Doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt khó - Bài 1: Khi doanh nghiệp gặp khó...

LTS: Tuy khởi sắc hơn năm 2023 nhưng sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới vẫn khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm quy mô sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người lao động cũng như hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân quanh các nhà máy, khu công nghiệp. Báo Quân đội nhân dân phản ánh thực tế này cũng như đề xuất các giải pháp duy trì sản xuất, giữ chân người lao động qua loạt bài 'Doanh nghiệp và công nhân nỗ lực vượt khó'.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải cắt giảm lao động. Một số DN dù không sa thải nhưng việc làm ít, thu nhập không bảo đảm đời sống nên không ít công nhân cũng đã chủ động thôi việc...

Doanh nghiệp rơi vào tình thế bắt buộc

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 11 tháng năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96,2 nghìn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9%; gần 19,3 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15,7 nghìn DN rút khỏi thị trường. Nhiều DN ghi nhận việc thiếu đơn hàng, chỉ bảo đảm khoảng 35-50% năng lực sản xuất. Điều này khiến DN khó khăn về dòng tiền, phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên...

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH KSD Vina.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH KSD Vina.

Công ty TNHH KSD Vina tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là DN 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử với sản phẩm chính là dây sạc điện thoại và truyền tải dữ liệu từ điện thoại đến máy vi tính, chủ yếu cung cấp cho Tập đoàn Samsung. Lúc cao điểm, Công ty có đến 1.800 công nhân. Nhưng từ sau dịch Covid-19, tình hình sản xuất bắt đầu giảm sút, có thời điểm số đơn hàng giảm đến 80%, chỉ còn những đơn hàng nhỏ lẻ. Đơn hàng ít, không tăng ca nên thu nhập của người lao động giảm. Hiện nay, Công ty chỉ còn 650 công nhân làm việc. Bà Lê Thị Thu, Trưởng phòng Quản lý nhân sự của Công ty lý giải: “Lương không đủ bảo đảm cuộc sống nên công nhân chủ động nghỉ việc chứ Công ty không sa thải. Chúng tôi cũng rất áy náy vì việc này. Gắn bó với người lao động hàng chục năm qua, chúng tôi luôn xem họ là tài sản của Công ty. Với số lượng lao động hiện nay, Công ty vẫn duy trì được việc làm, thỉnh thoảng có tăng ca và không phải hoãn, giảm giờ làm”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sở dĩ DN phải cho công nhân nghỉ việc là vì tình thế bắt buộc. Bởi khi đơn hàng sụt giảm mà vẫn duy trì lượng công nhân như cũ thì khó bảo đảm việc làm cho tất cả, đồng thời, khiến DN khó khăn hơn khi phải “gồng mình” để trả lương”.

Ngày 16-10 vừa qua, Talentnet Việt Nam (Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài, địa chỉ tại phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Mercer-công ty hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực về khảo sát lương công bố “Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi tại Việt Nam năm 2024”. Báo cáo này có sự tham gia của 594 DN nước ngoài, 59 DN trong nước, 3.481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động. Thông tin đáng chú ý trong báo cáo này là: Tại các DN ở Việt Nam, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm từ 19,4% năm 2023 xuống còn 9,6% trong nửa đầu năm 2024, bởi khi tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó, người lao động có tâm lý ổn định công việc. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet Việt Nam, chia sẻ: “Kinh tế suy giảm khiến DN tìm cách tối ưu hóa bộ máy nhân sự dẫn đến tỷ lệ cắt giảm gia tăng. Nhưng ở mặt tích cực, cơ hội việc làm mới cũng ra đời. Thực tế, tỷ lệ công ty dự định tuyển dụng thêm tăng từ 37% năm 2023 lên 41,4% năm 2024”.

Công nhân thấp thỏm

Trong căn phòng trọ hơn 10m2 tại phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên (Thái Nguyên), anh Vi Văn Hữu quê ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đang tất bật chuẩn bị bữa tối để vợ là chị Đinh Thị Thương kịp đi làm ca đêm. Bữa cơm đơn giản với vài miếng đậu phụ sốt cà chua và đỗ luộc còn từ bữa trưa. Anh Hữu từng làm việc cho một công ty ở Khu công nghiệp Điềm Thụy nhưng nghỉ việc hơn hai tháng nay để chăm bố ốm. Sinh hoạt của cả nhà trông vào số tiền lương khoảng 7 triệu đồng/tháng của chị Thương tại Công ty TNHH DAESIN. Mấy hôm nay, đêm nào anh Hữu cũng mất ngủ và chỉ mong có một công việc thời vụ ở tuổi 44 để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống chứ chưa dám suy nghĩ gì xa hơn.

Bữa cơm của vợ chồng anh Vi Văn Hữu và chị Đinh Thị Thương.

Bữa cơm của vợ chồng anh Vi Văn Hữu và chị Đinh Thị Thương.

Chị Hà Kiều Diễm quê ở xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thì bị Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho nghỉ việc từ đầu tháng 11-2024. Nghe thông báo, chị hụt hẫng và lo lắng khi nghĩ về cuộc sống gia đình những ngày tiếp theo, nhất là khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. “Hiện tôi chưa biết phải xoay xở thế nào khi không có việc làm và chồng không thể tiếp tục làm việc do sức khỏe yếu. Chúng tôi dự tính cả nhà sẽ ở lại xóm trọ đón Tết và tranh thủ tìm công việc mới”, chị Diễm bày tỏ.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội): “Tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của DN, khiến số người nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều DN không tái ký hợp đồng với người lao động sau khi hợp đồng hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã làm gia tăng số người nghỉ việc cần được giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG - VÂN HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-no-luc-vuot-kho-bai-1-khi-doanh-nghiep-gap-kho-808473
Zalo