Doanh nghiệp Việt nỗ lực 'gieo hạt' tại xứ người
Sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) Việt ra nước ngoài thời gian qua cho thấy các DN đang ngày càng chú trọng đa dạng hóa thị trường đầu tư nhằm gia tăng lợi nhuận, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, đầu tư, kinh doanh ở 'xứ người' luôn thường trực những rủi ro và thách thức, đòi hỏi DN cần có chiến lược bài bản để đầu tư bền vững tại thị trường quốc tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những lĩnh vực DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Ảnh minh họa
Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng tích cực
Trong thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng DN Việt Nam. Nhờ đó, những năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt luôn có xu hướng gia tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực, với số dự án và vốn đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2025, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 30 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 233,6 triệu USD, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm 2024; có 5 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 5,4 triệu USD, gấp 24,3 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 239 triệu USD, gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 02/2025, Việt Nam đã có 1.856 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 22,83 tỷ USD.

Những năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt luôn có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa
Sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư của DN Việt ra nước ngoài được chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá là nhờ những điều kiện thuận lợi như Việt Nam đã ký kết hơn 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới; cùng với đó Việt Nam cũng tham gia một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các quy định về khuyến khích đầu tư và mở cửa thị trường đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt cũng thuận lợi nhờ quan hệ ngoại giao hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước, sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại… “Những điều kiện thuận lợi trên đã giúp hoạt động đầu tư của các DN thu được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cộng đồng tiếp nhận đầu tư, cũng như đóng góp trở lại cho nền kinh tế Việt Nam” - ông Thịnh nói.
Chỉ ra những lợi ích đối với nền kinh tế, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu - cho biết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, giúp ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo cán cân thanh toán quốc gia. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như đóng góp vào việc củng cố, phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước trên thế giới.
Không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, theo các chuyên gia, việc DN Việt đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài còn mang lại “lợi ích kép” cho chính bản thân DN. Cụ thể, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp DN mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của DN, giúp phân tán rủi ro. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, DN Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với các công nghệ hiện đại, học hỏi được kinh nghiệm tốt trong quản lý, kinh doanh của những nước tiên tiến…, đây là yếu tố cần thiết giúp DN phát triển bền vững trong một thế giới hội nhập. Đặc biệt, việc đầu tư ra nước ngoài thể hiện sự lớn mạnh của DN Việt, từ đó là cơ hội để các DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo các chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt thời gian qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn như, tình trạng rút vốn xảy ra ở nhiều dự án, quy mô trung bình của dự án có xu hướng giảm, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án chưa cao, sự liên kết giữa các DN trên cùng một địa bàn đầu tư ở thị trường nước ngoài còn khá lỏng lẻo nên hiệu quả lan tỏa thấp; đặc biệt là tình trạng thua lỗ của nhiều dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được thực hiện bởi các DN nhà nước…
Cùng với đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, do khác biệt về văn hóa pháp luật, môi trường đầu tư nên nhiều DN đã gặp phải không ít rủi ro, tranh chấp ngoài mong muốn. Mặt khác, sự chênh lệch về trình độ, kỹ năng của lao động tại nước sở tại và nguồn nhân lực được phái cử sang các nước của DN Việt cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, khả năng dự báo thị trường quốc tế, năng lực quản lý, năng lực tài chính của DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài không đạt được hiệu quả kinh doanh phải dừng triển khai hoặc giải thể…
Trước thực tế đó, đưa khuyến nghị cho các DN để hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt được hiệu quả, theo các chuyên gia, trước hết, DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp luật nước sở tại để hạn chế rủi ro về mặt pháp lý, cũng như phòng ngừa những tranh chấp phát sinh. Cùng với đó, DN cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về thị trường đầu tư ở các khía cạnh như cơ chế đầu tư, tiềm năng thị trường, triển vọng lợi nhuận…, trước khi đưa ra các quyết định đầu tư để đảm bảo hoạt động đầu tư đạt hiệu quả. Đặc biệt, DN cần nâng cao khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính, để hoạt động đầu tư ở các thị trường nước ngoài phát triển bền vững, hạn chế tình trạng bị “đứt gánh” giữa chừng.
Cùng với sự chủ động của DN, với vai trò đồng hành, hỗ trợ DN, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN, trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, cấp phép đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài…, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của DN. Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ xúc tiến, kết nối đầu tư; tư vấn, cung cấp thông tin hữu ích về thị trường các nước và các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho DN; kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN, cũng như hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các tranh chấp, rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài./.