Doanh nghiệp ứng phó ra sao với tăng giá điện?

Tăng giá điện được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận sẽ có tác động, dù không lớn. Song việc này cũng khiến việc tiết kiệm điện được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức tăng giá lần này đã được nhiều doanh nghiệp dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tác động.
Tác động không đáng kể

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, với nhóm khách hàng sinh hoạt, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ sinh hoạt từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.

"Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn", ông Dũng cho hay.

Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh. Với cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 - 3.242 đồng/kWh, tùy khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán từ 1.812 - 3.348 đồng/kWh, tùy khung giờ.

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là từ 2.040 - 2.124 đồng/kWh tùy khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 1.525 đồng và 4.795 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế VAT.

Công nhân lao động tại nhà xưởng cơ khí. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Công nhân lao động tại nhà xưởng cơ khí. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam chia sẻ, giá điện tăng đã nằm trong dự tính của doanh nghiệp ngay khi có các thông tin liên quan đến số lỗ của ngành điện. Thời gian qua, việc chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào tăng đều được doanh nghiệp nắm bắt. Tăng giá điện ở mức 4,8% chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng có thể nói sẽ không gây tác động quá lớn. Giá điện chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành phẩm. Khi giá điện tăng, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến khoảng 5% và điều này là có thể chấp nhận.

“Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là việc tìm kiếm đơn hàng trong năm tới và tập trung sản xuất cho các đơn hàng cuối năm. Bản thân chúng tôi cũng đang nỗ lực hơn để nâng cao công nghệ sản xuất, tiết kiệm điện năng, Thời gian qua, ngành điện đã có sự đầu tư và thay đổi lớn trong kinh doanh, dịch vụ với khách hàng. Hi vọng rằng, với mức tăng giá này, có thể bù đắp chi phí, giúp đầu tư các công trình, cung ứng điện được ổn định, tốt hơn”, ông Kết nói.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), tăng giá theo nhận định là có tác động tới doanh nghiệp, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện hơn nữa. Chất lượng điện thời gian qua theo đánh giá của chúng tôi cũng đang rất tốt.

Doanh nghiệp đẩy mạnh tiết kiệm điện

Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Theo ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng phó, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay.

Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời (điện áp mái). Hiện nay, một số doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện.

Từ thách thức của tăng giá điện thì các doanh nghiệp của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

Đức Dũng - Thu Hằng - Thúy Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-ung-pho-ra-sao-voi-tang-gia-dien/350104.html
Zalo