Doanh nghiệp Việt Nam-Czech chủ động kết nối, dựa vào thế mạnh của nhau để hợp tác kinh doanh

Sáng 20/1, theo giờ địa phương, tại thủ đô Prague, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Czech.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Czech. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Czech. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cùng dự có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Czech Lukase Vlcka, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hợp tác Việt Nam-Czech tăng trưởng đột phá

Tại Diễn đàn, hai bên cùng trao đổi về các chiến lược, định hướng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, Việt Nam và Cộng hòa Czech là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ; cộng đồng người Việt đông đảo tại Czech đóng góp tích cực vào quan hệ hai nước, đây là lợi thế đặc biệt để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư.

Các đại biểu tại Diễn đàn đánh giá sau 4 năm đầu triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Czech tăng trưởng đột phá, trung bình gần 100% mỗi năm.

Năm 2024, kim ngạch thương mại đạt khoảng trên 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so với năm 2023. Czech luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu; trong khi đó Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech tại ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Công thương Czech Lukase Vlcka cho biết hàng hóa Việt Nam rất được ưa chuộng tại Czech. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Bộ Công thương Czech Lukase Vlcka cho biết hàng hóa Việt Nam rất được ưa chuộng tại Czech. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Bộ Công thương Czech Lukase Vlcka đánh giá cao lực lượng hùng hậu của doanh nghiệp Việt Nam tham gia Diễn đàn; cho rằng các công ty của Czech đã có tiếng vang tại Việt Nam trong một số lĩnh vực như quốc phòng, khai khoáng, ô tô; hàng hóa Việt Nam cũng rất được ưa chuộng tại Czech, đặc biệt như điện thoại, quần áo, điện thoại di động và cà phê…

Bộ trưởng khẳng định với truyền thống quan hệ, hợp tác 75 năm giữa hai nước, đối với Czech, Việt Nam là một đối tác quan trọng chiến lược nằm ngoài EU. Việt Nam cũng có vị trí quan trọng tại ASEAN, giúp Czech tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Ông František Chaloupecký, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Czech thì cho rằng, không có đất nước nào ngoài châu Âu gần gũi với Czech như Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Czech đã trở thành một hình mẫu về hội nhập tại nước này.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định Czech là một trong những nền kinh tế chuyển đổi khá thành công ở khu vực Trung và Đông Âu, phát triển khá ổn định và năng động hàng đầu tại Liên minh châu Âu.

Đây cũng là trung tâm sáng tạo công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có những thành phố nổi tiếng về công nghệ và dịch vụ IT với sự hiện diện của nhiều tập đoàn quốc tế lớn và có một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động.

Công nghiệp ô tô, chế tạo máy, công nghiệp năng lượng, hàng không, quốc phòng của Cộng hòa Czech có chất lượng, uy tín cao với rất nhiều doanh nghiệp có khả năng làm chủ cuộc chơi và đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Không chỉ vậy, Cộng hòa Czech còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển năng lượng tái tạo với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh.

Việt Nam những năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới; đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định Czech là một trong những nền kinh tế chuyển đổi khá thành công ở khu vực Trung và Đông Âu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định Czech là một trong những nền kinh tế chuyển đổi khá thành công ở khu vực Trung và Đông Âu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới; Top 20 nền kinh tế đứng đầu về thương mại quốc tế và Top 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới, cùng với không khí đầu tư kinh doanh rất sôi động, được xem là một trong những "công xưởng" của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các thế mạnh về dân số đông, chính trị ổn định; an ninh được bảo đảm; có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, có khả năng tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và hội nhập tốt, cùng với lợi thế về mặt bằng sản xuất sẵn có và thị trường tiêu thụ rộng lớn (bao gồm thị trường nội địa trên 100 triệu dân với sức mua và thị trường của gần 70 nền kinh tế trong 17 hiệp định thương mại tự do (song phương và đa phương) mà Việt Nam là thành viên).

Phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 5 tỷ USD

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua 75 năm, Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng của Cộng hòa Czech đối với Việt Nam, đặc biệt đã giúp đào tạo nhiều trí thức, công nhân lành nghề và gần đây phía Czech đã xác định địa vị pháp lý, công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở tốt đẹp đó, chuyến thăm lần này của đoàn Việt Nam là sự kiện khởi động năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; hai bên dự kiến sẽ nâng cấp quan hệ, tạo cơ hội, thuận lợi tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước đến với nhau.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối với nhau, dựa vào thế mạnh của nhau để kinh doanh, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối với nhau, dựa vào thế mạnh của nhau để kinh doanh, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đã quyết định áp dụng miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Czech trong khuôn khổ Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam trong năm 2025.

Với tình hình thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người, Thủ tướng cho rằng, những điều này tác động đến toàn dân, các vấn đề toàn diện và mang tính toàn cầu.

Chính vì vậy, cần phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu để hợp tác, khai thác tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong quan hệ song phương để cùng phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hợp tác Việt Nam-Czech phải phù hợp với các xu thế xanh hóa, số hóa, đa dạng hóa nói trên; phải có cách làm mới, tạo ra động lực mới, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo).

Thủ tướng đánh giá hai bên đã khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đề nghị hai bên phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 5 tỷ USD trong những năm tới đây. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng đánh giá hai bên đã khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đề nghị hai bên phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 5 tỷ USD trong những năm tới đây. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối với nhau, dựa vào thế mạnh của nhau để kinh doanh, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tập trung vào các ngành mới nổi như sản xuất chip, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, công nghệ y sinh, quang điện tử…

Việt Nam có nền kinh tế năng động và là tâm điểm của tăng trưởng; đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh. Trong đó, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức, coi thể chế là nguồn lực, động lực, giải phóng nguồn lực, góp phần làm giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, xã hội… góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy tuyến đường sắt, các đường bay kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Czech.

Cùng với đó, thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đánh giá raw đã khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Thủ tướng đề nghị hai bên phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 5 tỷ USD trong những năm tới đây.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hoan nghênh khoản đầu tư của Tập đoàn Sev.en Global Investments vào Nhiệt điện Mông Dương 2, dự án nhà máy ô tô của Skoda tại Quảng Ninh, Thủ tướng cho biết đang thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để tạo thuận lợi cho đầu tư giữa hai nước, nâng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Czech vào Việt Nam lên 2-3 tỷ USD trong 5 năm tới.

Kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác tăng cường đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng xanh, hạ tầng năng lượng, Thủ tướng đề nghị đầu tư vào các ngành mới nổi, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cho rằng coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công, Thủ tướng đề nghị hai bên phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào; "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-viet-nam-czech-chu-dong-ket-noi-dua-vao-the-manh-cua-nhau-de-hop-tac-kinh-doanh-301609.html
Zalo