhà nước đã cập nhật các chiến lược quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và ban hành hệ thống các, phát triển thị trường carbon, phân loại xanh…
Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi xanh và đi tới Net Zero 2050 đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Do đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ việc quyết định lựa chọn chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin-Kiến tạo chuyển đổi” với mong muốn diễn đàn sẽ là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay khẳng định niềm tin và những nỗ lực của mình trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
“Miền Bắc vừa hứng chịu một trận siêu bão lớn nhất (Yagi) trong 3 thập kỷ qua với sức tàn phá ghê gớm ở cả cấp độ, cường độ và phạm vi. Hiện cả nước đang nỗ lực chung tay, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do bão gây ra, vừa đối phó với lũ lụt ở mức cao lịch sử do hoàn lưu bão đang gây ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các nhà khoa học cho rằng sở dĩ các cơn siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn, bất thường hơn là do sự nóng lên của trái đất nói chung và sự nóng lên của đại dương nói riêng,” ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Cơn bão Yagi là một minh chứng cho thấy sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người. Do đó, Lãnh đạo VCCI kêu gọi hơn lúc nào hết, mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm quá trình tăng nhiệt của Trái đất đã trở thành mục tiêu toàn cầu tối quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững cũng là mục tiêu, là yêu cầu chiến lược đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu được chia sẻ nhiều thông tin cập nhật từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các nội dung liên quan đến cập nhật các định hướng tăng trưởng xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh, tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam, các chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và thế giới nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp phát thải thấp.
Từ phía đối tác quốc tế, đại diện lãnh đạo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) chia sẻ thông tin hữu ích từ góc nhìn quốc tế về xu hướng chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu trên hành trình chuyển đổi xanh, khuyến nghị về cách doanh nghiệp có thể đóng góp hiệu quả hơn vào các nỗ lực kiến tạo chuyển đổi đồng bộ hướng tới mục tiêu Net Zero.
Thay đổi cách tiếp cận
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD cho biết cần phải nhìn bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo ông, quá trình chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức. Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu. Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đa bên thông qua những nền tảng đối thoại, như Diễn đàn VCSF, để thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh hướng đến hiện thực hóa cam kết Net Zero.
Tiếp cận hành trình chuyển đổi xanh với sự tăng cường tham gia của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam chia sẻ chiến lược phát triển bền vững “Lựa chọn hôm nay, định hình tương lai,” với ba trụ cột chính gồm sản phẩm-hành tinh-con người, là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển của công ty trong dài hạn.
"Với hành trình gần 10 năm bền bỉ hỗ trợ cộng đồng qua dự án EkoCenter, Coca-Cola Việt Nam không ngừng đổi mới để tạo nên những cộng đồng tiên tiến và vững mạnh trong thời đại số thông qua các chương trình giáo dục về STEAM, tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử, các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như chống biến đổi khí hậu tại các Trung tâm hỗ trợ cộng đồng của công ty trên toàn quốc," bà Milly Cheng nói.
Chương trình Diễn đàn VCSF 2024 bao hàm nhiều nội dung đa dạng với các bài chia sẻ và tọa đàm về các thông lệ tốt của những doanh nghiệp tiêu biểu trong kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Các đại biểu đánh giá VCSF 2024 đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh bền vững, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng quản trị, lãnh đạo điều hành cấp cao trong việc xây dựng và lan tỏa tư duy lãnh đạo tích hợp khung Môi trường-Quản trị-Xã hội(ESG).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được giấy phép kinh doanh (business license), kế hoạch kinh doanh liên tục (business continuity plan), từ đó nâng cao uy tín thương hiệu đồng thời đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho chính doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh cắt nghĩa từ khía cạnh doanh nghiệp, khi nhắc đến Net Zero, giảm phát thải khí nhà kính chủ yếu chỉ liên quan đến khía cạnh môi trường, sản xuất-kinh doanh tạo ra khí thải. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào thay đổi công nghệ sản xuất, dây chuyền máy móc, tiêu hao bớt lượng năng lượng và khí thải tạo ra… Tuy nhiên, khi nhìn vào “chiếc kiềng ba chân” ESG, doanh nghiệp không thể bỏ qua hai thành tố “quản trị công ty” (G) và nguồn vốn con người (S). Nhắc đến quản trị công ty, sự cam kết và tham gia tích cực của Hội đồng quản trị, lãnh đạo cấp cao từ khâu xây dựng chiến lược đến lan tỏa và thực hành là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp.
"Về nguồn vốn con người, đây là những yếu tố về lãnh đạo, đội ngũ, văn hóa doanh nghiệp. Ở khía cạnh bên ngoài doanh nghiệp, việc tạo tác động xã hội tích cực bền vững cũng cần được quan tâm, như đóng góp xây dựng lực lượng lao động xanh, tạo sinh kế bền vững cho nhóm yếu thế, hay thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ…," ông Nguyễn Quang Vinh nói./.
Để hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn, VCCI đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu xây dựng và giới thiệu Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI).
Bộ chỉ số CSI được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do VCCI tổ chức thường niên từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.