Doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận từng bước để chuyển dịch năng lượng

Việc triển khai các thay đổi mang tính chuyển đổi có thể là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, cần có những phương pháp tiếp cận từng bước để giúp các doanh nghiệp phát triển chiến lược chuyển đổi năng lượng và các mô hình kinh doanh phù hợp để thành công trong tương lai bền vững và thích ứng với khí hậu.

Phát thải ròng bằng không (Net zero) là trọng tâm mới cho các hành động về chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Tính đến năm 2023, có khoảng 120 quốc gia đã cam kết hoặc cân nhắc sẽ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Theo dữ liệu của PwC Việt Nam, tham gia cuộc đua về Net Zero đã có hơn 9.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 thành phố, 1.000 cơ sở giáo dục và 600 tổ chức tài chính đã cam kết hành động để cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Kể từ COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chính phủ đang tiếp tục cải tổ và thúc đẩy đầu tư liên tục nhằm mục đích chuyển dịch nền kinh tế hướng tới Net Zero.

Trong đó, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Quy hoạch phát triển điện VIII (QHĐ VIII) và Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII sau một thời gian dài chờ đợi.

Chủ động chuyển dịch năng lượng có thể giảm thiểu rủi ro và nắm bắt các cơ hội thương mại

Tham vọng toàn cầu Net Zero đã thúc đẩy chuyển dịch năng lượng trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu về Net Zero đòi hỏi những giải pháp toàn diện.

“Những động thái hữu hình và khả thi từ khu vực tư nhân có thể giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp, đồng thời có thể đưa Việt Nam trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu về Net Zero.” - bà Vân Anh nhận định.

Theo bà Đỗ Vân Anh - đại diện Khối Dịch vụ tư vấn dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam, trên thực tế, Việt Nam khó có thể đạt được cam kết Net Zero nếu không có các hành động nghiêm túc và thay đổi mang tính nền tảng. Khu vực tư nhân có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch này.

Kế hoạch phát thải ròng bằng không cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực do có phạm vi chuyển dịch năng lượng rộng. Đặc biệt, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính đáng kể như điện, giao thông vận tải, nông nghiệp, quy trình công nghiệp và xây dựng đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu.

Kế hoạch phát thải ròng bằng không cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực do có phạm vi chuyển dịch năng lượng rộng, đặc biệt, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính. Ảnh: Phân tích của PwC.

Kế hoạch phát thải ròng bằng không cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực do có phạm vi chuyển dịch năng lượng rộng, đặc biệt, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính. Ảnh: Phân tích của PwC.

Với tác động của biến đổi khí hậu và đà tăng trưởng của Net Zero, hầu hết các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển hướng phát triển bền vững, giảm lượng khí thải phạm vi 2 (lượng khí thải gián tiếp từ năng lượng đã mua) hoặc có khả năng phải đối mặt với thuế carbon.

Ngoài ra, chi phí năng lượng có thể sẽ tăng đáng kể, mặc dù các phương pháp như quản lý mua bán năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả có thể giảm thiểu một phần rủi ro này, tuy nhiên đây vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều sự kiện biến động giá hơn khi sự đóng góp của năng lượng tái tạo gia tăng trong một mạng lưới phức tạp và trong một cơ chế thị trường không còn phù hợp.

Tương tự, trước áp lực gia tăng về sự ổn định và an ninh năng lượng, đồng thời tình trạng mất điện có thể diễn ra ngày càng nhiều hoặc phải đầu tư vào các cơ chế cung cấp/lưu trữ năng lượng thay thế cũng là một trong số những áp lực lớn đối với các doanh nghiệp.

Bà Vân Anh cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ động thực hiện chuyển dịch năng lượng có thể giảm thiểu các rủi ro trên và nắm bắt được các cơ hội thương mại đáng kể.”

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác các nguồn doanh thu mới thông qua việc cung cấp dịch vụ cho lưới điện. Ví dụ, thông qua việc phát điện tại chỗ, các giải pháp đáp ứng nhu cầu và các giải pháp lưu trữ.

Đồng thời, các giải pháp và công nghệ mới cũng đang thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm chi phí. Điển hình như, chi phí năng lượng mặt trời hiện nay cao hơn so với các giải pháp dựa trên nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Các doanh nghiệp cũng có thể đóng góp trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch khí hậu, bằng việc dẫn đầu hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó định vị doanh nghiệp như một phần của giải pháp và cuối cùng giúp nền kinh tế chuyển dịch thành Net Zero vào năm 2050.

Bên cạnh đó, việc định vị doanh nghiệp ở vị trí dẫn đầu trong ứng phó với khí hậu đang ngày càng trở nên quan trọng, đồng thời có thể cải thiện thương hiệu của doanh nghiệp đối với các bên liên quan khác nhau, bao gồm chính phủ, nhà đầu tư, tổ chức cho vay, khách hàng và nhân viên.

Định hướng con đường chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững

Trong hoạch định chiến lược chuyển dịch, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào các thay đổi nhỏ lẻ, nhưng tác động bền vững lâu dài phụ thuộc vào những chuyển hóa mang tính căn bản.

“Khó khăn trong triển khai là thách thức chính cản trở doanh nghiệp áp dụng các mô hình chuyển hóa căn bản. Khi đánh giá các mô hình chiến lược, điều quan trọng là việc xem xét bối cảnh hiện tại của Việt Nam để thực hiện hiệu quả.” - bà Vân Anh nhận định.

Việc đánh giá bao gồm các công nghệ tiên tiến sẵn có để theo đuổi các sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động; tính khả thi của việc nâng cấp công nghệ và chuyển dịch công nghệ hiện có để hoạt động bền vững hơn; sự phù hợp của các doanh nghiệp chuyển dịch mới với những ràng buộc hoặc hạn chế về quy định của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần nhìn nhận bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp cần nhìn nhận bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng. Ảnh minh họa.

Về định hướng con đường chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững, các hành động quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện như phát triển một chiến lược chuyển đổi công bằng mạnh mẽ bắt nguồn từ sự tham gia của các bên liên quan và tôn trọng nhân quyền.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nghĩ toàn cầu nhưng hành động địa phương để điều chỉnh việc triển khai các chiến lược chuyển đổi công bằng phù hợp với lĩnh vực của doanh nghiệp, đối tác địa phương và cộng đồng địa phương; tiếp tục chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và những thực tiễn tốt mới nổi.

Bà Vân Anh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, cộng tác với các nhà hoạch định chính sách và các đối tác quan trọng khác; luôn chủ động minh bạch trong hành trình chuyển đổi công bằng để thúc đẩy niềm tin và sự hợp tác.

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD, chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi: “Chúng ta nên nhìn bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, tất nhiên vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức. Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu. Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đa bên thông qua những nền tảng đối thoại, để thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi hướng đến hiện thực hóa cam kết Net Zero”.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-viet-nam-co-the-tiep-can-tung-buoc-de-chuyen-dich-nang-luong-162114.html
Zalo